Những ngày mưa dầm, mới thấy nỗi cực khổ của người làm ra hạt lúa. Lúa đã gặt xong nhưng chưa chắc ăn vì chỉ cần mắc mưa vài ngày là lúa lên mộng. Những năm qua, ngành chức năng, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc chuyển giao, hỗ trợ nông dân nhiều biện pháp phơi- sấy lúa, giảm thất thoát trong mùa mưa. Tuy nhiên đến nay, số diện tích lúa thu hoạch được
Nông dân thích bán lúa tươi cho thương lái hơn là sấy lúa để giảm chi phí.
Những ngày mưa dầm, mới thấy nỗi cực khổ của người làm ra hạt lúa. Lúa đã gặt xong nhưng chưa chắc ăn vì chỉ cần mắc mưa vài ngày là lúa lên mộng. Những năm qua, ngành chức năng, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc chuyển giao, hỗ trợ nông dân nhiều biện pháp phơi- sấy lúa, giảm thất thoát trong mùa mưa. Tuy nhiên đến nay, số diện tích lúa thu hoạch được phơi- sấy bằng máy, lò sấy vẫn chưa là bao!
Vì sao nông dân chưa “mặn”?
Mục tiêu của sấy hay phơi lúa là làm cho hạt lúa khô trước khi bảo quản hoặc đem đi chà gạo. Phơi sấy lúa khô làm giảm lượng lúa bị hư hỏng do mối mọt hoặc nấm mốc phá hoại, giảm tổn thất sau thu hoạch và làm nâng cao chất lượng gạo sau này. Theo tính toán, nếu lúa được phơi- sấy kịp thời ngay sau thu hoạch thì tỷ lệ hao hụt sẽ thấp hơn (ở mức khoảng 4%) so với lúa thu hoạch bị mắc mưa hoặc bị ngập nước nhiều giờ (tỷ lệ hao hụt trên 20%).
Thông qua các dự án, chương trình chuyển giao máy nông nghiệp của Trung ương và địa phương đầu tư, trong những năm qua, ngành chức năng trong tỉnh (gồm ngành nông nghiệp và PTNT, công thương, hội nông dân...) đã tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ công nghệ, thiết bị, máy sấy lúa. Nhiều loại lò sấy tiên tiến được chế tạo, cải tiến, được ứng dụng trong thực tế sản xuất như lò, máy sấy đổ đống, máy sấy tuần hoàn, máy sấy vỉ ngang, máy sấy tháp, máy sấy SRR... Đầu năm nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương trong vùng ĐBSCL cần tiến hành đầu tư xây dựng thêm lò sấy để đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ chủ trương mở rộng diện tích sản xuất vụ Thu Đông của bộ từ năm 2011. Tuy nhiên, con số thống kê của ngành nông nghiệp và PTNT trong tỉnh cho thấy, đến nay số lò và lượng lúa được sấy bằng lò sấy còn khá khiêm tốn. Hiện toàn tỉnh có 174 lò sấy lúa (phần lớn là máy sấy vỉ ngang), năng lực sấy đạt khoảng 4,2% tổng sản lượng lúa cả năm của tỉnh. Trong đó, vụ Hè Thu tỷ lệ lúa được sấy khoảng 21%, đứng hàng thứ 11 trong 13 tỉnh, thành ở vùng ĐBSCL. Câu hỏi đặt ra là vì sao nông dân chưa “mặn” đầu tư máy sấy? Câu trả lời có tính chất chung nhất là vì sấy lúa sẽ tốn thêm chi phí, nên phần lớn nông dân vẫn chọn cách bán lúa tươi ngay tại ruộng, sau thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Hoàng (ấp Phước Trinh A, xã Long Phước- Long Hồ) cho hay: “Thời nay, làm lúa tốn nhiều chi phí nên nông dân tính toán giảm bớt chi phí khâu nào hay khâu nấy. Đầu tư xây lò sấy chỉ thích hợp với những hộ làm dịch vụ phơi sấy hoặc hộ có từ vài ba mẫu đất mới hiệu quả, nhưng số hộ này chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay. Còn phần lớn hộ dân ở xã này ruộng đất vài ba công, do vậy chẳng ai đầu tư lò sấy làm gì. Do ngày nay giao thông, điện thoại, Internet thuận lợi và cắt lúa toàn bằng máy gặt liên hợp, lúa hột vô bao sẵn, nên sau khi cắt xong, “a-lô” là thương lái đến mua lúa ngay, nông dân bán liền, khỏi phơi sấy gì cả!”
Hướng mới thay cho đầu tư xây lò sấy đại trà
Nắm bắt được tâm lý phổ biến nêu trên của nông dân, nhiều hộ, doanh nghiệp đã mở rộng các hình thức dịch vụ phơi- sấy lúa như xây dựng sân phơi lúa, lò sấy tư nhân, lò sấy lúa ở các nhà máy xay xát, lò sấy, kho bãi chứa lúa gạo ở các doanh nghiệp mua lúa gạo xuất khẩu... Lượng lúa mua về sấy ở các lò sấy này do chủ tự mua hoặc thông qua các tiểu thương thu gom từ trong, ngoài tỉnh về. Anh Nguyễn Hoàng Hiếu (ấp Phú Hòa, xã Phú Thịnh- Tam Bình) là thương lái thâm niên trong nghề mua lúa chà gạo bán cho rằng: “Nhờ các lò sấy, sân phơi tư nhân mà nông dân làm lúa khỏe re. Chúng tôi mua lúa của họ đem về sấy, phơi với số lượng lớn hàng trăm tấn, rồi bán lại cho cơ sở, nhà máy, doanh nghiệp xay xát ra gạo đem xuất khẩu. Sắp tới đây, khi hệ thống giao thông, viễn thông ở nông thôn thông suốt thì chuyện mua lúa tươi của nông dân càng nhanh chóng hơn nhiều. Ở đâu có xe, có ghe tới được là nông dân vừa bán được giá cao vừa khỏi phơi- sấy gì cả. Lò sấy nhỏ lẻ chắc dẹp tiệm luôn”.
Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân tại cánh đồng mẫu giúp nông dân giảm khâu phơi- sấy.
Gần đây, việc mua lúa tươi tại ruộng của các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo, giúp nông dân giảm công phơi- sấy lúa đã cho thấy rất hiệu quả tại những nơi xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” trong vùng ĐBSCL. Mô hình này không những giúp người trồng lúa thu lợi nhuận cao hơn so với trước đây mà còn hình thành mối quan hệ mới trong sản xuất lúa (như nông dân liên kết trong lịch thời vụ xuống giống, khâu thủy lợi, làm đất, giải quyết dứt điểm tình trạng dưỡng chét, sạ chay...), trong đó đáng kể nhất là thiết lập mối liên kết giữa “hai nhà” (doanh nghiệp với nhà nông) trong chuỗi sản xuất, từ sản xuất đến tiêu thụ lúa gạo.
Tại hội nghị sơ kết thực hiện mô hình “cánh đồng mẫu lớn” tỉnh Vĩnh Long (giai đoạn năm 2010- 2015) ở xã Mỹ Lộc (Tam Bình) hồi tháng 6 vừa qua, đại diện một công ty xuất khẩu lúa gạo trong tỉnh cho hay: “Trước đây, do lúa hạt thường thu mua từ các thương lái nhỏ lẻ, độ khô không đồng đều nên sau khi đem về công ty phải sấy lại, đạt chuẩn rồi mới chà ra gạo. Nay được liên kết với nông dân tại các cánh đồng mẫu lớn thu mua lúa tươi tại ruộng nên doanh nghiệp có nhiều tiện lợi, vì mua được lượng lúa lớn, tập trung mà không nhiều giống lúa pha tạp, thuận lợi cho xuất khẩu. Lúa đem về sẽ được đưa vào hệ thống phơi, sấy có năng lực lớn, sấy một lượt nên độ ẩm hạt lúa đồng đều. Điều này rất tốt để bảo quản trong hệ thống kho tồn trữ, xay xát gạo đạt chất lượng hơn so với lúa khô sẵn từ các thương lái nhỏ mang tới và gạo chà ra xuất khẩu bán đặng giá hơn. Doanh nghiệp giảm nhiều chi phí qua các khâu mua bán trung gian”.
Bài, ảnh: TRUNG HIỆP
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin