Những ngày đầu tháng 8 vừa qua, lốc xoáy đã phá hủy hàng trăm căn nhà, nhiều cây cối và gây thiệt hại về nhân mạng ở các tỉnh ĐBSCL, trong đó có tỉnh Vĩnh Long. Do vậy, về tính chất gây hại, hiện nay có thể xem hiện tượng khí tượng này là loại thiên tai nguy hiểm nhất trong khu vực.
Nhà xây dựng kiên cố sẽ giảm tốc mái, sập nhà do lốc, bão mạnh.
Những ngày đầu tháng 8 vừa qua, lốc xoáy đã phá hủy hàng trăm căn nhà, nhiều cây cối và gây thiệt hại về nhân mạng ở các tỉnh ĐBSCL, trong đó có tỉnh Vĩnh Long. Do vậy, về tính chất gây hại, hiện nay có thể xem hiện tượng khí tượng này là loại thiên tai nguy hiểm nhất trong khu vực.
Lốc ngày càng bất thường
Sự bất thường của lốc xoáy có thể thấy qua con số nhà cửa bị chúng gây hại trong những năm gần đây ở tỉnh. Năm 2010: 321 căn nhà bị sập, tốc mái (thiệt hại 496 triệu đồng); năm 2011: 339 căn nhà bị hư hỏng (thiệt hại 2,55 tỷ đồng) và chỉ trong gần 8 tháng đầu năm nay, hoàn lưu bão số 1 và giông, lốc đã làm hư hỏng trên 700 căn nhà (thiệt hại trên 5 tỷ đồng). Đây là số nhà bị hư hỏng do lốc cao nhất từ trước đến nay, trừ thiệt hại do bão số 9 vào năm 2006. Trong năm nay, có thể kể các đợt lốc, giông nổi cộm như: hoàn lưu bão số 1 kèm theo giông, lốc xảy ra vào cuối tháng 3 đã làm sập 29 căn nhà, tốc mái 339 căn, 1 trạm y tế, làm đổ, ngã 5 trụ điện hạ thế, gây hư hỏng rải rác 21ha rau màu và gây ngập 585ha lúa Hè Thu... Trong cơn bão này, huyện Bình Tân có số nhà bị hư hỏng nhiều nhất, với 24 căn sập và 264 căn bị tốc mái. Đợt gần đây và cũng là đợt khốc liệt nhất là liên tiếp 2 ngày 1- 2/8, lốc xảy ra trên địa bàn các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Bình Minh, Mang Thít làm 245 căn nhà bị sập, tốc mái và nhiều cột điện, cây cối bị đổ ngã.
Trong chuyến khảo sát vừa qua tại các huyện, một vị lãnh đạo của huyện Tam Bình cho rằng, không như trước đây, những năm gần đây giông, lốc gây hại liên tục, xảy ra từng đợt sau những đợt hạn ngắn hạn trong mùa mưa. Hễ trời chuyển mưa là ngay sau đó giông, lốc kéo đến, “lượm” vài chục căn nhà, rồi thương tích xảy ra, đời sống nhân dân vùng lốc bị đảo lộn. Quỹ phòng chống lụt bão của địa phương còn hạn chế nên hỗ trợ không xuể. Một số câu hỏi đã được đặt ra về nguyên nhân số nhà bị thiệt hại do giông, lốc ngày càng gia tăng. Có ý kiến cho rằng là vì dân số ngày càng tăng, nhà cửa mọc lên càng nhiều nên số bị lốc phá hoại tăng lên! Ý kiến khác thì cho là do biến đổi khí hậu làm thời tiết thay đổi thất thường, thiên tai càng khốc liệt hơn và thiệt hại càng nặng
nề hơn...
Cần có giải pháp căn cơ
Các nhà nghiên cứu về khí tượng cho rằng, lốc xoáy (hay vòi rồng) là hiện tượng một luồng không khí xoáy tròn mở rộng ra từ một đám mây giông xuống tới mặt đất. Khi đó, không khí ở lớp bên trên lạnh đè lên lớp không khí nóng ở phía dưới, không khí nóng sẽ bị cưỡng bức chuyển động lên rất mạnh. Sự lên xuống của dòng khí tạo thành luồng gió có vận tốc có thể lớn hơn 160 km/giờ. Lốc xoáy phát triển từ một cơn giông, thường từ ổ giông rất mạnh hay siêu mạnh, nên ở đâu có giông dữ dội là ở đó có thể có lốc. Cũng có khi nó sinh ra từ một dải gió giật mạnh (được gọi những đường tố) hay từ một cơn bão. Hiện nay nguyên nhân lốc xoáy con người vẫn chưa hoàn toàn hiểu được hết. Đường kính của lốc có thể thay đổi từ vài chục mét cho tới vài kilômét (đa số là 50m). Trên đường di chuyển nó có thể cuốn theo (rồi ném xuống ở một khoảng cách sau đó) hoặc phá hủy mọi thứ, kể cả những nhà gạch xây kiên cố, nên lốc là hiện tượng khí tượng đặc biệt nguy hiểm.
Về giải pháp phòng chống lốc xoáy, các nhà khoa học và nhà quản lý xác định như phòng, chống bão. Tuy phạm vi ảnh hưởng nhỏ nhưng do tính chất bất ngờ, khó dự báo chính xác đường đi, phạm vi ảnh hưởng, nhất là loại lốc có tốc độ lớn nên việc phòng tránh lốc rất khó khăn, nhất là vào ban đêm. Thời gian gần đây, ngành chức năng và chính quyền địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân từng bước xây dựng nhà kiên cố, chằng chống nhà cửa trước mùa mưa và đã có thử nghiệm ở một số nơi về xây dựng đi-văng, xây các thùng, hầm bằng bê tông (còn gọi là trảng xê) trong nhà, ... để tránh bão, lốc. Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo giới thiệu các mô hình nhà chống bão, một số cách chằng chống nhà để giảm thiểu tốc mái, sập nhà... Tuy nhiên, những giải pháp này đến nay chưa được nhân dân chấp nhận sử dụng rộng rãi, trong đó có phần vì chưa phù hợp với tập quán của người dân, không phù hợp với điều kiện hiện tại của tỉnh.
Thực tế cho thấy, hiện nhà của dân xây mỗi nơi mỗi kiểu, chỉ chú ý che mưa, che nắng và thẩm mỹ, ít chú ý đến tính kiên cố chống bão, chống gió mạnh. Trước tình hình như vậy, để có cơ sở khuyến cáo nhân dân làm theo, trước mắt, ngành chức năng cần tổ chức một hội thảo chuyên đề, lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các cơ quan khí tượng- thủy văn, cơ quan chuyên ngành xây dựng hay tổ chức chương trình nghiên cứu sâu hơn về lốc nói riêng (giông, bão nói chung) trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận để đề ra giải pháp căn cơ hơn, cụ thể hơn phục vụ phòng, chống lốc, bão ở Vĩnh Long. Và sau đó, trên cơ sở này, ngành chức năng cần đề xuất với cơ quan thẩm quyền ban hành quy định điều chỉnh trong hoạt động xây dựng nhà cửa, công trình phải tuân thủ yếu tố an toàn chống bão, lốc gió mạnh phù hợp với đặc thù của địa phương, nhằm giúp dân giảm bị thiệt hại trước những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin