Là huyện thuần nông, Bình Tân có diện tích trồng màu lớn nhất của tỉnh. Đây cũng là địa bàn “nhạy cảm” với thiên tai bão lũ hàng năm. Do đó, hệ thống giao thông là vô cùng quan trọng, vừa là “đòn bẩy” phát triển kinh tế- xã hội vừa là hệ thống đê bao trọng yếu bảo vệ hoa màu và tài sản nhân dân.
Là huyện thuần nông, Bình Tân có diện tích trồng màu lớn nhất của tỉnh. Đây cũng là địa bàn “nhạy cảm” với thiên tai bão lũ hàng năm. Do đó, hệ thống giao thông là vô cùng quan trọng, vừa là “đòn bẩy” phát triển kinh tế- xã hội vừa là hệ thống đê bao trọng yếu bảo vệ hoa màu và tài sản nhân dân.
Giao thông vừa yếu vừa thiếu
Địa bàn huyện Bình Tân có Quốc lộ 54, cùng với Đường tỉnh (ĐT) 908, 910 là những tuyến đường huyết mạch của huyện. Song, hệ thống đường chưa đạt chuẩn, chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông, phục vụ vận chuyển hàng nông sản địa phương.
Tiến độ xây dựng ì ạch ở cầu Cống số 2 khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn.
|
ĐT 908 dài 29km có điểm đầu từ Quốc lộ 1 đến Quốc lộ 54, với 23 cầu, tải trọng toàn phần đường 8 tấn. Quốc lộ 54 qua Bình Tân từ km 31 + 597 (cầu Xã Hời) đến km 47 + 041 (giữa cầu Thành Lợi). Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đầu tư xây cầu Thành Lợi và cầu Cống số 2. Cầu Thành Lợi được đánh giá là đơn vị thi công đúng tiến độ. Riêng cầu Cống số 2 tại Km 45 + 988 thuộc địa bàn ấp Thành Phú (xã Thành Lợi) thì do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Miền Trung khởi công từ tháng 10/2010, giấy phép thi công do Khu Quản lý đường bộ VII cấp thời hạn 18 tháng. Đến nay đã quá thời hạn quy định và giấy phép thi công cũng đã hết hạn nhưng công trình còn ì ạch, dù cây cầu chỉ dài hơn… 10m. Người dân quanh khu vực đã chịu nhiều cảnh khổ, nào là nứt- lún nhà, mất đường nước sinh hoạt, bụi đường vào mùa nắng, bùn lầy vào mùa mưa… Người đi đường thì không khỏi lo lắng khi qua nơi này vì thiếu an toàn giao thông, nay công trình đã bị “đá” cho đơn vị thi công khác- Công ty CP Xây dựng công trình Trường Lộc (TP Hồ Chí Minh).
Ông Phạm Minh Thiện- Trưởng Phòng Công thương huyện Bình Tân bức xúc: ĐT 908 không đáp ứng tải trọng vận chuyển hàng nông sản, nhất là khoai lang. Tải trọng cho phép 8 tấn, nhưng xe tải cần vận chuyển nhanh, nhiều. Tải trọng cầu đường không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế huyện nhà. Trên tuyến Quốc lộ 54, còn 3 cầu yếu: cầu Thông Lưu, Rạch Tranh, Cái Dầu chỉ giới hạn tải trọng 5 tấn. Hàng ngày, lưu lượng ôtô qua lại khoảng 200 lượt, trong đó có nhiều xe vận chuyển hàng nông sản tải trọng cao hơn. Việc cầu Cống số 2 thi công chậm, đường dẫn bị lún, cầu tạm hư hỏng nặng cũng làm ảnh hưởng nhiều đến việc vận chuyển hàng hóa, chưa nói đến an toàn giao thông.
Theo Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình giao thông 717, Quốc lộ 54 được làm mới trên nền đường cũ (trước giải phóng), đường chưa đạt chuẩn cấp quốc lộ, chưa giải tỏa hành lang lộ giới nên việc mở rộng là rất khó. Mặc dù Bộ GTVT có kế hoạch nhưng chưa có vốn nên chỉ giải quyết vấn đề trước mắt để giao thông là giặm vá, lu lèn...
Tuy nhiên, nếu nhìn vào kế hoạch chung trong định hướng phát triển ưu tiên những công trình trọng điểm khu vực ĐBSCL của Bộ GTVT, thời gian sẽ còn giãn ra nữa thì Quốc lộ 54 mới có thể hoàn thiện. Bởi ngay một số công trình quan trọng mang tính chất động lực phát triển vùng mà còn bị chậm tiến độ như: tuyến cao tốc Trung Lương- Cần Thơ, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, tuyến nối 2 cầu Cao Lãnh và Vàm Cống, đường Hồ Chí Minh nối dài tới Đất Mũi...
Hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn
Cầu Thông Lưu quá yếu, cũ kỹ và không đảm bảo an toàn giao thông.
|
Theo Phòng Công thương huyện Bình Tân, vừa qua huyện đã thi công nhiều công trình giao thông nông thôn như: 7 cầu 2 bánh (151m), 11 công trình cầu liên xóm (15,298km), 6 công trình đường liên ấp (18,604km). Quá trình xây dựng có rút kinh nghiệm, những đường đan đã thực hiện trước đây của huyện thường bị khuyết điểm là cao trình lại thấp nên khi có lũ lớn thì không phát huy được tác dụng.
Tất cả các công trình giao thông nông thôn của huyện đều được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, góp phần xây dựng nông thôn mới. Điển hình, vừa qua UBND xã Tân Lược, kết hợp Ban Trị sự Phật giáo Hòa hảo xã, tổ chức lễ khởi công tuyến đường đan liên ấp Tân Lộc- ấp Tân Minh. Tại đây, chính quyền địa phương, đại diện Ban Trị sự Phật giáo Hòa hảo xã cùng nhân dân địa phương và hơn 25 chiến sĩ tình nguyện hè của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã tham gia thực hiện công trình. Theo kế hoạch, công trình được đổ đan có chiều dài 1.300m, chiều rộng 2m, với tổng kinh phí xây dựng 515 triệu đồng; trong đó Nhà nước hỗ trợ 50%, phần còn lại do Ban Trị sự Phật giáo Hòa hảo xã vận động nhân dân đóng góp. Đây là công trình giao thông kết hợp đê bao chống lũ của xã, dự kiến sau 1 tháng thi công sẽ hoàn thành.
Từ đầu năm đến nay, xã đã vận động các cấp, chính quyền và nhân dân địa phương tích cực tham gia đóng góp trên 30 triệu đồng để xây dựng tuyến đường đan liên ấp, đổ đá ấp Tân Minh, với tổng chiều dài trên 1.300m, khởi công xây dựng 1 cây cầu ở ấp Tân Tiến. Phấn đấu đến cuối năm, xã sẽ tiếp tục khởi công thêm 1 tuyến đường đan từ cầu Ba Râu đến văn phòng ấp Tân Tiến có chiều dài trên 800m.
Các công trình giao thông nông thôn sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân, nhất là học sinh trong mùa mưa lũ và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Qua đó, giúp xã sớm hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, có một thực tế là cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn ở Bình Tân hiện vẫn còn tồn tại khá nhiều khuyết điểm, xây dựng đường giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu trung chuyển của người dân. Vấn đề này không chỉ làm ảnh hưởng đến sản xuất mà còn làm giảm khả năng kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp đến với địa phương.
Theo lãnh đạo huyện Bình Tân, hệ thống giao thông ở huyện hiện nay không thể thu hút được nhiều hợp đồng mua bán, bởi đường sá đã xuống cấp, xuất hiện nhiều “ổ voi, ổ gà”. Mặt khác, đường vô các xã vẫn còn hạn hẹp, xe trọng tải lớn không thể đến tận nơi sản xuất của bà con, dẫn đến tình trạng đến mùa thu hoạch bà con ở những vùng sâu phải dùng xe máy chở ra tận đường lớn để tiêu thụ, nông sản không còn tươi nguyên lại bị thương lái ép giá. Đó là chưa nói đến khi mua vật tư phải chia ra làm nhiều đợt để chở về nhà rất vất vả.
Nông sản Bình Tân chủ yếu do thương lái thu mua nên giá cả rất bấp bênh, đầu ra lại không ổn định. Trong sản xuất, người dân đã gặp rất nhiều khó khăn tới khi thu hoạch xong lại lo tìm kiếm đầu ra. Do vậy, Bình Tân trong những năm tới cần có nhiều biện pháp quản lý và đầu tư dự án hiệu quả hơn, khắc phục tình trạng yếu kém của hệ thống giao thông, nhất là giao thông nông thôn. Khi có được hệ thống giao thông thuận tiện thì người dân mới yên tâm sản xuất; nông sản không phải trung chuyển nhiều lần sẽ bán được giá cao, nâng được sức cạnh tranh của nông sản Bình Tân lên mức cao hơn trên thị trường.
Bài, ảnh: QUANG THUẦN- HÙNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin