Sâu “lạ” đục khoai lang có thể là bọ đuôi kiềm!

06:08, 16/08/2012

Sau khi Báo Vĩnh Long thông tin “hàng ngàn hecta khoai lang bị sâu lạ tấn công”, sáng 16/8/2012, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam phối hợp Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long đã thành lập đoàn đến tìm hiểu về tình hình sản xuất, mức độ phá hoại loại sâu này tại nhiều ruộng khoai lang ở huyện Bình Tân để sớm tìm ra biện pháp phòng trị.


Thạc sĩ Lê Quốc Cường (đứng giữa) cùng cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long thăm những ruộng khoai bị sâu đục phá.

Sau khi Báo Vĩnh Long thông tin “hàng ngàn hecta khoai lang bị sâu lạ tấn công”, sáng 16/8/2012, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam phối hợp Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long đã thành lập đoàn đến tìm hiểu về tình hình sản xuất, mức độ phá hoại loại sâu này tại nhiều ruộng khoai lang ở huyện Bình Tân để sớm tìm ra biện pháp phòng trị.

Thông tin thêm về loại sâu lạ này, nông dân Phạm Văn Thanh (ấp Tân Uyên, xã Thành Trung) cho biết: Loại sâu này đã bùng phát dữ dội vào năm nay và gây hại chủ yếu vào ban đêm. Nhiều người đã mua thuốc, với chi phí tăng hơn những vụ trước từ 2- 3 lần để phòng trị nhưng không mang lại hiệu quả. “Tức mình tui bắt luôn con sâu bỏ vào chai thuốc sâu thử thế nào mà nó cũng không chết, nên đành chịu!”- ông Thanh nói.

Còn theo ông Trương Thành Vui- cán bộ khuyến nông xã Thành Trung: Sâu đục phá rất nhanh, nhiều ruộng đã phát hiện và dù phun xịt thuốc kịp thời nhưng trong vòng 3 ngày nếu không thu hoạch thì có khoảng 50% diện tích bị đục khoét, làm giảm chất lượng. Ban đầu vết đục chỉ bằng đầu tăm nhang, sau đó vết thâm đen ăn sâu vào “thịt khoai”. Trung bình một công khoai tím Nhật sau thu hoạch được từ 40- 50 tạ nhưng nếu ruộng nào bị sâu đục phá thì còn khoảng 10 tạ bán được với giá cao, số còn lại sẽ bị dạt, bán giá chỉ từ 10- 15.000 đ/tạ, 60 kg.   

Đào, xới tại ruộng khoai để tìm sâu “lạ”.

Ghi nhận tại nhiều ruộng khoai khác, tình trạng sâu lạ đục phá làm giảm chất lượng, gây thua lỗ diễn ra khá phổ biến. Nhiều nông dân cho rằng, năm nay sâu lạ tấn công mạnh có thể do tình trạng nông dân trồng nhiều vụ liên tục mà không cho đất nghỉ. Mặt khác, do khoai rớt giá nên nông dân bỏ phế không chăm sóc… Qua tìm hiểu thông tin và tận mắt chứng kiến loại sâu này, Thạc sĩ Lê Quốc Cường- Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cho biết: Đây không phải là sâu mới, lạ mà đã xuất hiện nhiều năm trước. 

Nguyên nhân năm nay sâu bùng phát mạnh rất có thể do điều kiện thời tiết thuận lợi và nông dân lơ là trong việc chăm sóc ruộng khoai. Vì vậy, trước mắt nông dân lưu ý không nên lạm dụng thuốc hóa học trong phòng trị mà nên tìm cách quản lý tốt loại sâu này không để gây hại diện rộng. “Rất có thể sâu lạ là con bọ đuôi kiềm thuộc họ cánh phấn, với khoảng 2.000 loài gây hại trên nhiều thực vật trong thời gian qua. 

Tuy nhiên, trước khi có kết luận, chúng tôi sẽ phối hợp với các viện, trường tiếp tục nghiên cứu tìm ra chính xác loại sâu gây hại để đưa ra biện pháp phòng trị kịp thời, giảm thiệt hại cho bà con nông dân.”- Thạc sĩ Lê Quốc Cường nhận định thêm.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH



Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh