Tạm ngưng khai thác cát tại những khu vực có hiện tượng sạt lở

06:07, 08/07/2012

Kỳ họp lần 4 HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa VIII, cử tri có rất nhiều ý kiến, kiến nghị gửi tới kỳ họp. Tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn, lãnh đạo các ngành: Tài nguyên và Môi trường, Bảo hiểm xã hội, Giao thông Vận tải đã đăng đàn trả lời những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm.

Kỳ họp lần 4 HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa VIII, cử tri có rất nhiều ý kiến, kiến nghị gửi tới kỳ họp. Tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn, lãnh đạo các ngành: Tài nguyên và Môi trường, Bảo hiểm xã hội, Giao thông Vận tải đã đăng đàn trả lời những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm.

Trước hết, PV Báo Vĩnh Long lược ghi trả lời của ông Roãn Ngọc Chiến- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh xoay quanh vấn đề quản lý khai thác cát sông.

“Tới đây, đối với những khu vực khai thác cát gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sở sẽ kiến nghị không cấp giấy phép hoặc đình chỉ, thu hồi ngay giấy phép đã được cấp”.


* Đại biểu HĐND tỉnh thay mặt cử tri chất vấn: Vì sao tại nhiều kỳ họp, HĐND tỉnh đều đưa vấn đề tác hại của việc khai thác cát sông quá mức gây ảnh hưởng môi trường, gây xói lở bờ sông làm bức xúc trong nhân dân mà đến nay vẫn chưa kiểm soát được?

- Ông Roãn Ngọc Chiến: Việc quản lý chặt chẽ việc khai thác cát sông để tránh việc khai thác quá mức làm sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân khu vực ven sông đã được sở và UBND cấp huyện quan tâm và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể năm 2011, UBND tỉnh đã thành lập đoàn khảo sát và giao sở chủ trì đi khảo sát tình hình sạt lở bờ sông. Kết quả, dọc theo các tuyến sông Tiền, sông Cổ Chiên và sông Hậu, tình hình xói lở bờ xảy ra ở các điểm với mức độ khác nhau. Tại những nơi có khai thác cát và không có khai thác cát đều xảy ra sạt lở, với tổng số 18 khu vực sạt lở. Hiện trạng sạt lở các tuyến sông Tiền, sông Cổ Chiên và sông Hậu có nguyên nhân khách quan: sự tương tác giữa dòng nước với bờ sông (tốc độ dòng chảy, tính chất cơ lý đất của bờ sông…). Mặt khác, do các nguyên nhân chủ quan: khai thác không đúng quy định kỹ thuật, khai thác gần bờ,… Thực tế hiện nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu vào lĩnh vực này làm cơ sở cho việc xác định nguyên nhân chính gây ra sạt lở. Ngoài ra, đối diện với khu vực Vĩnh Long cấp phép khai thác cát thì các tỉnh giáp ranh cũng cấp phép khai thác cát sông nên có nhiều phương tiện khai thác trên cùng một khu vực làm ảnh hưởng đến kết cấu bờ sông. Thực hiện chức năng quản lý, phần lớn các nơi có sạt lở mạnh và có hiện tượng xâm thực sâu, sở không tham mưu UBND tỉnh xem xét để cấp giấp phép và trong báo cáo quy hoạch cát sông năm 2009 có thể hiện vùng cấm hoạt động khoáng sản sát sông. Đối với các khu vực có hiện tượng xâm thực ngang, khi cho phép hoạt động khoáng sản sát sông đều có khoảng cách xa trên 1.000m.

Thời gian qua, việc cấp phép khai thác cát sông luôn tuân thủ theo đúng quy định nhằm đảm bảo hoạt động khai thác không gây sạt lở, không ảnh hưởng xấu đến môi trường dân cư xung quanh vùng khai thác và bảo vệ môi trường bền vững. Để khắc phục tình trạng này, sở tổ chức thanh- kiểm tra phát hiện và xử phạt nhiều vụ với số tiền hàng trăm triệu đồng, tạm ngưng khai thác, không cấp phép khai thác nhiều cơ sở vi phạm.

Nhìn chung, nguyên nhân sạt lở bờ sông là tổ hợp của nhiều nguyên nhân, thực tế có 15/18 những đoạn bờ sông không có ảnh hưởng do hoạt động của cư dân và khai thác cát nhưng quá trình sạt lở vẫn xảy ra. Hướng tới, ngành sẽ tăng cường công tác giám sát, kiểm tra thường xuyên và đột xuất nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý tình trạng khai thác cát sông. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh tạm ngưng khai thác cát tại những khu vực cấp phép có hiện tượng sạt lở bờ sông để tiến hành xác định nguyên nhân gây sạt lở. Trước mắt, những khu vực có hiện tượng xấu về môi trường sau khi cấp có thẩm quyền xác định do tác động của khai thác cát làm sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến công trình kinh tế, khu dân cư, mất trật tự an toàn giao thông đường thủy… sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh không cấp giấy phép hoặc đình chỉ hay thu hồi ngay giấy phép khai thác cát của tổ chức, cá nhân đã được cấp.

* Cử tri ấp Mỹ Thạnh B, xã Lục Sĩ Thành (Trà Ôn): Về vấn đề khai thác cát sông cách đầu cồn Non khoảng 1.300m đã gây sạt lở nghiêm trọng đến các tuyến đê bao và thiệt hại tài sản của nhân dân vùng này. Mặc dù đã mua cây, đóng cọc chống sạt lở nhưng chỉ tạm thời vì họ khai thác gần bờ, thậm chí khai thác cả ngày đêm. Việc khai thác cát này lợi cho một doanh nghiệp (DN) còn dân vùng này phải gánh thiệt hại là không công bằng. Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở chuyên ngành tổ chức thanh tra việc khai thác nếu họ không thực hiện đúng quy định thì phải rút giấy phép khai thác và bồi thường cho dân. Ngoài ra, cần trả lời cho dân biết việc khai thác này tỉnh quản lý hay huyện quản lý để dân khiếu nại bồi thường thiệt hại, nếu có vi phạm.

- Ông Roãn Ngọc Chiến: Việc khai thác cát tại khu vực khai thác cát sông cách đầu cồn Non khoảng 1.300m được UBND tỉnh cấp phép khai thác cho doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Lan Anh.

Về việc sạt lở, huyện tổ chức đoàn khảo sát xung quanh khu vực có mỏ cát đang khai thác (thuộc ấp Tích Khánh, xã Tích Thiện và ấp Kinh Đào, xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn). Kết quả cho thấy hiện trạng đang sạt lở tự nhiên tại một số nơi, nguyên nhân sạt lở được xác định do mưa lũ về với lưu lượng lớn và lưu tốc dòng chảy lớn. Bờ Tích Thiện chịu ảnh hưởng của hướng gió sông lớn vỗ vào bờ và do nằm trên dòng chảy nên làm xói mòn, gây sạt lở. Từ những nguyên nhân trên, đoàn khảo sát của huyện xác định chưa thấy dấu hiệu sạt lở do khai thác cát gây ra.

Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tiến hành kiểm tra tại khu vực khai thác cát của DNTN Lan Anh, DN có lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong quá trình hoạt động, DN có tổ chức đo đạc, giám sát môi trường và đo vẽ địa hình đáy sông theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. DN có tổ chức cắm mốc giám sát xói lở bờ sông và thả phao khu vực khai thác. Tuy nhiên, DN chưa thực hiện giám sát định kỳ hàng tháng đầy đủ, đúng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Từ kết quả trên, đoàn đề nghị DN phải khắc phục đối với hành vi không thực hiện giám sát sạt lở bờ sông định kỳ hàng tháng (bằng sổ nhật ký có chứng kiến của UBND xã) đúng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Về hành vi vi phạm về lĩnh vực môi trường, đoàn kiểm tra đã cảnh báo DN cần nghiêm túc khắc phục trong thời gian ngắn nhất. Đoàn sẽ tiến hành hậu kiểm tra vào bất kỳ thời gian nào, nếu còn sai sót sẽ xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ hành vi vi phạm và kiến nghị UBND tỉnh rút giấy phép nếu xét thấy cố tình hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Ngày 25/5/2012, DNTN Lan Anh đã thông báo tạm ngưng hoạt động khai thác cát tại mỏ vàm Trà Ôn, lý do chờ xác định vị trí thả phao an toàn giao thông đường thủy.

Về kiến nghị việc khai thác cát là do ai quản lý, quy định Chính phủ nêu rõ là Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về mọi hoạt động quản lý, khai thác cát sông trên địa bàn theo quy định pháp luật.

D.UYÊN- T.TÂM- ghi

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh