Bảo vệ quyền lợi người sử dụng đất

01:07, 04/07/2012

Qua thời gian triển khai Dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) trên địa bàn Trà Ôn, cho thấy ý thức người dân trong việc thực hiện các pháp luật về đất đai ngày càng tốt hơn, thông qua tỷ lệ người dân tự cắm mốc ranh, kết quả hòa giải thành và tỷ lệ đăng ký cao.

Qua thời gian triển khai Dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) trên địa bàn Trà Ôn, cho thấy ý thức người dân trong việc thực hiện các pháp luật về đất đai ngày càng tốt hơn, thông qua tỷ lệ người dân tự cắm mốc ranh, kết quả hòa giải thành và tỷ lệ đăng ký cao.

Một dự án mang lại nhiều lợi ích

VLAP là một dự án được thực hiện bởi Chính phủ Việt Nam thông qua Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai với sự hỗ trợ của một tổ chức phát triển quốc tế, đó là Ngân hàng Thế giới (WB). Vốn đầu tư một phần từ ngân sách nhà nước và một phần cung cấp bởi WB. Dự án được thực hiện trong 5 năm (2008- 2013) tại 9 tỉnh, thành phố, trong đó có Vĩnh Long.

Đối với đất bãi bồi cần thực hiện đúng quy định trong thủ tục đăng ký QSDĐ.

Đất đai gắn liền với quyền lợi trực tiếp của người dân nên trong quá trình triển khai, cũng như giải tỏa những vướng mắc, vai trò của chính quyền các cấp ở địa phương là vô cùng quan trọng. Do đó, trong công tác quản lý đòi hỏi phải có hệ thống khoa học, nó vừa giúp cho cơ quan quản lý nhà nước thuận tiện trong việc cập nhật và hoàn thành toàn bộ việc lập bản đồ địa chính chính quy; phát triển và thực hiện công nghệ tin học để lưu trữ, tiếp cận, cập nhật thông tin đăng ký và sử dụng đất; đồng thời hỗ trợ người dân được tiếp cận nhiều hơn, thuận lợi hơn đến các dịch vụ thông tin đất đai chính xác và cũng giúp bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất. Đây là mấu chốt giải tỏa và giảm bớt những căng thẳng, mâu thuẫn trong công tác quản lý đất đai ở từng địa phương. Để tăng cường tính minh bạch cũng như tạo nền tảng cho một hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, dự án đã xây dựng và ban hành chuẩn dữ liệu địa chính và các chuẩn cung cấp dịch vụ quản lý đất đai thống nhất với Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế.

Riêng trên địa bàn Trà Ôn, theo đánh giá của lãnh đạo huyện: Việc thực hiện VLAP trong 3 năm qua đã hình thành nên cách nhìn mới từ việc chỉ chú trọng công tác quản lý, sang thực hiện đồng bộ giữa quản lý nhà nước với thực hiện quyền của người sử dụng đất, đặc biệt quan tâm đến hộ nghèo, phụ nữ nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Bảo vệ quyền lợi người sử dụng đất

Để triển khai dự án thành công, rất cần sự tuyên truyền rộng rãi đến người dân. Do đó trong khoảng thời gian đầu, được sự giúp đỡ của BCĐ Dự án VLAP tỉnh Vĩnh Long, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trà Ôn, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) huyện, UBND 13 xã đến trực tiếp 113 ấp để họp dân triển khai giới thiệu thông tin về dự án này tại Trà Ôn. Đã có 14.274 người dân dự họp, ngoài ra cấp phát gần 34.000 tờ rơi.

Hướng dẫn người dân đăng ký QSDĐ (ảnh TL).


Ý kiến của người dân tại các buổi họp liên quan đến các vấn đề như: tặng, cho, thừa kế, chuyển nhượng, chuyển đổi, QSDĐ, thế chấp, cầm cố, tranh chấp, đăng ký, cắm ranh, cắm mốc ranh thửa đất, cắm mốc giáp lộ, bờ vùng, giấy chứng nhận QSDĐ đang vay vốn ngân hàng… Qua các ý kiến trên, Ban quản lý dự án VLAP tỉnh đã trả lời, giải thích cho nhân dân hiểu và có sự thống nhất cao.

Đến nay, Trà Ôn đã cắm mốc tổng cộng 87.517/87.695 thửa, đạt 99,78% (còn 178 thửa chưa cắm mốc). Trong quá trình cắm mốc, đo đạc và đăng ký, Tòa án nhân dân huyện đã tiếp nhận 727 đơn tranh chấp khiếu nại. Kết quả có 570 đơn hòa giải thành, còn lại 152 đơn hòa giải không thành (trong đó đã chuyển qua tòa án giải quyết 99 đơn) và hiện còn tồn chưa giải quyết 5 đơn.

Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ- Đặng Văn Ba cho biết: “Trong quá trình triển khai, do xã Tân Mỹ có đặc thù là đông đồng bào dân tộc Khmer (khoảng trên 40%) cũng như một số hộ nghèo vùng sâu, nên có nhiều trường hợp chuyển nhượng QSDĐ, cầm cố ngầm không qua hệ thống pháp lý, nên việc cắm mốc, đăng ký… còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, còn một số ít trường hợp như: một số hộ dân có ít đất, những gia đình đi làm ăn xa… đến nay, xã Tân Mỹ đã cắm mốc 6.198/6.261 thửa, đạt 98,99%. Còn 63 hộ chưa thể cắm mốc, rơi vào những trường hợp nêu trên”.

Vừa qua, tại cuộc họp sơ kết tình hình thực hiện Dự án VLAP trên địa bàn Trà Ôn, Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn- Nguyễn Thanh Triều, đã có những đánh giá và chỉ đạo: “Chủ tịch UBND 13 xã cần tổ chức thực hiện tốt một số vấn đề như sau: rà soát lại tất cả các thửa đất cần phải bổ sung thủ tục, giải quyết tranh chấp, các hộ đi làm ăn xa, các hộ xâm canh để giải quyết, lập hồ sơ theo quy định đảm bảo đúng tiến độ. Chỉ đạo các ấp tổ chức đẩy nhanh tiến độ đăng ký hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đảm bảo đúng tiến độ. Căn cứ vào kế hoạch của BCĐ Dự án VLAP tỉnh để phối hợp tổ chức thực hiện việc lập hồ sơ đăng ký thật nhanh, chính xác, đầy đủ theo quy định và đảm bảo tiến độ thực hiện”.

Từ thực tế ở địa phương khi triển khai dự án cho thấy, Văn phòng đăng ký QSDĐ với các thủ tục đơn giản, các trang thiết bị được cải tiến và các cán bộ được đào tạo đầy đủ sẽ đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của người sử dụng đất. Người dân sẽ dễ dàng tiếp cận mọi thông tin về các thửa đất của họ và các thông tin về quy hoạch sử dụng đất.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh