Lãnh một đầu lương làm nhiều đầu việc

01:08, 28/08/2012

Tìm việc làm không dễ nhưng có việc làm cũng có khi là “nỗi đau có thật” của không ít người khi rơi vào tình cảnh muốn giữ việc phải chấp nhận treo lương hoặc vì đồng lương phải “nai lưng” cõng thêm nhiều việc không tên…


Sinh viên ra trường cần tỉnh táo để chọn công việc phù hợp với bản thân.

Tìm việc làm không dễ nhưng có việc làm cũng có khi là “nỗi đau có thật” của không ít người khi rơi vào tình cảnh muốn giữ việc phải chấp nhận treo lương hoặc vì đồng lương phải “nai lưng” cõng thêm nhiều việc không tên…

Tối mắt với việc “3 không”

Việc “3 không” theo cách nói vui của nhiều người lao động là: không tên, không lương và… không làm không được (sợ mất lòng chủ). Tình trạng này thường xảy ra đối với những doanh nghiệp tư nhân, điểm kinh doanh nhỏ lẻ. Người lao động cho biết, ngoài công việc chính, họ phải “kiêm” thêm nhiều việc khác như: phụ quán cà phê, rửa bát đĩa, lau nhà hoặc đưa rước con đi học…

Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung (Tam Bình)– nhân viên văn phòng một công ty bất động sản ở quận Ninh Kiều– TP Cần Thơ thở dài: Gần đây, bên cạnh công việc chính, chị còn kiêm luôn vai trò của thu ngân trong quán cà phê của vợ sếp nhưng đáng buồn là… không được trả lương. Chị cười buồn “3 tháng rồi chớ có ít đâu”. Đã vậy, đều đặn mỗi ngày “tôi còn phải đưa rước con sếp đi học nữa, tất nhiên là không lương”.

Nguyễn Thị Kim Hóa (Phường 8– TP Vĩnh Long)– hiện đang lao động ở Hàn Quốc kể: Lúc còn là sinh viên, có lần em xin làm phục vụ một quán cà phê nhỏ để kiếm tiền học thêm hè. Lúc vào làm, chủ quán có nói rõ công việc là làm nước, bưng nước cho khách, cuối buổi thì rửa ly, không làm thêm gì khác, làm 8– 10 tiếng/ngày, bao một buổi ăn, lương 600.000 đ/tháng. Vậy mà, em làm được một thời gian thì bà chủ bắt rửa thêm đống tô chén bán đồ ăn sáng (hủ tiếu, bánh canh…), nếu không làm thì đến bữa lên ăn cơm bà lại “nói xiên nói xéo”. Vì thế, “dù không được trả thêm tiền nhưng em vẫn phải rửa tô chén mỗi ngày”. Bạn Cao Thùy Linh- sinh viên ĐH Cần Thơ đi làm thêm tại một cửa hàng điện thoại di động cười buồn: “Nhân viên bán điện thoại mà không khác gì Osin. Ngoài coi tiệm thì lúc vắng khách phải kiêm luôn lau nhà, rửa chén… cho chủ”.

Không chỉ bị bóc lột sức lao động, nhiều người còn vướng vào nạn bạo hành công sở như: quát nạt, có lời lẽ xúc phạm... Hết giờ làm việc, anh Nguyễn Văn Thiện (Tam Bình)– nhân viên kinh doanh cho một doanh nghiệp chuyên mua bán máy vi tính cho biết, anh thường bị bắt làm thêm ngoài giờ nhưng không được trả công: “Có lần hết giờ làm, sếp đưa một xấp hồ sơ, phải ở lại làm đến gần 12 giờ khuya nhưng tới trả lương thì… hổng tính tăng ca”. Không chỉ bức xúc vì chuyện tiền nong, anh Thiện còn thấy bị xúc phạm vì: “Đôi khi sếp chửi không tiếc lời vì sếp… đang bực. Lúc đó mới thấy giá trị của đồng tiền”.

Cần tỉnh táo và chủ động

Anh Thiện cho biết, công ty tính công không rõ ràng nên anh đã nghỉ việc và đã tìm được chỗ làm khác tốt hơn. Chị Nhung thì nói: “Công ty đang gặp khó khăn. Tháng nào sếp cũng hứa trả lương nhưng hơn 9 tháng nay chỉ cho ứng 1,5 triệu đồng/người/tháng, bảo hiểm thì mấy tháng liền công ty cũng không đóng đồng nào”. Với số tiền ít ỏi, chị còn phải dành dụm gửi về quê nuôi em học đại học nên hết sức khó khăn. Chị bộc bạch: “Hy vọng công ty khởi sắc nhưng tôi cũng đang chú ý tìm công việc khác, tránh cảnh đột ngột thất nghiệp thì nguy”.


Nhiều người lao động phải đổ nhiều công sức mới tìm được đồng lương mà đôi khi còn bị bóc lột (ảnh minh họa).

Doanh nghiệp khó khăn ảnh hưởng đến người lao động là chuyện dễ hiểu. Nhưng đáng nói là nhiều lao động rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười” chỉ vì kém hiểu biết hoặc nóng vội. Một trong những đối tượng dễ “mắc bẫy” là các sinh viên mới ra trường. Anh Đào Hải Âu (TP Vĩnh Long) kể: “Sau khi tốt nghiệp quản trị mạng, mình nhanh chóng tìm được việc làm nhưng chỉ 2 tháng thì bị… đuổi”. Chưa hết bức xúc, anh nói: “Công việc rất dễ dàng là gọi điện thoại tư vấn để tạo địa chỉ web cho khách hàng. Đáng nói là tuyển mình vô làm rồi họ không cho ký hợp đồng, để muốn trả lương bao nhiêu thì trả, xong 2 tháng thì đuổi để tuyển người khác. Cứ như vậy, chi phí bỏ ra rẻ… như bèo, chỉ hơn một triệu đồng/tháng mà vẫn đủ người làm việc”.

Tương tự, nhiều sinh viên mới ra trường cũng dễ dàng mắc bẫy tuyển người của những doanh nghiệp “trăm bề dễ”. Chẳng hạn, chỉ cần tốt nghiệp cao đẳng, đại học không phân biệt chuyên môn, ngành nghề… chỉ kèm theo điều kiện nhỏ: người lao động muốn vô làm phải “thế chân” vài triệu đồng, bị giam lương vài ba tháng…

Nhiều người cho rằng, không chỉ người cần việc mà doanh nghiệp cũng cần có cách giữ chân người lao động, tránh tình trạng “việc chưa trôi lại phải thay người” vì lao động nhảy việc. Riêng người lao động cần tỉnh táo và chủ động để quyền lợi của mình luôn được đảm bảo.

Bài, ảnh: CAO THỤY – NAM ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh