“Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”

07:08, 31/08/2012

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời các nhà báo: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Người nói trong hoàn cảnh đất nước vừa có 2 triệu người chết đói! Và kể từ đó đến

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời các nhà báo: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Người nói trong hoàn cảnh đất nước vừa có 2 triệu người chết đói! Và kể từ đó đến nay, Vĩnh Long đã cùng với ĐBSCL và cả nước ra sức thực hiện mong ước của Bác Hồ.

Từ thiếu đói, vươn lên xuất khẩu đứng đầu

Nhắc lại chuyện thuở nồi cơm nhão nhoét độn khoai lang- bữa có bữa không, ông Nguyễn Dân- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ty Nông nghiệp những năm đầu giải phóng nói “làm lúa 10-12 giạ/công đã là “ông bà cho”. Vậy mới có chuyện “đo bồ, đong lúa” để điều tiết nơi thiếu đói”. Ông Hồ Minh Mẫn, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cũng ngậm ngùi: “1 năm có 1 mùa lúa, trúng lắm cũng chỉ 15 giạ/công, mà đã phải trả cho địa chủ hết 5 giạ. Nhà nào cũng thiếu ăn, lúc nào cũng đói. Mặc thì toàn vải ta với bố tời, chấy rận đầy mình.


Không chỉ “đủ ăn”, kỹ thuật canh tác và giống lúa năng suất cao đã đưa Việt Nam thành cường quốc xuất khẩu gạo.

Nhắc lại với chúng tôi, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh- Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL không khỏi tự hào: “Từ chỉ 4,2 triệu tấn lúa/năm, người dân đói ăn, dần đến đủ ăn, rồi ĐBSCL đóng góp vào an ninh lương thực quốc gia, đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu gạo của cả nước và trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới. Hiện Việt Nam cung ứng khoảng 25% nhu cầu gạo thế giới”. Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2011, Việt Nam đã đạt mức kỷ lục xuất khẩu trên 7,1 triệu tấn gạo, mang về 3,651 tỷ USD. Riêng Vĩnh Long, năm 2011 cũng đã đánh dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên đạt mức 1 triệu tấn lúa. Như vậy, chuyện lo cho đồng bào “ai cũng có cơm ăn, áo mặc” của Bác Hồ xưa nay đã vượt xa mong đợi.

Cách đây vài chục năm, trên đồng chỉ có cây lúa mùa một năm một vụ, năng suất thấp. ĐBSCL đã phải nhập từ Viện Lúa quốc tế IRRI các giống IR với tên gọi Thần nông 5, Thần nông 8 thì giờ đây ĐBSCL đã có thể tự hào với hàng trăm giống lúa mang tên OM từ Viện Lúa ĐBSCL mà Viện trưởng Lê Văn Bảnh tự hào: “Về công tác nghiên cứu giống lúa, Viện Lúa ĐBSCL không thua kém bất cứ đâu, kể cả IRRI. Còn công tác nhân giống, nông dân mình trình độ cao hơn hẳn các nước trong khu vực. Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận 30- 35% cũng cao gấp đôi bình quân khu vực”. Đó là chưa kể hàng trăm giống lúa mới được sinh ra từ Trường Đại học Cần Thơ, từ các cán bộ nông nghiệp địa phương, thậm chí, từ các nông dân chân lấm tay bùn, chất lượng thơm ngon không thua kém ai trên thị trường trong nước lẫn quốc tế, như giống Một bụi đỏ Hồng Dân, ST 3, ST 5,…

Không chỉ lo cho “nồi cơm”, giờ đây người Vĩnh Long và ĐBSCL còn lo “cả bữa ăn” cho thị trường trong ngoài nước. Đó là hàng triệu tấn cá tra, cá ba sa, tôm thẻ, tôm sú… mang về hàng chục tỷ USD cho người nông dân. Đặc biệt, theo chân Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, những giống lúa OM chính gốc “made in Vietnam” còn sang tận Châu Phi để góp thêm niềm hy vọng xóa đói, giảm nghèo cho lục địa đen.

Ông Hồ Minh Mẫn phấn khởi: “Ai nói không thấy thay đổi gì, tôi sẽ chỉ cho coi. Hồi trước ở ngay TX Vĩnh Long này, máy đèn của tỉnh cũng chỉ chạy được cho 2.000 bóng đèn quanh nội ô. Giờ đây điện sáng từ thành thị tới nông thôn. Còn ĐBSCL này từ chuyện lúa không đủ ăn đã trở thành vựa lúa của cả nước”.

Sau 67 năm ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, cái ăn, cái mặc của người dân đã không còn là nỗi lo lớn của dân tộc, mà trở thành niềm tự hào cho một đất nước từ bùn lầy, nô lệ đứng lên.

Ai cũng được học hành

Ông Hồ Minh Mẫn nói: Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước độc lập, nhưng vẫn rất khó khăn. Vây quanh là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trong đó, Bác Hồ xếp “giặc dốt” với 85- 90% người dân không biết chữ lên trên cả giặc ngoại xâm. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, người dân cùng nhau đi học, xóa giặc dốt bằng bình dân học vụ. Cả nước thắp đèn đi học.

Cùng cả nước, Vĩnh Long ra sức đầu tư cho giáo dục. Thành tựu nổi bật là năm 1997, Vĩnh Long đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Đến nay, kết quả chống mù chữ đạt tỷ lệ 98,4%; 23 đơn vị xã- phường- thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2, thiếu niên từ 11 tuổi đến 14 tuổi hoàn thành bậc tiểu học đạt 99,07%. Năm 2005, toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Tỷ lệ phổ cập THPT đạt 74,8%. Toàn tỉnh hiện có trên 12.000 giáo viên, trong đó, đạt trình độ chuẩn hóa sư phạm 99,87% với 1 Nhà giáo nhân dân và 33 Nhà giáo ưu tú. Tỉnh có 2 trường đại học, 3 trường cao đẳng và 2 trường trung cấp chuyên nghiệp. Đặc biệt, Vĩnh Long còn xây dựng được một “xã hội học tập” với sự đầu tư rất lớn của xã hội. Tính riêng trong 20 năm qua, người dân đã đóng góp trên 100 tỷ đồng và trên 50.000m2 đất để xây trường. Ủng hộ xây dựng 90 phòng học, 19 nhà tình thương cho học sinh nghèo và trao tặng trên 1 triệu quyển tập, nhiều quần áo, xe đạp, cặp, gạo,… cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn an tâm đến trường. Hình thành được các quỹ học bổng Phạm Hùng, Trần Đại Nghĩa… cấp phát hàng ngàn học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, học giỏi. Tất cả nghĩa cử đó, nói như anh Hoàng, nguyên Trưởng ấp An Hương (Mỹ An- Mang Thít)- một trong những địa phương làm rất tốt công tác chăm sóc học sinh nghèo rằng: cứ theo lời Bác Hồ dạy thì làm vậy thôi.


Trẻ em được chăm sóc, dạy dỗ và đến trường ngay từ lứa tuổi mầm non. Trong ảnh: Trường Mầm non Huỳnh Kim Phụng.

Không chỉ dừng lại ở mức “ai cũng được học hành”, hiện nay, cùng với chương trình “Mekong 1000”, tỉnh đã thực hiện “Vĩnh Long 100” để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho sự phát triển lâu dài của tỉnh nhà. Ngoài ra, UBND tỉnh còn đẩy mạnh liên kết với các trường đại học trong khu vực để đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực địa phương. Tháng 10/2011, tại buổi lễ ký kết hợp tác đào tạo nghiên cứu khoa học để phát triển kinh tế cùng với Trường Đại học Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thanh đã nhấn mạnh: “Vĩnh Long muốn hợp tác với trường đại học thật toàn diện. Không chỉ là giáo dục đào tạo, mà còn muốn trường sẽ là đơn vị “tư vấn” để Vĩnh Long phát triển trong sự liên kết vùng”. Và mới đây, UBND tỉnh cũng đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Y dược Cần Thơ, nhằm đào tạo lực lượng y- bác sĩ phục vụ địa phương đảm bảo số lượng lẫn chất lượng. Cũng là để chăm sóc sức khỏe người dân được tốt hơn.

Song, nếu so với bình quân các vùng trong nước thì tỷ lệ học sinh THPT lẫn sinh viên và số trường đại học trên vạn dân của ĐBSCL vẫn còn rất thấp. Để khắc phục, từ năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đầu tư cho ĐBSCL khoảng 22% tổng ngân sách giáo dục quốc gia. Nhưng thực tế mức đầu tư này vẫn chưa đạt được. Vì vậy, tại hội thảo về phát triển kinh tế- xã hội ĐBSCL mới đây, hầu hết các ý kiến đều cho rằng: ĐBSCL đã có những phát triển vượt bậc như GDP bình quân tăng 11,7%/năm; thu nhập tăng 2,5 lần so với năm 2001. Tuy nhiên, nông sản chủ lực vẫn chưa tạo được thế cạnh tranh bền vững. Do đó, từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, ĐBSCL vẫn tập trung vào phát triển nông nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực. Như vậy, có thể nói, mong muốn “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” của Bác Hồ đã thành hiện thực, và giờ đây, được tiếp tục nâng lên ở một tầm cao mới.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh