Sẽ phối hợp kiểm tra, giám sát việc khám chữa bệnh và sử dụng quỹ khám chữa bệnh

07:07, 10/07/2012

Vấn đề bảo hiểm y tế (BHYT) được nhiều đại biểu HĐND chất vấn trong kỳ họp lần 4 HĐND khóa VIII. Chúng tôi xin lược ghi ý kiến giải trình của bà Huỳnh Thị Ngọc Linh- Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Vĩnh Long xoay quanh vấn đề này.


Độ bao phủ BHYT thấp, khiến việc trích 20% quỹ khám chữa bệnh cho TYT xã đang gặp khó.

Vấn đề bảo hiểm y tế (BHYT) được nhiều đại biểu HĐND chất vấn trong kỳ họp lần 4 HĐND khóa VIII. Chúng tôi xin lược ghi ý kiến giải trình của bà Huỳnh Thị Ngọc Linh- Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Vĩnh Long xoay quanh vấn đề này.

* Thời gian gần đây, BHXH tỉnh khống chế tỷ lệ cấp thuốc điều trị là 20% cho tuyến xã. Vậy BHXH có thể giải thích rõ và cho biết quy định này có làm hạn chế và ảnh hưởng đến chất lượng công tác điều trị bệnh ở tuyến cơ sở không?

- Bà Huỳnh Thị Ngọc Linh: Căn cứ theo Thông tư liên tịch số 09 của liên bộ: Y tế, Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT, tổng quỹ để đảm bảo tại trạm y tế (TYT) xã không thấp hơn 10% quỹ khám chữa bệnh BHYT theo số thẻ đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại TYT xã. Căn cứ Công văn số 4955 của BHXH Việt Nam về việc tổ chức hợp đồng khám chữa bệnh, thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại TYT xã thì tùy vào điều kiện, nhân lực, khả năng chuyên môn và trang thiết bị y tế của từng TYT xã để thống nhất ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT sử dụng cho từng TYT từ 10% đến 20% quỹ khám chữa bệnh.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của BHXH Việt Nam và căn cứ các văn bản nêu trên, năm 2012, BHXH tỉnh Vĩnh Long thống nhất với Sở Y tế phân bổ kinh phí khám chữa bệnh ngoại trú bằng 20% cho các TYT trong tỉnh là đúng theo văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHYT. Quỹ khám chữa bệnh ngoại trú, ngoài việc phân bổ 20% cho các TYT xã để mua thuốc phục vụ bệnh nhân đến khám, điều trị tại TYT còn phải thanh toán chi phí bệnh nhân vượt khả năng điều trị của TYT chuyển lên bệnh viện huyện, tỉnh và Trung ương… Việc trích tỷ lệ 20% quỹ khám chữa bệnh ngoại trú phân bổ cho TYT được các trạm phản ánh gặp khó vì tỷ lệ bao phủ BHYT trên dân số của tỉnh còn thấp (mới đạt 55,71% dân số) nên quỹ BHYT chưa đủ lớn. Mặt khác, cơ sở hạ tầng trang thiết bị y tế chưa hỗ trợ cho bác sĩ trong chẩn đoán bệnh nên việc chỉ định thuốc điều trị bao vây có nhiều loại và việc lựa chọn giá thuốc sử dụng chưa phù hợp. Thời gian tới, nếu thực hiện tiêu chí quốc gia về y tế cơ sở, các TYT đạt chuẩn quốc gia được trang bị một số thiết bị cần thiết nhằm hỗ trợ cho bác sĩ trong chẩn đoán bệnh chính xác. Song song đó, TYT rà soát, xây dựng lại danh mục thuốc cho phù hợp với mô hình bệnh tật của địa phương, khả năng điều trị phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế thì tỷ lệ 20% quỹ BHYT phân bổ cho TYT như hiện nay là phù hợp, không ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. Thực tế, trong quý I/2012, số lượt người có thẻ BHYT đến TYT khám chữa bệnh ngày càng nhiều, tăng 22,7% so cùng kỳ. Bình quân một đơn thuốc tuyến xã là 28.159 đ/lần và qua quá trình thẩm định chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các TYT, BHXH tỉnh nhận thấy chất lượng khám, điều trị bệnh ở tuyến cơ sở vẫn đảm bảo. Tới đây, trong quá trình tổ chức thực hiện, BHXH tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc khám chữa bệnh và sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT. Qua đó, có thể phản ảnh về Trung ương xem xét điều chỉnh tỷ lệ phân bổ quỹ khám chữa bệnh cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

* Nhiều ý kiến cử tri bức xúc: Chi phí mua thẻ BHYT tăng so năm 2011 (567.000 đ/người/năm). Tuy nhiên, ở năm 2011, cử tri đi khám điều trị bệnh theo sổ BHYT được cấp từ 3- 7 ngày thuốc và từ 4- 5 loại thuốc điều trị. Còn hiện nay, chỉ được cấp 3 ngày thuốc và có lần khám chỉ được 2 loại thuốc điều trị (do hết thuốc)...

- Bà Huỳnh Thị Ngọc Linh: Mức phí đóng BHYT năm 2012 tăng so năm 2011 là do có sự điều chỉnh mức lương tối thiểu chung theo Nghị định 31 của Chính phủ về việc quy định mức lương tối thiểu chung từ 830.000đ lên 1.050.000đ. Theo quy định của Luật BHYT, mức đóng BHYT bằng 4,5% mức lương tối thiểu, do đó BHXH thu như vậy là đúng theo luật. Việc khám điều trị bệnh theo sổ BHYT được cấp từ 3- 7 ngày thuốc và cấp từ 4- 5 loại thuốc điều trị hay nhiều hơn, ít hơn là tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bệnh nhân mà có sự chỉ định thuốc và thời gian điều trị phù hợp với bệnh lý do y- bác sĩ quyết định.

* Cử tri huyện Tam Bình: Đề nghị Nhà nước hỗ trợ 50% phí BHYT cho người cao tuổi (dưới 80 tuổi); đề nghị người có công với cách mạng (hưởng chế độ 290) không phải chi trả 20% chi phí khám và điều trị bệnh tại cơ sở y tế công lập; đề nghị cấp thẻ BHYT cho công tác viên dân số.

- Bà Huỳnh Thị Ngọc Linh: Căn cứ theo Thông tư liên tịch số 09 của liên bộ: Y tế, Tài chính thì ngân sách địa phương bảo đảm nguồn kinh phí đóng BHYT cho người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng là các đối tượng quy định tại Nghị định 67 của Chính phủ, trong đó có người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên. Như vậy, người dưới 80 tuổi chưa được Nhà nước quy định hỗ trợ mức đóng BHYT hàng tháng. Về nội dung này, BHXH tỉnh ghi nhận và sẽ phản ảnh về Trung ương xem xét.

Theo Nghị định 62 của Chính phủ, mức hưởng BHYT đối với người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước (theo Quyết định 290) bằng 80% chi phí khám chữa bệnh, phần còn lại do người bệnh tự thanh toán với cơ sở khám chữa bệnh.

Cũng theo Thông tư liên tịch số 09 của liên bộ: Y tế, Tài chính thì không có quy định đối tượng là cộng tác viên dân số được Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT. Do đó, đối tượng này phải tham gia BHYT theo hộ gia đình nhân dân.

D.UYÊN- T.TÂM

(còn tiếp)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh