Trong chiến tranh, nhiều người đã không tiếc máu xương, của cải góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Trong thời bình, họ không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình mà còn sẵn lòng hiến đất để địa phương xây trường học, san sẻ yêu thương đến cộng đồng.
Niềm vui của Mẹ Việt Nam anh hùng Mai Thị Sứ.
Trong chiến tranh, nhiều người đã không tiếc máu xương, của cải góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Trong thời bình, họ không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình mà còn sẵn lòng hiến đất để địa phương xây trường học, san sẻ yêu thương đến cộng đồng.
Tạm thời trong bài viết này, chúng tôi xin vinh danh 2 trường hợp như thế.
“Hiến vàng” ươm mầm tri thức
Chạy dọc con đường đan nhỏ rợp mát bóng tre vào ấp Hòa Quí (xã Hòa Ninh- Long Hồ), chúng tôi tìm đến nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Mai Thị Sứ. Những đứa trẻ “xứ cù lao Minh” vui chơi, í ới gọi nhau rôm rả trước sân Trường Mẫu giáo Cây Da. Còn mẹ Mai Thị Sứ thì ngồi trên bậc thềm trường, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Mẹ cười tóm tém cái khuôn miệng đỏ thắm, nhìn tụi nhỏ chơi đùa. Hình ảnh yên bình và thân thương quá đỗi! Ngày trước, chuyện học hành ở vùng cù lao này nhiêu khê lắm, chứ đâu “thuận trăm bề” như bây giờ. Mẹ kể: “Hồi còn tàu giặc, vùng này toàn tre trúc, lau sậy. Tụi nhỏ đi học phải lội ruộng, lội sình mà phải đi mị mị mới tới trường. Không ít người phải cho con nghỉ học. Ông nhà tui thấy xót quá, nói mình đốn tre trong vườn, cho đất cất trường. Bà con thấy vậy, người góp tre lá, góp công cùng ổng cất trường cho tụi nhỏ đi học”.
Ngôi trường nhỏ nằm giữa vườn cây trái đó tồn tại cũng được hơn 30 năm thì “xã nói cần mở rộng để xây trường”. Mẹ chất phát: “Tui nguyện theo lời ổng hiến cho xã mần trường tiếp luôn. Có trường đẹp, con nít được học đàng hoàng, vui lắm”. Và, mẹ đã hiến gần 500m2 để chính quyền địa phương xây dựng ngôi trường khang trang này.
“Đất này ổng nói trồng được chục cái cây, bán có huê lợi đó nhưng mình để cất trường thì giúp nhóc đứa con nít biết chữ”- mẹ Sứ cười móm mém nhân hậu khi nói về nghĩa cử hiến đất xây trường mẫu giáo của người bạn đời quá cố- ông Trần Văn Thiên (Năm Thiên).
Nhìn mẹ Sứ hôm nay, mấy ai biết được mẹ đã ém một nỗi đau lớn trong tim mình: đứa con trai duy nhất của mẹ là anh Trần Văn Tài đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong chiến tranh, gia đình mẹ đã không tiếc máu xương, của cải góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc. Trong thời bình, mẹ cũng sẵn lòng hiến đất để địa phương xây trường học. Giờ đây, mẹ sống cùng người con nuôi là anh Trần Văn Lăn và các cháu, chắt. Mỗi khi nhìn đám trẻ con trong xóm vui chơi trong sân trường, xúm xít nghe mẹ kể chuyện chiến tranh, chuyện cổ tích, mẹ lại tóm tém cười hạnh phúc...
Sống trọn vì nghĩa tình
Anh Lê Văn Cường (43 tuổi, thương binh 2/4 ấp Phước Tường A, xã Bình Phước- Mang Thít) cũng giống như nhiều thương binh khác, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc mà không ngại hiểm nguy, đã bỏ lại chiến trường một phần máu thịt. Trở về cuộc sống đời thường, với nhiều vết thương trên thân thể nhưng anh vẫn vượt qua mọi hoàn cảnh để xây dựng gia đình hạnh phúc. Không chỉ thế, “ảnh bị thương tật vậy mà mần ruộng, nuôi heo, nuôi cá thì khó ai bì kịp”, đó là câu đầu tiên mà người dân ở đây dành cho anh Cường với sự nể phục.
Tại chiến trường Campuchia, không may trinh sát Cường bị trúng B40 bị thương ở tay. “Đau nhưng tui thấy đồng đội hy sinh trước mặt mình nên lấy khăn buộc tay treo vào cổ, tựa vào cây bắn. Trận đánh đó, tiểu đoàn tui đi 120 người mà hy sinh, bị thương và chỉ còn lại 47. Rồi tui bị tiếp, trúng đạn vào đầu,… Đi khám, bác sĩ bảo ký cam kết mổ, nói năm ăn năm thua, tui thấy ớn nên đành sống chung với mấy miểng đạn sót trong đầu dù cứ trở trời là lại bị đau nhức”- anh Cường kể lại. Và, câu chuyện cứ dài ra khi chúng tôi tháp tùng cùng anh đến chuồng heo hơn 200 con (30 con nái); 7 công ruộng, 4 công vườn cây ăn trái và một ao cá lớn đang tát nước chuẩn bị vụ cá mới. Thật khó tin, một mái ấm khang trang cùng mức thu nhập năm vừa qua trên 300 triệu đồng mà chỉ từ sức lao động của một thương binh tay trắng, khởi nghiệp từ nghề cắt lúa mướn.
Nhờ phấn đấu lao động, thương binh 2/4 Lê Văn Cường vượt qua khó khăn, vươn lên khá giàu.
Những tháng ngày phiêu bạt trên các cánh đồng miệt U Minh cắt lúa mướn đã giúp anh tìm được “một nửa yêu thương”. Vợ anh- chị Nguyễn Thị Tuyết Nga (42 tuổi) bẽn lẽn: “Vợ chồng tui nhờ cắt lúa mướn mà nên duyên đó. Thời đó nghèo lắm, cha mẹ cho cái nền cất nhà ọp ẹp chứ có ruộng vườn gì mần đâu. Nhưng ảnh giỏi lắm, thương tật vậy mà siêng cắt, vác, xốc lúa mình ên, ai kêu gì mần đó. Cắt củm mua được con heo để nái, rồi nhờ vốn vay của Hội Cựu chiến binh, tụi tui mần riết gầy nên đàn heo như thế này”.
Khi hỏi về cha mình, đôi mắt sáng của em Lê Thị Thu Thảo (21 tuổi) long lanh: “Ba em siêng lắm, cứ mần miết, đủ thứ việc không ngơi tay... Không chỉ yêu thương và chăm lo cho hai chị em em, ba còn dành tình yêu mẹ. Suốt ngày, cứ anh anh, em em ngọt xớt, em ngưỡng mộ lắm! Ba lo lắng cho mẹ từng chút một và còn khuyên tụi em phải yêu thương mẹ nhiều hơn nữa”.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Cường còn sẵn lòng hỗ trợ con giống giúp các hộ nghèo và trang trại heo của anh còn tạo công ăn việc làm cho những người thân trong dòng họ, chòm xóm. Chị Huỳnh Thị Quyên cho biết: “Cậu mợ siêng mần mới được cơ ngơi thế này. Thấy đám cháu công việc không ổn định, cậu mợ kêu phụ, trả lương đàng hoàng. Mợ còn mua đồ ăn thêm cho nữa”.
Còn Chủ tịch UBND xã Bình Phước Nguyễn Hùng Phú cho biết: “Không chỉ là thương binh sản xuất giỏi, anh còn nhiệt tình hỗ trợ giống cho nông dân nghèo; bán chịu heo con. Nếu thấy bà con nuôi heo bị lỗ anh còn bớt giá cho họ; tặng tập cho học sinh nghèo;…” Với những việc làm trên, đầu tháng 7/2012, anh Cường được vinh dự là một trong 5 người có công tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long tham dự Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc tại Đà Nẵng.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin