Lãi suất đã giảm theo chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước, thị trường tín dụng cũng dần được mở. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN), khó khăn vẫn sẽ tiếp tục kéo dài. Do đó, chính bản thân DN phải nỗ lực tìm lối ra nếu muốn tồn tại và phát triển…
Lãi suất và nguồn vốn vay vẫn là khó khăn đối với các DN hiện nay. Ảnh minh họa.
Lãi suất đã giảm theo chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước, thị trường tín dụng cũng dần được mở. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN), khó khăn vẫn sẽ tiếp tục kéo dài. Do đó, chính bản thân DN phải nỗ lực tìm lối ra nếu muốn tồn tại và phát triển…
Khó khăn vẫn chưa qua
Trải qua mấy năm liền khó khăn, tình hình sản xuất kinh doanh ở hầu hết các DN đều có những biến động xấu. Các DN một mặt là thu hẹp dần sản xuất, mặt khác phải tính toán để có thể cân bằng đồng vốn và nhu cầu của thị trường. Theo Sở Công thương Vĩnh Long, chỉ trong 6 tháng năm 2012, toàn tỉnh đã có gần 400 DN giải thể hoặc ngừng hoạt động. Theo ông Lâm Thanh Vũ- Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (Sở Công thương), hầu hết DN của tỉnh đều có quy mô vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, các yếu tố như quản trị DN, trình độ chuyên môn,… còn thấp nên chỉ cần gặp khó khăn thì nguy cơ giải thể rất cao. Trong khi nguồn vốn trong sản xuất chủ yếu là vay ở các ngân hàng nên trong những năm qua, mức lãi suất quá cao cũng khiến nhiều DN “làm ăn không lãi”, thậm chí là nợ xấu triền miên. “Hiện Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo phải giảm lãi suất cho vay, nguồn vốn cũng được mở dần nhưng rất nhiều DN không thể vay được do còn nợ xấu hoặc không còn tài sản thế chấp. Do đó, dù lãi suất giảm thì cũng chưa chắc là hết khó khăn”.
Theo bà Châu Thu Thủy- Phó Giám đốc Công ty Honda Tân Thành thì khó khăn hiện nay là lãi suất vẫn còn cao, khó tiếp cận. Tuy nhiên, cái khó nhất là thị trường tiêu dùng ngày càng thu hẹp, sức mua giảm nhanh. “Đây chính là nguyên nhân khiến cho hàng nhiều DN tồn kho, tài sản nằm ở đó nhưng không thể giải quyết. Từ đó, nguồn vốn luôn bị động trong thời gian dài…”
Cũng cùng ý kiến với bà Thủy, ông Phạm Văn Cường- Giám đốc Xưởng đóng tàu CKC (Bình Tân) nhấn mạnh: Lãi suất chính là nguyên nhân khiến cho nhiều DN khốn đốn. Hiện nay dù giảm lãi suất nhưng DN vẫn phải chịu một mức lãi suất cao. “Khi nào thị trường tín dụng được mở theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, khi đó sức mua, sức tiêu dùng tăng lên, DN mở rộng sản xuất thì mới mong có cơ hội sống sót. Chứ còn bây giờ, khó vẫn hoàn khó…”
Trong khi đó, một số DN sản xuất gạch, gốm ở xã Chánh An (Mang Thít) nhận định, thời điểm này chính là thời điểm “sàng lọc” các DN yếu kém. Vì khi đó, các DN mạnh về tài chính, linh hoạt trong cách xử lý rủi ro thì dù có thu hẹp sản xuất cũng không đáng kể. Sau thời gian khủng hoảng, sẽ thấy DN nào còn tồn tại và đó sẽ là các nhân tố chính góp phần ổn định kinh tế địa phương,…
… Tự tìm lối ra
Hiện nay, khó khăn tuy vẫn chưa có hồi kết nhưng khá nhiều DN đang chuyển hướng, tự tìm lối ra cho mình. Theo một DN sản xuất gạch, gốm ở Chánh An, “cái dễ thấy nhất hiện nay ở các DN có tính linh hoạt giải quyết khó khăn chính là chuyển nghề có liên quan hoặc nghề khác để… lấy ngắn nuôi dài. Ví dụ như các DN sản xuất gốm tận dụng các trại có sẵn để nuôi gia cầm. Hiện DN của tôi cũng chuyển sang trồng ớt quy mô lớn trong trại mát theo một mô hình hiệu quả cao. Bên cạnh cũng thành lập thêm công ty may nên từ đó, có thể chủ động được một phần nguồn vốn giải quyết chi phí”.
Mô hình nuôi gà công nghiệp của một DN sản xuất gốm cho hiệu quả cao.
Tự tìm cách giải quyết khó khăn là sự sống còn của các DN hiện nay. Ông Phạm Văn Cường cho biết: Dự án đóng tàu mới hiện nay không còn khả thi do không còn khách. Từ đầu năm đến nay, không có đóng mới con tàu nào hết. Tuy nhiên, thay vì phải “đeo” đóng tàu thì bây giờ DN chỉ “neo” mà thôi. “Sắp tới, DN có thể sẽ mở một xưởng cơ khí, một mặt là giữ chân công nhân lành nghề lâu năm, mặt khác là chủ động được đồng ra đồng vào”.
Tuy thị trường sức mua giảm nhưng theo bà Châu Thu Thủy, sắp tới công ty cũng sẽ tung ra nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng. “Công ty vừa mở thêm 2 cửa hàng kinh doanh xe máy tổng hợp ở Tam Bình và Vũng Liêm. Trong lễ khai trương, ở mỗi địa phương, công ty cũng đã trao 100 triệu đồng dành cho học sinh nghèo hiếu học. Thời gian tới, sẽ mở các chương trình khuyến mãi hy vọng sẽ làm cho sức mua tăng lên”. Bà cho rằng, “thời điểm này, nếu DN nào không chịu khó, không linh hoạt thì rất có thể không vượt qua được giai đoạn khó khăn…”
Theo ông Lâm Thanh Vũ, tình hình hiện nay của các DN vẫn còn rất khó khăn, dù sản xuất hay làm dịch vụ. Điều đáng quý là một số DN tự tìm cách để đối phó và vượt qua khó khăn, như tự thay đổi, cơ cấu lại sản suất, kinh doanh, nghiên cứu mở rộng thị trường. Vì vậy “nếu vượt qua được ngưỡng khó khăn, các DN này sẽ thực sự vững chắc, góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế tỉnh nhà”.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin