Kỳ 2: “Khát” nước sạch giữa lòng thành phố

07:06, 22/06/2012

Xài nước “câu đuôi”, trả tiền nước trên 20.000 đ/m3… là thực trạng sử dụng nước của một số hộ dân ở TP Vĩnh Long. Với họ, nước sạch vẫn còn là mơ ước…!?

Kỳ 1: Những phận đời nơi bến lở

Xài nước “câu đuôi”, trả tiền nước trên 20.000 đ/m3… là thực trạng sử dụng nước của một số hộ dân ở TP Vĩnh Long. Với họ, nước sạch vẫn còn là mơ ước…!?

Một số nơi trong thành phố Vĩnh Long, người dân còn sử dụng nước sinh hoạt bơm từ sông, rạch và trữ vào các dụng cụ chứa nước như thế này.

Thiếu nước sạch

Ông Trương Minh Trí- Phó Chủ tịch UBND Phường 8 cho biết: Khoảng 30 hộ dân ở tuyến Quốc lộ 53 nối dài khu vực từ cầu Tân Hữu 2 đến dốc cầu Vàm thời gian qua phải trả tiền nước cao vì xài nước “câu đuôi”, phải đóng tiền vượt định mức (khoảng hơn 20.000 đ/m3. “Người dân nơi đây mong mỏi lắm! Chúng tôi cũng đã hướng dẫn các hộ làm kiến nghị được cấp nước, nhưng các hộ vẫn còn… chờ kết quả”- ông nói tiếp.

Theo “thông tin” của Phó Chủ tịch UBND Phường 3 Nguyễn Văn Hoàng Mãnh, chúng tôi đến tìm hiểu sinh hoạt người dân xứ “cù lao” Khóm 4 (Phường 3). Gọi là cù lao, vì hơn chục hộ dân nơi đây sống trên mảnh đất có con rạch Hảo vây quanh.

Bà Thái Thị Thu Hồng (Khóm 4) kể: “Hơn chục năm nay, chúng tôi mong mỏi có nước máy, nhưng không biết phải đợi đến bao giờ?!... Cách nay vài năm, khi các hộ lân cận (cách khóm này cây cầu nhỏ) được kéo nước về, bên này đã lao xao. Tháng này nước còn trong, chứ mấy tháng gần tết lấy nước từ sông lên lóng phèn rồi sang qua lu khác vẫn không trong nổi, nhưng nếu lóng phèn nhiều quá thì nước bị chua không xài được”. Có đợt, con kinh này “oằn mình” với con heo tai xanh nặng hơn một tạ chết trôi, rồi bao nhiêu rác thải theo con nước cuốn vào.

Chỉ cục phèn to, nặng hơn nửa ký, cô Dương Thị Thu Phượng cho biết: Cứ mỗi tháng là xài hết cục phèn bự như thế này. Con rạch ở đây nhỏ xíu nhưng rác trôi lềnh bềnh, có đợt ghe cát chạy vô, bao nhiêu sình bùn cứ thế dợn lên. Trong khi cả nhà chỉ có mỗi cái thùng phuy chứa nước nên dù có dơ cũng phải bơm lên mỗi ngày. “Mỗi lần về quê ở Mang Thít, tôi thấy dưới đó có nước máy mà cứ tủi tủi, sao mình cũng ở đô thị mà lại còn “khát” nước nên ao ước có nước máy lắm!”- cô Trang chia sẻ.

Biết chúng tôi đến thực hiện phóng sự về nước sạch, bà Trịnh Thị Thương (ấp Tân Quới, xã Tân Hòa) nói gỏn lọn: “Yêu cầu từ thuở xưa tới giờ mà vẫn chưa thấy”. Còn cô Lê Thị Xuân Nguyên thì nói: Chúng tôi đã làm đơn tập thể đề nghị đến 3 lần và đã gặp trực tiếp lãnh đạo thành phố nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Ở đây, ai cũng lo lắng về sức khỏe khi con sông ngày càng ô nhiễm. Ngày thường nước thải, rác thải từ nghĩa trang, ao chuồng chăn nuôi xả xuống, còn mùa dịch bệnh, xác thú vật trôi lềnh bềnh dưới sông, không dám rửa tay…

Đưa cho chúng tôi xem tuýp thuốc trị ngứa, chị Phạm Thị Nguyệt (ấp Tân Nhơn, xã Tân Hòa) không ngần ngại chia sẻ: “Tuýp này, gia đình tôi xài nhiều đến nỗi có thể lấy vỏ cân ký bán ve chai được. Mặc dù nước bơm từ sông lên chúng tôi đã xử lý trong và xử lý khuẩn, nhưng vẫn bị ngứa vùng kín, cứ 1 tuần 4 người xài hết 1 tuýp. Cả chục năm nay, cứ mỗi lần có đợt tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều kiến nghị mong có nước sạch để dân mình không bị bệnh bất thường nữa.” Những người ở xung quanh cũng cho biết, ở đây, trẻ em thì sốt, ói, tiêu chảy, ngứa da, nổi mẫn… thường xuyên. Còn người lớn thì bệnh phụ khoa. Nhiều khi bơm nước gần đầy, thấy xác súc vật chết phải xả bỏ hết và chờ con nước khác. Không có nước máy, làm gì cũng bất tiện…

Mong sao có nước

Ông Lê Văn Tánh- Phó ấp Tân Nhơn cho biết: Do đây là ấp nông nghiệp, nước sông bị ô nhiễm nặng từ thuốc bảo vệ thực vật, rác thải, nước thải… 2 năm nay, trẻ em và phụ nữ xuống sông là bị dị ứng và bệnh phụ khoa nhiều. Mới đây, thằng cháu nội tôi thấy nước lớn nhảy xuống sông tắm, leo lên là bị nổi mẫn đỏ như mề đay. Hiện toàn xã có 420 hộ với gần 1.800 nhân khẩu, hầu hết đều có nhu cầu sử dụng nước máy. Trong đó, có khoảng 10 hộ phải xài nước “câu đuôi” của Đồng Tháp nhưng khá bất tiện. “Trước mắt, chúng tôi lập danh sách đề nghị Công ty TNHH MTV Cấp nước Vĩnh Long kéo nước sạch về cho 116 hộ dân và sẽ còn đề nghị tiếp cho những hộ còn lại”- ông cho biết.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội Đỗ Tiệp cho biết: Hiện toàn xã có 72% hộ dân đang xài nước máy. Hiện, đang đầu tư kéo nước cho 150 hộ dân ấp Tân Hạnh. Địa phương cũng đã kết hợp với Phòng Quản lý đô thị, Công ty Cấp nước khảo sát đầu tư nhựa hóa 2 tuyến đường từ cầu Cái Gia Lớn đến cầu Ông Hội (ấp Tân An) và từ cầu Chùa đến giáp cầu Bà Bóng (ấp Tân Bình). Khi hoàn thành, sẽ kéo nước về cho người dân. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 90% hộ dân có nước máy sử dụng.

Theo ông Lê Thanh Vân- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, toàn xã hiện chỉ 70% hộ dân sử dụng nước máy. Cách nay hơn 4 năm, cơn mưa vôi trắng xóa làm người dân thêm lo sợ về nguồn nước mưa ô nhiễm. Hiện, các hộ còn lại phải bơm nước sông lắng lọc. Địa phương cũng tạo điều kiện cho người dân ở các ấp Tân Quới, Tân Hưng và Tân Nhơn làm đề nghị cấp nước sạch và đã chuyển đơn đến Công ty TNHH MTV Cấp nước nhưng… chưa biết kết quả ra sao. Cũng theo ông Lê Thanh Vân, nước sạch hiện là vấn đề rất bức thiết, đồng thời cũng là một trong những tiêu chí quan trọng đưa xã lên phường. Vì thế, địa phương rất mong nhanh chóng có nước sạch. Theo ông, có thể ưu tiên những vùng đông dân cư, có nhu cầu sử dụng nước máy trước, còn những hộ ở rải rác quá sâu có thể “hạ hồi” tính toán, tìm giải pháp– trên tinh thần tạo điều kiện cho “dân phố” đều có thể sử dụng nước sạch trong thời gian sớm nhất.

Theo Phòng Quản lý đô thị, khả năng đáp ứng nhu cầu nước sạch của đô thị hiện khoảng 90% (do Công ty TNHH MTV Cấp nước Vĩnh Long cung cấp). Những hộ còn lại thuộc địa bàn thưa thớt dân cư, phải đầu tư kinh phí lớn… (chủ yếu là ở 4 xã của thành phố). Phòng Quản lý đô thị đang trình để phân kỳ đầu tư cho 4 xã. Hướng tới, sẽ phủ kín nước sạch cho người dân đô thị, không để người dân sử dụng nước kém vệ sinh…

Nước sạch là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mọi người và đang ngày càng trở nên bức thiết. Bởi không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, nước sạch còn góp phần bảo vệ sức khỏe, thể hiện sự phát triển của đô thị. Thiết nghĩ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành có liên quan sẽ là tiền đề để các xã, phường phát triển xứng tầm, đồng thời, giúp dân phố tự tin “mình đúng là dân phố”- trong đó, có việc được đáp ứng đầy đủ những nhu cầu thiết yếu cho
cuộc sống.

Để đảm bảo sức khỏe, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho 4 xã lên phường. Vừa qua, Phòng Quản lý đô thị TP Vĩnh Long đã kết hợp với các ngành liên quan khảo sát hiện trạng, nhu cầu và sự cần thiết đầu tư hệ thống nước sinh hoạt trên địa bàn 4 xã. Báo cáo khảo sát cho thấy, còn rất nhiều tuyến đường thuộc các xã (với hàng ngàn hộ dân) chưa được đầu tư hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt, người dân phải sử dụng nước dưới các ao hồ, kinh rạch bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo đó, Phòng Quản lý đô thị đã trình UBND thành phố sớm xem xét cho chủ trương những công trình dự kiến đầu tư…

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN – XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh