Phòng chống cúm gia cầm- nước đã đến chân!

05:08, 09/08/2012

“Virus cúm gia cầm (GC) đang biến đổi khó lường, mầm bệnh tồn tại khắp nơi trong môi trường và đàn vật nuôi. Nguy cơ bùng phát rất lớn và xảy ra bất cứ lúc nào nếu người nuôi lơ là phòng ngừa dịch bệnh”- ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long cảnh báo.



Tiêm vaccine được xem là cách phòng ngừa tốt dịch cúm gia cầm.

“Virus cúm gia cầm (GC) đang biến đổi khó lường, mầm bệnh tồn tại khắp nơi trong môi trường và đàn vật nuôi. Nguy cơ bùng phát rất lớn và xảy ra bất cứ lúc nào nếu người nuôi lơ là phòng ngừa dịch bệnh”- ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long cảnh báo.

Cũng theo ông Tùng, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy 4 ổ dịch cúm GC, số lượng trên 2.000 con của 4 hộ nuôi (3 hộ nuôi gà, 1 hộ nuôi vịt). Tất cả GC mắc bệnh đã được kịp thời tiêu hủy.

Trắng tay vì cúm GC

Cụ thể, trong tháng 4 đã xảy ra ổ cúm GC đầu tiên trong năm 2012. Qua báo cáo kịp thời của chính quyền địa phương, Chi cục Thú y đã tiến hành lấy 2 mẫu bệnh phẩm trên đàn vịt (226 con) và đàn gà (359 con) của 2 hộ nuôi ở xã Thuận An (Bình Minh) gởi xét nghiệm. Kết quả 2 mẫu này đều dương tính với dịch cúm A/H5N1. Tổng số GC này đã được tiêu hủy ngay sau đó. Đến tháng 7, một lần nữa cúm GC lại tái phát trên đàn gà 1.000 con của một hộ nuôi tại xã Long An (Long Hồ). Sau khi tiêu hủy toàn bộ số GC mắc bệnh, Chi cục Thú y đã phong tỏa, tiến hành tiêu độc sát trùng khu vực nuôi và vùng lân cận. Hiện ổ dịch chưa qua 21 ngày, ngành chức năng vẫn đang tiếp tục theo dõi. Đáng chú ý nhất là mới đây (4/8), mẫu xét nghiệm bệnh phẩm của Cơ quan Thú y vùng VII lại cho kết quả dương tính dịch cúm A/H5N1 trên đàn gà của gia đình anh Nguyễn Minh Châu (ấp Thanh Bình, xã Tân Long- Mang Thít). Anh Châu nuôi tổng cộng 1.100 con gà, trước thời điểm xảy ra dịch anh đã bán được 200 con, 900 còn lại chưa kịp xuất bán thì xảy ra dịch bệnh. Anh Châu cho biết: Do nhiều tháng qua, gà rớt giá mạnh, anh neo gà lại trên một tháng nên vaccine phòng cúm đã không kháng được bệnh tấn công. Sau khi phát dịch, anh Châu đã thông báo cho cơ quan thú y tiến hành tiêu hủy tổng số đàn gà bị bệnh. “Tôi nuôi gần 10 năm rồi mà chưa lần nào chết hàng loạt như đợt này. Trong quá trình nuôi tôi vẫn thường xuyên vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ chứ đâu thiếu gì. Bán được một mớ, trừ chi phí còn lỗ gần 70 triệu đồng”- anh Châu buồn bã.


Vận chuyển GC không che chắn, khả năng rơi vãi mầm bệnh là rất lớn.

Ông Lê Thanh Tùng cho biết, hiện ngành đang triển khai tất cả biện pháp như tiêm phòng, phun thuốc tiêu độc, sát trùng nhằm khống chế không để dịch bùng phát. “Mặc dù không công bố dịch nhưng tỉnh đã đồng loạt triển khai các biện pháp khống chế, tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường (nếu có) giống như chống dịch”.

Tỷ lệ tiêm phòng thấp

Theo ông Lê Thanh Tùng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cúm GC có điều kiện bùng phát và lây lan nhanh là do người dân chưa nhận thức cao việc tiêm phòng dịch bệnh. Cụ thể, trong tổng số 4 ổ dịch cúm của 4 hộ đã xảy ra thì có đến 3 hộ không thực hiện công tác tiêm phòng hoặc tiêm không đủ liều cho đàn vật nuôi; 1 hộ thực hiện tiêm đầy đủ nhưng do GC xuất chuồng trễ nên vaccine hết thời gian miễn dịch.


Không nên cho GC ăn thức ăn cũ, tăng cường sức đề kháng và thường xuyên vệ sinh chuồng trại.

Còn theo báo cáo của Chi cục Thú y, trong tổng số trên 5 triệu con GC được nuôi trên toàn tỉnh thì hiện chỉ có khoảng 460 ngàn con được tiêm phòng, chỉ đạt trên 42% (gia súc khác đều đạt trên 80%). Lý giải việc này, ông Lê Thanh Tùng cho rằng, chủ yếu trên đàn gà ở những hộ nuôi nhỏ lẻ. Hiện mỗi xã đều có mạng lưới thú y thường xuyên thực hiện việc tiêm phòng, nhưng đa phần hộ gia đình nuôi chỉ vài con gà nên không quan tâm việc này. Vì vậy, trong khi đàn vịt cũng như đàn gia súc, GC khác hàng năm tỷ lệ tiêm phòng thường đạt cao thì đàn gà thường đạt thấp. “Nhiều hộ có GC chết không rõ nguyên nhân đã đem vứt xác ra sông mà không báo cơ quan thú y. Việc làm này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà dịch bệnh dễ lây lan”- ông Lê Thanh Tùng nói.

Đề cập đến công tác kiểm soát giết mổ, ông Lê Thanh Tùng còn cho biết: Được tăng cường kiểm tra thường xuyên, riêng việc vận chuyển GC liên tỉnh, vẫn ngấm ngầm nguy cơ bùng phát khi thời tiết đang giao mùa, đặc biệt Vĩnh Long được xem là “đường đi của GC” sang nhiều tỉnh lân cận thì khả năng rơi vãi mầm bệnh là rất lớn. “Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho người dân công tác chăm nuôi đàn GC hướng an toàn sinh học, vệ sinh khu vực nuôi; đặc biệt thực hiện tiêu độc sát trùng và tiêm phòng đủ liều để phòng dịch hiệu quả.”- ông Lê Thanh Tùng lưu ý.

“Những hộ chăn nuôi đàn GC nhỏ lẻ nên chủ động liên hệ với cơ quan thú y tại địa phương hoặc UBND xã nơi mình đang ở đến tiêm phòng cho đàn GC nuôi miễn phí”- ông Lê Thanh Tùng khuyến cáo.
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh