Nhiều thanh niên có thể tìm được việc làm có thu nhập cao bằng con đường xuất khẩu lao động (XKLĐ). Song, do thị trường XKLĐ đang đóng băng nên tại Vĩnh Long chỉ đạt gần 25% kế hoạch năm.
Nhiều thanh niên có thể tìm được việc làm có thu nhập cao bằng con đường xuất khẩu lao động (XKLĐ). Song, do thị trường XKLĐ đang đóng băng nên tại Vĩnh Long chỉ đạt gần 25% kế hoạch năm.
Lao động tìm hiểu thông tin XKLĐ.
XKLĐ gặp khó
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý lao động (LĐ) ngoài nước, tổng số LĐ đi làm việc ở nước ngoài trong 6 tháng năm 2012 là trên 40.000 LĐ, giảm 6.248 người so với cùng kỳ. Đặc biệt, tại 2 thị trường Đài Loan và Hàn Quốc, số lượng đi năm 2012 thấp hơn cùng kỳ năm trước lần lượt là 3.500 người, 3.625 người.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa, tình hình XKLĐ năm nay đang đứng trước nguy cơ khó cán đích 90.000 LĐ, bởi khủng hoảng kinh tế đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phá sản, tạm ngưng hoạt động. Thị trường trọng điểm hiện nay của ngành XKLĐ vẫn là Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản,... Tuy nhiên, ngay những thị trường quen thuộc này cũng đang gặp những khó khăn, do chính từ người LĐ và DN tạo ra như tình trạng LĐ bỏ trốn tại Hàn Quốc hoặc vấn đề loạn phí trong nước của các DN tuyển dụng LĐ đi Đài Loan làm việc. Đồng thời, ngành LĐ Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh về chất lượng LĐ của các quốc gia trên một thị trường;…
Thị trường xuất khẩu LĐ ở tỉnh Vĩnh Long gặp nhiều khó khăn, chỉ đạt 25% kế hoạch (năm 2012 XK 500 LĐ). Dù LĐ Vĩnh Long được nhà tuyển dụng đánh giá cao về tính kỷ luật LĐ, song thực trạng số LĐ Việt Nam không thực hiện đúng hợp đồng LĐ và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nên Hàn Quốc tạm dừng tổ chức các kỳ thi tiếng Hàn để tiếp nhận LĐ Việt Nam. Tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh (TTGTVL), tính đến nay, có 577 LĐ đăng ký XKLĐ. Theo đó, đi Nhật hơn 160 LĐ; đi Hàn Quốc có 377 LĐ; 20 LĐ đăng ký sang Đài Loan, Malaysia. Số LĐ trúng tuyển là 109 người, 75 LĐ có thông báo bay.
Mở lối XKLĐ
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực XKLĐ nhận định, nhóm thị trường có thu nhập tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc luôn thu hút nhiều LĐ. Theo Trung tâm LĐ ngoài nước, năm 2012, Hàn Quốc sẽ dành 11.000 chỉ tiêu tiếp nhận người LĐ nước ngoài hết hạn hợp đồng về nước và tái nhập cảnh mà không phải thi tuyển tiếng Hàn, được miễn giáo dục định hướng trước và sau khi nhập cảnh. Với mức lương bình quân khoảng 1.000- 1.500 USD/tháng (kể cả làm thêm), thu nhập của người lao động ở thị trường “xứ kim chi” khá cao. Tính gộp trong 5 năm làm việc ở đây, người LĐ tích lũy được khoảng 600- 800 triệu đồng, thậm chí có người đạt cao hơn, thu nhập xấp xỉ cả tỷ đồng. Do vậy, đây là một trong những giải pháp giảm nghèo hiệu quả, căn cơ và bền vững.
Trong buổi học tiếng Hàn tại TTGTVL tỉnh, em Lê Thị Diễm Kiều (xã Tân Quới Trung- Vũng Liêm) cùng Trương Thị Bé Hai (xã Tân Phú- Tam Bình) tranh thủ giờ giải lao ngồi ôn lại những câu giao tiếp tiếng Hàn vừa được học. Kiều cho biết: “Em gái đang làm bên Hàn, đỡ lắm nên em đi XKLĐ kiếm số vốn về lo cho bản thân và gia đình. Thời gian này, em vừa học tiếng vừa học nghề tại trung tâm này và hy vọng kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn sẽ tổ chức để em được thi”. Còn Bé Hai tâm sự: “Thấy anh chị con bác đi làm bên đó “ngon” lắm, lương tháng gần 30 triệu đồng lận nên nhà em vay tiền Ngân hàng Chính sách lo cho em. Học chưa quen nên khó nhớ từ quá nhưng em sẽ ráng vì nghe nói thi tuyển tiếng Hàn và sức khỏe rất kỹ”. Chị Lê Thị Thu Phát- giáo viên tiếng Hàn của TTGTVL) cho biết: “Học viên chủ yếu tập trung học mẫu câu theo bộ đề quy định, siêng học thật nhiều từ vựng là đủ đáp ứng được kỳ thi tiếng Hàn. Tuy nhiên, người học cần phải luyện tập, trau dồi thêm mới giao tiếp tốt, không bị bất đồng ngôn ngữ nơi xứ người”.
Hiện có 900 LĐ chờ thi kiểm tra năng lực tiếng Hàn tại TTGTVL tỉnh. Trong ảnh: LĐ tranh thủ luyện tiếng Hàn giờ giải lao.
Tuy nhiên, người LĐ cũng cần lưu ý, nhu cầu tuyển dụng LĐ ở các nước hiện nay là LĐ có tay nghề kỹ thuật cao và giảm tuyển dụng LĐ phổ thông. Chương trình Thẻ vàng (được cấp visa màu vàng) của “xứ kim chi” có nhu cầu tuyển dụng không hạn chế đối với LĐ lĩnh vực công nghệ cao như điện tử kỹ thuật số, công nghệ nano, công nghệ sinh học, năng lượng, vật liệu mới, thương mại điện tử… với thu nhập bình quân 2.500- 3.000 USD/tháng. Tuy nhiên, dù triển khai đã nhiều năm nhưng chương trình Thẻ vàng vẫn có ít ứng viên Việt Nam đạt tiêu chuẩn, vì thế số lượng được tiếp nhận cũng chưa nhiều. Điều này cho thấy, cơ hội đi nước ngoài lao động và làm việc với mức lương “khủng” rộng mở nhưng nguồn dự tuyển, chất lượng đạt trình độ kỹ thuật cao của lao động Việt Nam chưa đạt chuẩn. Do vậy, cần chú trọng đến việc đào tạo và nâng tay nghề cho người LĐ, nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Là kỹ sư cơ khí của Đại học Bách khoa nên sau ra trường, anh Thanh Duy (TP Vĩnh Long) đã tìm việc làm ổn định tại công ty Nhật ở Bình Dương. Sau 2 năm sang Nhật hợp tác LĐ, anh để dành được trên 800 triệu đồng. “Không chỉ có bằng kỹ sư mà LĐ có tay nghề cao cũng được mức lương “khủng” khi làm việc tại Nhật. Một khi muốn đi XKLĐ thì người LĐ phải tự trang bị tay nghề và vốn ngoại ngữ thật tốt; đọc thêm sách báo tìm hiểu văn hóa để có cơ hội học tập và làm việc ở các nước có nền kinh tế phát triển”.
Ông Lê Công Gia- Giám đốc TTGTVL tỉnh cho biết: Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp cùng trung tâm giáo dục định hướng cho người LĐ có ý thức, kỷ luật, tuân thủ hợp đồng và chấp hành các quy định của pháp luật khi có nguyện vọng đi XKLĐ; tăng cường luyện nghe cho LĐ để tham gia tốt kỳ thi kiểm tra tiếng nước sở tại; LĐ cần học tác phong công nghiệp, rèn luyện sức khỏe thật tốt. Đồng thời, những trường hợp LĐ vi phạm hợp đồng cũng cần nên có biện pháp xử lý nghiêm; chính quyền địa phương cần hỗ trợ trong công tác quản lý số LĐ đi làm việc nước ngoài đã vi phạm. Song song đó, mở rộng thị trường LĐ chất lượng cao như các nước Đông Âu, Bắc Mỹ, các nước Đông Nam Á tạo điều kiện cho LĐ thêm lựa chọn; cần nhiều chính sách ưu đãi cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút người đi XKLĐ.
Thị trường Lào, Campuchia thu hút LĐ
Cục Quản lý LĐ ngoài nước đánh giá, khả năng thu hút LĐ ở các thị trường nhỏ, trong đó có Lào và Campuchia chiếm 10- 15% số lượng LĐ xuất khẩu hàng năm (khoảng 8.000- 10.000 người/năm). Đặc biệt, thị trường Campuchia, Lào hiện có nhu cầu khá lớn trong lĩnh vực LĐ kỹ thuật và quản lý các ngành xây dựng, kỹ sư công trình hay nhân viên ngành tài chính ngân hàng. Ở nhóm công việc này, có thể đạt mức thu nhập từ 15- 23 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến trong năm 2012 này, số LĐ Việt Nam xuất khẩu sang 2 nước láng giềng nói trên sẽ còn tăng cao hơn nữa bởi hiện đang có rất nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại đây.
|
Bài, ảnh: QUYÊN QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin