Đầu vào “giết chết” đầu ra

07:08, 15/08/2012

Bài toán kinh tế nông nghiệp hiện nay đang gặp nhiều lúng túng. Rất nhiều nông dân khẳng định: nếu không quản lý được đầu vào của vật tư, nguyên liệu phục vụ từ chăn nuôi đến trồng trọt thì người sản xuất coi như bị “giết chết” ngay trước khi tìm được đầu ra.

Bài toán kinh tế nông nghiệp hiện nay đang gặp nhiều lúng túng. Rất nhiều nông dân khẳng định: nếu không quản lý được đầu vào của vật tư, nguyên liệu phục vụ từ chăn nuôi đến trồng trọt thì người sản xuất coi như bị “giết chết” ngay trước khi tìm được đầu ra.


Nông dân không chỉ lo cho đầu ra nông sản mà còn lo đầu vào vật tư nông nghiệp.

Trồng trọt lo phân bón

Ghi nhận của chúng tôi, thời gian qua, phân NPK đã tăng giá thêm. Phân NPK 16-16-8 tăng 500 đ/kg, lên 11.000-12.800 đ/kg, NPK 20-20-15 cũng tăng 400 đ/kg, đạt mức giá mới là 13.300- 15.000 đ/kg. Một số loại phân khác không tăng nhưng vẫn ở mức cao, như phân urê, kali từ 11.000- 13.000 đ/kg, DAP 14.000- 17.500 đ/kg.

Phân bón tăng giá là một trong những nỗi “ám ảnh” của nông dân. Anh Lưu Văn Phi (Tân Long Hội- Mang Thít) đang làm 7 công ruộng, cho biết: Hiện nay 1 công lúa, tùy vào đồng đất hay mùa vụ mà bón phân nhiều hay ít, nhưng tính trung bình cũng phải sử dụng tới 40- 50kg phân/vụ/công. Với giá hiện nay, chỉ riêng tiền phân đã chiếm khoảng 500.000- 600.000đ, tương đương 5- 6 giạ lúa. Cũng theo anh Phi, so với trước, giá phân tăng thì giá lúa cũng đã tăng, nhưng vì giá lúa không theo kịp giá phân, nên bà con nông dân ngày càng mệt. Chưa kể hiện nay lúa thường bị bệnh, sâu rầy, cỏ dại,… nên chi phí thuốc bảo vệ thực vật cũng rất cao. Vụ Đông Xuân còn đỡ, nhưng vụ Hè Thu, Thu Đông chi phí thuốc men có thể lên tới trên 200.000 đ/công, tương đương 2 giạ lúa. Vì vậy, nếu ngành quản lý không kiểm soát chặt giá vật tư phân bón cho nông nghiệp, thì chính các loại “giúp lúa tốt” này cũng sẽ “giết chết” cây lúa ngay trên đồng. Ông Lê Văn Biên- Phó Phòng Kinh tế huyện Bình Minh cũng cho rằng: Giá lúa tươi trên dưới 4.000 đ/kg, lúa khô khoảng 5.000 đ/kg như hiện nay là nông dân không có lời. Phải ở mức giá 6.000- 6.500 đ/kg lúa khô mới tạm ổn.

Cũng vậy, với người trồng khoai, ông Biên cho biết: Những vụ khoai đầu còn trúng mùa, dễ trồng. Chớ về sau, sâu bệnh lưu tồn, kháng thuốc, sùng hà trị không hết. Tốn tiền thuốc men, phân bón rất nhiều. Chị Trần Thị Luyến (ấp Thuận Nghĩa A, xã Thuận An- Bình Minh) cũng nói: Trồng chục công khoai lang, chỉ riêng tiền phân bón đã tốn 5- 7 triệu đồng/công. Bởi vậy, nếu giá phân cứ lên mà giá khoai sụt giảm như vầy là lỗ dữ lắm.

Chị Trương Thị Kim Nhung trồng 5 công cam sành ở xã Tân Mỹ (Trà Ôn) cũng than thở: “Trồng cam sành bây giờ phải thuốc men phân bón dữ lắm mới có ăn, “kéo” về một lần 2- 3 chục bao. Thấy một năm thu hoạch vài trăm triệu vậy chớ đem trả nợ phân, thuốc một mùa không dưới 200 triệu đồng. Bởi vậy, cam xuống dưới giá 18.000 đ/kg là “chết liền”. Mà để trái trên cây neo chờ giá cũng phải rải phân sương sương, thuốc thì vài ba ngày xịt một lần chớ đâu bỏ được. Còn cam bị vàng bạc một mùa là coi như đổ nợ. Như ông cậu tui, trồng 7- 8 công, vô phân thuốc mấy trăm triệu đồng, mới ăn mùa đầu không đạt là bỏ luôn, xuống ruộng liền. Chớ ráng vô phân vô thuốc một năm nữa mà không có trái là lỗ bạc tỷ. Chết luôn”.

Chăn nuôi “ngán” thức ăn

Không chỉ người trồng trọt mà người chăn nuôi gia súc gia cầm lẫn thủy sản đều than thở “đầu vào đang giết chết đầu ra”.

Anh Nguyễn Văn Dũng nuôi cá tra ao và cá điêu hồng lồng bè ở xã Tân Hội (TP Vĩnh Long) cả chục năm nay, cho biết: Từ hồi nào tới giờ, chỉ thấy giá thức ăn thủy sản tăng chứ không thấy giảm. Hồi năm ngoái, thức ăn đã tăng 6- 7 lần, mỗi lần 200- 300 đ/kg. Còn đầu năm đến nay, đã tăng giá 2 lần mà với nghề nuôi cá, thức ăn chiếm tới 75- 80% giá thành. Chưa kể tiền thú y thủy sản ngày càng nhiều, cũng chiếm từ 2- 7%. Ước tính, với chi phí hiện nay, để đầu tư cho 1ha mặt nước nuôi cá, ít nhất cũng cần tới 7 tỷ đồng. Thời gian gần đây, cá tra, cá điêu hồng liên tục sụt giá nhưng giá thức ăn vẫn không giảm, khiến cho người nuôi càng điêu đứng, nhất là khi phải neo cá chờ giá.


Oằn vai gánh nặng giá thức ăn thủy sản.

Trong khi đó, qua tìm hiểu của chúng tôi tại một số đại lý thức ăn thủy sản, mức chiết khấu mà các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho đại lý hưởng có thể lên tới 2.500- 3.500 đ/kg. Còn hoa hồng cho đại lý thuốc thú y, thủy sản cũng tới 20- 30%. Như vậy, người làm dịch vụ ở “khúc giữa” coi như hưởng trọn gói lợi “siêu cao” này, bất kể người nuôi lời lỗ ra sao. Theo Hội Nghề cá Việt Nam, cả nước hiện có 130 nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, cung cấp khoảng 3,77 triệu tấn/năm, đáp ứng 85% nhu cầu. Đáng nói, thị trường to lớn này chủ yếu loanh quanh vài thương hiệu nước ngoài như C.P (Thái Lan), Tomboy (Pháp), Cargill (Mỹ),… Các doanh nghiệp trong nước chiếm thị phần không đáng kể, chủ yếu chỉ cung ứng cho vùng nuôi của doanh nghiệp. Không chỉ vậy, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi còn phải nhập tới 80- 90% nguyên liệu như bánh dầu đậu nành, bột cá,… nên mỗi “nhúc nhích” của giá xăng dầu (vận chuyển), tỷ giá USD,… là giá lại tăng. Chưa kể điệp khúc “giá thế giới tăng- trong nước tăng, giá thế giới giảm- trong nước… không giảm” cũng đã góp phần “giết chết” người chăn nuôi.


Thức ăn chăn nuôi càng tăng, người chăn nuôi càng khó.

Trước những nghịch lý đầu vào- đầu ra như thế, một chủ tịch hội nông dân xã đã từng nói với chúng tôi: Nhà nước chỉ cần quản lý được giá cả và chất lượng của thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và thức ăn chăn nuôi cho thật tốt thì không cần hỗ trợ gì thêm nữa cho nông dân. Vậy là chúng tôi cũng khỏe rồi, có thể tự lo liệu được.

 

Bài, ảnh: NGUYÊN CHƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh