Người nuôi cá tra đang “kêu” các viện, trường, cơ quan quản lý chất lượng con giống thủy sản “cứu”, vì tỷ lệ ca giống thả nuôi hao hụt 30- 40% là một trong các nguyên nhân làm tăng cao giá thành sản xuất.
Cá giống ở ĐBSCL đang bị thoái hóa trầm trọng.
Người nuôi cá tra đang “kêu” các viện, trường, cơ quan quản lý chất lượng con giống thủy sản “cứu”, vì tỷ lệ ca giống thả nuôi hao hụt 30- 40% là một trong các nguyên nhân làm tăng cao giá thành sản xuất.
Ông Dương Thành Thái- người nuôi cá tra ở xã Bình Thành (huyện Thanh Bình-Đồng Tháp) nói: Chất lượng con cá tra giống đang xuống dốc trầm trọng là do thị trường cá tra nguyên liệu tăng giảm liên tục. Lúc cá tra thương phẩm tăng, nhu cầu con giống tăng, thiếu giống người sản xuất dùng thuốc kích thích chích cho cá sinh sản quá nhiều lần trong năm. Khi cá bố mẹ bị chích thuốc ép sinh sản quá nhiều lần dẫn đến giảm sức đề kháng với dịch bệnh thì cá giống giảm chất lượng. Mặt khác, khi thị trường cá thương phẩm giảm mạnh dưới giá thành sản xuất 5.000– 7.000 đ/kg như lúc này cũng đã kéo con giống giảm một nửa và chỉ còn 900 đ/con; giá cá bố mẹ chỉ còn 16.000– 17.000 đ/kg, thấp hơn cá nguyên liệu 1.000– 2.000 đ/kg làm cho người nuôi cá bố mẹ không còn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đàn giống.
Ông Dương Nghĩa Quốc- Giám đốc Sở Nông nghiệp– PTNT Đồng Tháp cho biết: Toàn tỉnh hiện có 1.361 cơ sở sản xuất và cung ứng giống cá tra, trong đó có 87 cơ sở sản xuất giống, 31 cơ sở kinh doanh và 1.243 hộ ương cá giống. Sản lượng cá giống sản xuất trong 6 tháng qua ước khoảng 850 triệu con giống. Do giá cá tra thương phẩm liên tục giảm đã kéo theo cá giống giảm từ 1.700 đ/con xuống còn khoảng 900 đ/con. Ngoài ra, chất lượng cá giống ngày càng giảm sút kéo theo tỷ lệ hao hụt cá giống thả nuôi thương phẩm từ 30– 40% làm tăng giá thành sản xuất, người nuôi đang khốn khó. Hiện tại, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II đã đưa về cho tỉnh Đồng Tháp 60.000 con giống cá tra bố mẹ hậu bị để cải thiện chất lượng cá tra giống trong thời gian tới.
Còn ở Vĩnh Long, tỉnh đang đầu tư 27 tỷ đồng thực hiện 10 mô hình sản xuất giống cá tra chất lượng cao đến năm 2010. Theo đó, dự án hỗ trợ 30% chi phí sản xuất giống, 100% chi phí tư vấn xây dựng tiêu chuẩn GlobalGAP và chi phí kiểm định chất lượng để cấp giấy chứng nhận GlobalGAP lần đầu. Mục tiêu là quản lý chất lượng giống cá tra, cung cấp giống chất lượng cao cho các cơ sở nuôi cá tra xuất khẩu.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo- Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cho biết: Viện đã chuyển giao 85.000 con cá tra bố mẹ được chọn lọc di truyền cho các tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ… nuôi hậu bị. Đàn cá tra bố mẹ nói trên nằm trong dự án “Chuyển giao đàn cá bố mẹ có tính trạng di truyền cao” với số lượng 100.000 con cá tra bố mẹ chất lượng cao để từng bước thay thế đàn cá tra bố mẹ tại vùng ĐBSCL theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp- PTNT. Đây có thể xem là bước tạo nguồn cá giống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người nuôi.
Ông Nguyễn Huy Điền- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Trong 6 tháng qua, sản lượng cá tra giống toàn vùng sản xuất đạt khoảng 1,5 tỷ con giống, cơ bản đáp ứng nhu cầu thả nuôi cho cả ĐBSCL. Tuy nhiên, chất lượng cá giống giảm là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả không cao, tỷ lệ cá bột ương lên cá giống chỉ đạt khoảng 10%, cá giống nuôi thương phẩm chậm lớn, dịch bệnh xuất hiện nhiều. Nguyên nhân chính do chất lượng đàn cá bố mẹ bị thoái hóa, lai cận huyết do cạnh tranh thiếu lành mạnh nên các cơ sở sản xuất cá bột ép cá bố mẹ đẻ non, đẻ nhiều lần trong năm. Trong khi đó, dự án thay đàn cá bố mẹ có tính trạng di truyền cao do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II thực hiện đã hoàn thành nhưng 1- 2 năm nữa mới phát huy được hiệu quả. Để nâng cao chất lượng cá tra giống và chất lượng cá thương phẩm thì cần hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về sản xuất kinh doanh cá tra giống, gắn quy hoạch vùng sản xuất với xây dựng thương hiệu cá tra giống; cần hỗ trợ các trung tâm giống thủy sản cấp tỉnh phát triển; thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất giống cho các hộ nuôi; xây dựng các mô hình liên kết giữa nhà sản xuất giống với nhà khoa học để ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết giữa sản xuất giống với nuôi thương phẩm nhằm ổn định cung cầu. Tổng cục Thủy sản cũng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II soạn thảo quy chế quản lý đàn cá tra hậu bị và đàn cá tra bố mẹ nhằm giúp nâng cao chất lượng cá tra giống để giúp người nuôi đạt hiệu quả cao.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo: Các tỉnh cho kiểm tra ngay việc sản xuất con giống đảm bảo chất lượng để tránh hao hụt trong quá trình nuôi và xử lý nghiêm đối với những cơ sở, sản xuất kinh doanh giống kém chất lượng để giúp người nuôi đạt hiệu quả cao nhất.
Bài, ảnh: Nguyễn Duy (TP Cần Thơ)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin