Ngành nghề nào cũng có những vui buồn riêng và nghề làm báo cũng thế. Mỗi tháng, các phóng viên có đến hàng chục chuyến đi thực tế để cho ra đời các tác phẩm mang hơi thở cuộc sống. Mỗi lần đi cơ sở, ít nhiều đã đọng lại những kỷ niệm khó quên, để khi bồi hồi nhớ lại, chúng tôi lại thấy thêm yêu nghề, yêu cuộc sống…
Ngành nghề nào cũng có những vui buồn riêng và nghề làm báo cũng thế. Mỗi tháng, các phóng viên có đến hàng chục chuyến đi thực tế để cho ra đời các tác phẩm mang hơi thở cuộc sống. Mỗi lần đi cơ sở, ít nhiều đã đọng lại những kỷ niệm khó quên, để khi bồi hồi nhớ lại, chúng tôi lại thấy thêm yêu nghề, yêu cuộc sống…
Hỏi... đủ thứ
Ngày mới tập tễnh vào nghề, tôi được phân công xuống xã Tân Lược (Bình Tân) viết về công tác đền ơn đáp nghĩa. Trước khi đi, Ban Biên tập gợi ý: “Khi xuống cơ sở, em có thể nắm thêm các thông tin, có tư liệu viết nhiều tin, bài thì càng tốt…” Để chủ động, tôi chuẩn bị một số câu hỏi.
Phóng viên Thanh Liêm về nông thôn xâm nhập thực tế.
|
Mặc dù đã hẹn trước và được đồng nghiệp cho biết là “lãnh đạo xã rất nhiệt tình” nhưng tôi không sao thoát khỏi sự lúng túng khi lần đầu đi công tác một mình và đơn thân độc mã phỏng vấn người khác. Nỗi sợ hãi không tên vô hình len lỏi vào tâm thức. Sau tiếng chào, không khí chợt lắng lại… Đến khi “người được phỏng vấn” khơi gợi câu chuyện thì phải mấy phút sau tôi mới có thể… ấp a, ấp úng nói. Trong vai trò “người phỏng vấn”, tôi trở thành… người bị động, không biết bắt đầu từ đâu.
Đến khi phỏng vấn để lấy tư liệu thì tôi lại bị “rối”, đang hỏi chuyện đền ơn đáp nghĩa, tôi lại “sang ngang” với tình hình sản xuất nông nghiệp, xóm nghề tiểu thủ công nghiệp… Bây giờ nhớ lại còn ngại ngùng, vì Phó Chủ tịch UBND xã khi đó phải huy động cán bộ phụ trách từng mảng cung cấp thêm thông tin, cứ như là tiếp… đoàn kiểm tra xuống nghe báo cáo tình hình kinh tế- xã hội, an ninh- chính trị...
Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của địa phương, tôi đã “hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Mặc dù “hỏi quá hỏi”, nhưng khi về tôi chỉ viết được duy nhất một bài được phân công ban đầu. Cũng may là viết được, chứ nếu đi cả ngày, hỏi cả buổi mà về không có tác phẩm nào thì chắc chỉ còn nước… trốn luôn.
Nhớ những mùa thi đi qua
Năm 2010, tôi được phân công phụ trách mảng giáo dục. Do lần đầu viết về kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên tôi cứ lóng nga, lóng ngóng, chẳng biết làm sao…
Trước cổng hội đồng coi thi, được trao đổi, lắng nghe những nỗi niềm của các bậc làm cha mẹ với bao cảm xúc lo lắng, hồi hộp, trông mong, hy vọng… đến nỗi “đứng ngồi không yên” khi chờ các “sĩ tử” ứng thí. Rồi khi tiếng chuông báo hiệu hết giờ làm bài, nhìn vào những ánh mắt lấp lánh, vỡ òa của các phụ huynh khi thấy con mình bước ra với nụ cười tươi rói… đã đem đến cho tôi nguồn cảm xúc khó tả và cho ra đời bài: “Những tâm trạng bên ngoài phòng thi”.
Suốt kỳ thi đó, ngày nào tôi cũng có mặt tại các hội đồng coi thi. Tôi vui mỗi khi nghe các em nói: “đề dễ…” và buồn vì đề thi ngày cuối thuộc diện… “khó nuốt” theo như nhận định “đầu xuôi, đuôi không lọt”.
Được trải lòng với các phụ huynh và sĩ tử vào kỳ thi tốt nghiệp, tôi như sống lại những tháng năm học trò. Chỉ khác là giờ đây tôi “nghe người ta nói và nói lại cho người ta nghe”.
Mặc đẹp để đón... nhà báo
Kỷ niệm khó quên nhất là khi tôi viết bài cho mục địa chỉ nhân đạo, kêu gọi sự chia sẻ, giúp đỡ gia đình anh Hồ Văn Tươi (ấp Mỹ An- Bình Ninh- Tam Bình)- một bệnh nhân bị ung thư vòm họng có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Chia tay anh về, chúng tôi hẹn sẽ quay lại, nhưng anh đã không chờ được... và số tiền ủng hộ của bạn đọc gửi đến chỉ còn dùng để phúng điếu.
Phóng viên Thúy Quyên tiếp cận những mảnh đời long đong.
|
Điều làm tôi đau lòng nhất là khi nghe người thân anh kể lại: Hôm sắp lìa đời, anh đã mặc bộ đồ thật đẹp. Khi mọi người hỏi anh mặc đẹp để làm gì? Anh bảo: “Mặc đẹp để đón nhà báo, chứ xuềnh xoàng quá bị quở chết!”
Không ngờ, đến phút cuối cuộc đời, anh còn dành sự trân trọng đối với phóng viên chúng tôi. Tôi không sao tránh khỏi hối tiếc vì không thể đến thăm anh sớm hơn…
Anh ra đi nhưng đã để lại cho tôi hình ảnh đẹp không thể phai mờ. Tấm chân tình của anh mãi là hành trang quý giá cho các phóng viên hướng về cơ sở.
Nhớ... nhà báo lắm!
“Lâu quá không gặp cô chú, tôi thấy nhớ lắm!...”- đó là lời nhắn nhủ của cụ bà khiếm thị Phạm Thị Xinh (ấp Mỹ Bình- Tân Mỹ- Trà Ôn). Thỉnh thoảng, bà dành cho chúng tôi những cuộc hỏi thăm ngắn ngủi như thế qua điện thoại. Biết về hoàn cảnh khó khăn của “hai bà cháu ăn xin” qua bài báo, nhiều nhà hảo tâm đã thường xuyên giúp đỡ bà… Có lần, được người quen tặng trái sầu riêng, nhưng bà để dành và mang đến tận cơ quan để thăm và tặng cho “cô, chú phóng viên”. Lần gặp đó, tôi vô cùng xúc động vì cuộc sống của bà thiếu thốn trăm bề, vậy mà… “Đi công tác em ghé nhà ăn cơm với anh chị nhe!...”- sự quý mến ân cần của vợ chồng anh Đồng Văn Út (Bình Tân) và vợ chồng chị Thạch Thị Phước (Tam Bình) đã làm cho tôi cảm nhận như có thêm “tổ ấm” trong mỗi chuyến công tác.
Anh Trần Ngọc Tài- một đồng nghiệp cũ kể lại: “Mỗi lần, anh đi xuống xã là nghe người ở đó hỏi thăm em. Không ngờ, em chuyển công tác lâu vậy mà mọi người vẫn nhớ đến em…”. Những lời tự tình, nhắn nhủ ấy như “liều thuốc hồi sức” giúp tôi xua tan bao ưu phiền, mệt mỏi… Để rồi, lại thấy thêm yêu nghề, yêu đi cơ sở và trông được gặp những gương mặt với nụ cười thân thiện, đã giúp tôi đến với nghề nhà báo bằng tình yêu chân thành và trọn vẹn nhất.
Những chuyến đi công tác không phải lúc nào cũng suôn sẻ, không chỉ trở ngại về thời tiết, mà có khi người địa phương không hợp tác hoặc tiếp xúc với thái độ dè dặt, thiếu thiện cảm… đến cả những chuyện “dở khóc, dở cười” mà chỉ có đồng nghiệp với nhau mới hiểu, nhưng khi nhớ lại sự ân cần, chu đáo của lãnh đạo địa phương; sự trân trọng, nồng hậu của những người dân… đã giúp tôi vượt qua tất cả bao khó khăn trở ngại và vững bước trên hành trình làm báo.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin