Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình được thông minh, khỏe mạnh, lành lặn. Thế nhưng, với những nạn nhân (NN) không may bị phơi nhiễm chất độc da cam (CĐDC)/dioxin, họ phải đau xé lòng nhìn những đứa con do mình rứt ruột sinh ra bị dị tật, sống phụ thuộc hoàn toàn vào người thân… Trong tận cùng bất hạnh, nhiều người vẫn tin rằng: tình yêu gia đình, sự sẻ chia của cộng đồng
Với chiếc xe lắc, em Nguyễn Đức Tôn có thể vừa học, vừa buôn bán phụ giúp gia đình.
Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình được thông minh, khỏe mạnh, lành lặn. Thế nhưng, với những nạn nhân (NN) không may bị phơi nhiễm chất độc da cam (CĐDC)/dioxin, họ phải đau xé lòng nhìn những đứa con do mình rứt ruột sinh ra bị dị tật, sống phụ thuộc hoàn toàn vào người thân… Trong tận cùng bất hạnh, nhiều người vẫn tin rằng: tình yêu gia đình, sự sẻ chia của cộng đồng sẽ là liều thuốc nhiệm mầu giúp các NN sống tốt bởi “nhiễm CĐDC, không có nghĩa là cuộc đời đã hết…”
Cho con tổ ấm
Năm 1984, chị Trần Thị Như Yến (ấp Phan Thị Mến, Trà Côn- Trà Ôn) sinh cậu con trai bụ bẫm tên Huỳnh Thanh Liêm. Niềm hạnh phúc làm mẹ chẳng được bao lâu, thì Liêm bị sốt và co giật liên miên. Quặn lòng nhìn con có dấu hiệu teo cơ, không di chuyển được, thân thể ngày càng xanh xao… và rồi chị như chết đứng khi nghe bác sĩ khuyên: “chị nên về sinh đứa khác vì cháu bị bại não, không chữa trị được…”. Ôm con về nhà, nhưng nghe ở đâu có bác sĩ giỏi, thầy hay là anh chị đều tìm tới nhưng vô vọng…
Gần 10 năm sau, bé Huỳnh Thị Phương Loan chào đời, tưởng đã nguôi ngoai nỗi đau... Nào ngờ, khi 2 tuổi, Loan lại có triệu chứng phát bệnh như anh. Hơn 5 tháng đưa con đi điều trị khắp nơi, các bác sĩ đều kết luận “Loan bị bại não…”.
Không thể nhìn con sống cuộc đời co rút, lăn lóc mãi, anh chị tìm đến Trung tâm Phục hồi chức năng ở TP Hồ Chí Minh và TP Vĩnh Long điều trị cho con. Nhờ được chạy chữa kịp thời nên Loan dần có dấu hiệu hồi phục. Chị tiếp tục đưa con đi châm cứu, uống thuốc hàng tháng và tranh thủ học cách tập vật lý trị liệu để về tập cho con…
Trước đây, Loan như cục bột, để đâu nằm đó, giờ đã có thể đi đứng và nói chuyện (tuy hơi khó nghe). Ngoài ra, anh chị còn dạy Loan học chữ và biết cách tự bảo vệ bản thân…
Nhớ lại, lúc cho Loan đi học, ngày nào chị cũng dậy từ tờ mờ sáng để làm vệ sinh rồi chở con ra trường. Đến giờ học, chị tất tả chạy về nhà nấu cơm và trông cháu Liêm. Giờ chơi, chị lại chạy ra trường cho Loan ăn uống, vệ sinh, rồi đạp xe về nhà. Đến giờ tan học lại đi rước Loan về… Mỗi ngày, chị phải đạp xe tới lui 6 lần. Trong khi nhà cách xa trường hơn 3 cây số, đường đá chông chênh, nhưng vì muốn con được hiểu biết mà chị đã không nề hà khó khăn. Lúc Loan đi học, chị cực đã đành, lúc con ở nhà chị đi làm ruộng (cách nhà hơn 300m) mà cứ 5- 10 phút đạp xe về nhà dòm chừng con…
Anh Huỳnh Thanh Nhã- chồng chị Yến trước đây là giáo viên, cũng vì lo chạy chữa cho các con, nợ nần chồng chất nên đã xin nghỉ và làm hồ để trả nợ và lo cho gia đình có 4 miệng ăn. Thấy hoàn cảnh khó khăn, Hội Chữ thập đỏ Trà Ôn đã cho anh chị mượn 2 triệu đồng/2 năm để chăn nuôi và có thời gian chăm sóc con, Hội NNCĐDC/dioxin Vĩnh Long cũng hỗ trợ cất căn nhà.
“Như người đuối sức vớ được chiếc phao. Từ sự động viên, chia sẻ của cộng đồng đã giúp tôi có thêm sức mạnh, nghị lực để chăm sóc con tốt hơn, để những đứa trẻ tật nguyền được sống đầy đủ hơn, vui vẻ hơn trong quãng đời bệnh tật…”- chị tâm sự.
Hôm chúng tôi đến thăm, Loan đã có thể đem nước mời chúng tôi uống. Nhìn các cháu được chăm chút sạch sẽ, tươm tất, chúng tôi hiểu đó xuất phát từ tình thương của anh chị dành cho các con. Tuy hạnh phúc chẳng vẹn nguyên nhưng tôi tin anh chị đã có một gia đình đầm ấm…
Tìm chữ cho con
Rời Trà Ôn, chúng tôi tìm đến xã Long Phước (Long Hồ) thăm gia đình chị Lê Thị Sương (ấp Phước Ngươn B) để hiểu thêm về tấm lòng của các đấng sinh thành không may có con bị nhiễm CĐDC/dioxin.
Năm 1991, chị sinh con trai đầu lòng là Nguyễn Đức Tôn. Niềm vui làm mẹ chưa kịp mỉm cười thì chị lại đau xót khi nhìn thân thể quặt quẹo của con. 3 tháng sau, chị liền đưa con lên TP Vĩnh Long để điều trị...
Phút giây đầm ấm của gia đình chị Trần Thị Như Yến (Trà Ôn).
Chị nhớ lại, lúc đó tài sản chỉ có 1,4 công ruộng. Ngoài thời gian chăm sóc con, vợ chồng chị phải làm thuê, làm mướn, bắt ốc mò cua… sống đắp đổi qua ngày. Có khi không có một đồng trong túi nhưng vẫn ẵm con đi tập. Hai đứa con kế tiếp lần lượt ra đời thì khó khăn lại chồng chất khó khăn, bởi cả hai đều không có trí nhớ. Có những lúc chị tưởng chừng như gục ngã…
“Thương con lắm! nhưng không thể bỏ mặc con ở ngoài cơ sở điều trị rồi về làm. Thế là, tôi đem con về nhà buộc dây tấn quanh nhà và dạy con cách tự tập, tự bảo vệ bản thân. Cũng may Tôn có thể hiểu ý và nhớ lời cha mẹ dặn… Biết được hoàn cảnh, bà Nguyễn Ngọc Điểu- Cơ sở tập vật lý trị liệu- đã tìm đến tận nhà động viên và thay chị chăm sóc Tôn lúc chị đi làm. Sau đó, bà còn vận động cho mượn con bò để chăn nuôi và hỗ trợ xây nhà kiên cố. Sự cưu mang, sẻ chia đó đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh để vững bước hơn trong cuộc sống này…”- chị Sương tâm sự.
Với quyết tâm thoát nghèo để con không chịu khổ, cộng với việc chăn nuôi có hiệu quả và biết tích góp mà anh chị đã mua dần được 5 công vườn. Từ một đứa trẻ không đi, không ngồi được; niềm vui đã trở lại với vợ chồng chị khi thấy Tôn chập chững bước đi những quãng ngắn…
Rồi mỗi lần đưa con đi tập vật lý trị liệu, thấy Tôn cứ nhìn theo người ta đi học mãi mà chị đau xé lòng. Bởi đáp lại những lần chị xin cho con đi học là những cái lắc đầu lạnh lùng khi nhìn thấy đứa trẻ 12 tuổi tật nguyền. Không đầu hàng số phận, chị tìm đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, Sở Giáo dục- Đào tạo, Phòng Giáo dục… 2 năm sau, Tôn đã có thể đến trường và mỗi năm đều mang giấy khen về làm quà cho cha mẹ. Hiện, Tôn đã có thể phụ cha mẹ đi giao hàng, bán rau…
Vừa từ chợ về, quệt những giọt mồ hôi trên trán, Tôn cho biết: Mỗi sáng, cứ 4 giờ là em ra chợ bán rau, đến giờ học sẽ tới trường. Nhờ siêng bán mà mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn đó. Em mong mình có thể học hết lớp 9 rồi sẽ học song song hệ bổ túc và học nghề. Em nghĩ em sẽ học ngành điện tử hoặc quản trị mạng vì nó phù hợp với sức khỏe của em”.
Mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh đã đọng lại trong tôi những cảm xúc khác nhau. Chia tay các em, chúng tôi ra về trong niềm tin: với tình yêu quan tâm của gia đình cùng sự sẻ chia của cộng đồng, các NNCĐDC sẽ sống tốt hơn.
Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin