Còn đâu những cồn, bãi bồi trên sông!

07:08, 24/08/2012

Biết từ bao đời, dòng Mekong cần mẫn đem phù sa về tô đắp cho vùng châu thổ. Hai nhánh sông Tiền, sông Hậu cũng đã biết bao lần chuyển dòng, đổi hướng, có đoạn uốn cong, có đoạn thu hẹp, có đoạn mở rộng ra.


Khai thác cát sông không theo quy hoạch, khai thác bừa bãi sẽ triệt tiêu những cồn, bãi trên sông.

Biết từ bao đời, dòng Mekong cần mẫn đem phù sa về tô đắp cho vùng châu thổ. Hai nhánh sông Tiền, sông Hậu cũng đã biết bao lần chuyển dòng, đổi hướng, có đoạn uốn cong, có đoạn thu hẹp, có đoạn mở rộng ra. Bến sông bên lở bên bồi, dòng sông có chỗ lồi, chỗ lõm. Những đoạn sông mở rộng, cạn lòng hình thành những bãi cát ngầm. Nó được tôn cao thêm nhờ lượng phù sa, dần dà nhô lên trở thành những cồn, cù lao trên sông, tạo cảnh quan đặc trưng của miền sông nước Nam Bộ. Rồi dân tụ về khai thác cồn, bãi thành những vườn cây ăn trái, những ao hồ nuôi tôm cá. Dân cư phát triển, nhà cửa mọc lên thành những làng quê sung túc như cù lao Minh, cù lao Dài, cù lao Mây, cồn Sừng, cồn Thanh Long... trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Nhưng ngày nay, quy luật tự nhiên này không còn nữa. Lúc mới là “phôi thai” của cồn, cù lao trên sông, những bãi cát ngầm, bãi trầm tích sông được dân đồng bằng “ưu ái” xếp vào loại “tài nguyên khoáng sản”, hạt cát là “sa khoáng” bởi chúng là loại vật liệu “tuyệt vời” cho xây dựng công trình. Trầm tích cát sông được ưu ái phân khu thành những “mỏ cát sông”, được đo đạc, tính toán chi li. Rồi công tác cấp phép khai thác mỏ được tiến hành, hành trình cát sông vào đất liền càng nhanh hơn bởi những phương tiện khai thác hiện đại như xáng cạp, máy bơm hút cát, ghe tàu vận chuyển đủ cỡ, ngày đêm khai thác và len lỏi theo từng con lạch, sông, rạch để đem cát đến chân công trình từ thành thị đến thôn quê. Những bãi trầm tích sông là nền tạo nên những cù lao, cồn sau này không còn có cơ hội hình thành nữa vì đã bị khai thác một cách triệt và rất mãnh liệt.

Anh Ba Tuấn (ấp Hòa Long, xã Mỹ An- Mang Thít), một dân chài thâm niên trên dòng sông Cổ Chiên tiếc nối: “Phải chi đoạn sông Cổ Chiên (từ cồn Mỹ An ngó qua cồn Phú Đa) không bị khai thác cát thì có lẽ đã hình thành một cồn lớn tại đây. Sau giải phóng năm 1975, lúc nước ròng, người ta có thể lội bộ ra giữa sông để bắt hến. Nay thì không còn hy vọng hình thành cồn mới vì hàng chục chiếc xáng của tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Bến Tre ngày đêm hút cát. Cồn không nổi mà bờ sông lại lở thêm, nhất là đầu cồn Phú Đa (Bến Tre), đoạn sông này ngày càng rộng ra!”

Bài, ảnh: NGỌC LÊ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh