Đây là kế hoạch của Hội Đông y huyện Bình Minh nhằm tận dụng nguồn đất trống ở địa phương để trồng cây thuốc Nam. Nếu như trước đây “đụng đâu trồng đó” thì bây giờ hội muốn có quy hoạch, dự án cụ thể để chọn lọc trồng cây thuốc nhằm tạo cảnh quan đô thị theo tiêu chí sáng- xanh- sạch- đẹp, góp phần vào công cuộc xây dựng xã
Con đường nông thôn ở xã Mỹ Hòa được tô điểm bằng nhiều loài cây thuốc có hoa rất đẹp.
Đây là kế hoạch của Hội Đông y huyện Bình Minh nhằm tận dụng nguồn đất trống ở địa phương để trồng cây thuốc Nam. Nếu như trước đây “đụng đâu trồng đó” thì bây giờ hội muốn có quy hoạch, dự án cụ thể để chọn lọc trồng cây thuốc nhằm tạo cảnh quan đô thị theo tiêu chí sáng- xanh- sạch- đẹp, góp phần vào công cuộc xây dựng xã nông thôn mới ở địa phương.
Tuy chỉ mới bước đầu hình thành kế hoạch nhưng tính khả thi đã rất cao. Bởi thực ra, việc đưa cây thuốc ra trồng ven các con đường đã được thực hiện từ nhiều năm nay, ngay từ lúc Bình Minh chưa tách huyện. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thơ- Chủ tịch Hội Đông y huyện nhớ lại: Hồi trước, hội xây dựng lực lượng sưu tầm, cũng như các cơ sở nhà thuốc đều nằm trên địa bàn huyện Bình Tân hiện nay. Đường tỉnh 908 được mở rộng, xây dựng khu tái định cư, đã tạo nên nhiều khoảng đất trống ven hành lang 2 bên đường. Lãnh đạo hội có bàn bạc với UBND xã Thuận An xin được tận dụng các vị trí trên để trồng xen một số cây thuốc Nam. Ban đầu chỉ trồng trên 3.000m2, nhưng sự thành công của mô hình mới này đã giúp hội chủ động tạo nguồn thuốc ngay tại địa phương trong điều kiện đất hoang trống ngày càng thu hẹp. Sau đó, UBND xã Thuận An tiếp tục cho phép trồng thêm ở khoảng đất trống trên 2.000m2 nữa.
Từ đó, hội mở hướng mượn đất bỏ hoang của dân đã tạo nên nguồn thuốc ổn định, cùng với việc sưu tầm nguồn thuốc trong và ngoài tỉnh, hàng năm dự trữ hàng trăm tấn thuốc Nam phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Quan trọng hơn là tạo được phong trào mạnh cho địa phương. Tuy nhiên, kể từ sau khi tách huyện, thì hội mất đi thế mạnh vốn có. Với tinh thần vượt khó, bằng tâm huyết và uy tín của lãnh đạo hội, Bình Minh vẫn giữ vững là địa phương có Hội Đông y mạnh, điển hình của cả nước. Trong đó, đặc biệt có công tác sưu tầm nguồn thuốc.
Chú Hai Te (ấp Mỹ Khánh 1) trồng xen cây thuốc trong vườn bưởi.
Từ bến phà cũ men theo xóm Bắp, chúng tôi qua đò vàm Tắc Từ Tải để về làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa, tìm gặp chú Nguyễn Văn Hai (Hai Te) ở ấp Mỹ Khánh 1. Mười mấy năm tham gia sưu tầm thuốc Nam, giờ đây chú Hai là nhân tố quan trọng giúp hội gầy dựng phong trào trồng cây thuốc ở địa phương, mà việc trồng thuốc lần này có ý nghĩa quan trọng hơn, vừa tạo nguồn thuốc, vừa góp phần hoàn thành tiêu chí cảnh quan môi trường nông thôn mới.
Hiện chú Nguyễn Văn Hai cùng một số bà con đã trồng nhiều loại cây thuốc trên con đường liên ấp: Mỹ Khánh 1, Mỹ Hưng 1, Mỹ Hưng 2, Mỹ An 1, Mỹ An 2. Con đường chạy qua nhiều mảnh đất bỏ hoang, giờ đây được tô điểm thêm với nhiều vạt cây thuốc xanh um, có nhiều loài đang trổ hoa rất đẹp như: xích đồng nam, bạch đồng nữ, lẻ bạn, đinh lăng, đinh hương, kinh giới, vần xây,… Ban đầu chỉ có mình chú Hai làm, thêm bà xã phụ giúp, dần dần những người em của chú: cô Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Thị Sáu, rồi bà con ở xóm thấy vậy cũng xúm vào giúp một tay, giờ ở đây đã tạo được phong trào khá tốt. Còn việc trồng thuốc Nam, bà con nhận thấy lợi cả đôi đường: vừa có thuốc tại nhà vừa giúp cảnh quan con đường, làng xóm của mình xanh- sạch- đẹp.
Qua đây cũng dần tạo nên ý thức trong cộng đồng về việc giữ gìn vệ sinh xóm ấp. Như miếng đất của anh Tư Be gần 3 công đã mua mấy năm nay ở ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa, vì chưa có nhu cầu sử dụng nên bỏ hoang cây dại mọc như rừng. Sau khi cho hội mượn trồng thuốc Nam, giờ miếng đất nằm ven con lộ, đã biến thành thảm xanh trông rất đẹp mắt. Ngoài ra, Hội Đông y Bình Minh cũng đã vận động người dân ở xã Mỹ Hòa trồng xen thuốc trong các vườn bưởi với diện tích khoảng trên 5.000m2. Riêng những khoảnh đất trống ở ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình, nhiều năm nay hội đã tổ chức khai thác cỏ tranh khoảng 20 tấn/năm.
Miếng đất hoang của anh Tư Be (ấp Mỹ Hưng 1) biến thành thảm xanh từ cây thuốc.
Hội Đông y Bình Minh đang lên kế hoạch xin ý kiến lãnh đạo địa phương, được phép trồng thuốc Nam trong nghĩa trang, cũng như tận dụng những khoảng đất trống ở công viên, công trình công cộng của thị trấn Cái Vồn. Đây là những sáng kiến hay, độc đáo vừa đem lại hiệu quả thiết thực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, cũng như tiết kiệm được nhiều kinh phí trong việc tạo mảng xanh cho đô thị. Hơn hết là tạo nên ý thức cộng đồng cùng xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, ý thức cùng nhau chăm sóc và bảo vệ cảnh quan môi trường nơi công cộng.
Tuy nhiên, với khả năng của một Hội Đông y ở địa phương, hội chỉ có thể đóng vai trò nòng cốt xây dựng kế hoạch, đảm bảo nguồn giống cây thuốc, nhân lực tham gia. Rất cần có sự hỗ trợ từ nhiều cơ quan, đoàn thể. Mà trước hết là một cơ chế hoạt động, để “Dự án thuốc và hoa” sớm đi vào cuộc sống, và trở thành hình mẫu nhân rộng ở nhiều địa phương khác.
Bài, ảnh: QUANG THUẦN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin