Kỳ 1: Những phận đời nơi bến lở

06:06, 20/06/2012

Phía sau sự phát triển đô thị vẫn còn nhiều vấn đề an sinh xã hội đáng quan tâm: những con người sống nơi bến lở- ngày đêm đối mặt với nguy hiểm chực chờ; có khu vực chưa có nước máy, người dân trông nước về như “trời hạn trông mưa”…

Phía sau sự phát triển đô thị vẫn còn nhiều vấn đề an sinh xã hội đáng quan tâm: những con người sống nơi bến lở- ngày đêm đối mặt với nguy hiểm chực chờ; có khu vực chưa có nước máy, người dân trông nước về như “trời hạn trông mưa”…


Bị con sông “tấn công”, nền nhà trở thành đường đi.

Nhiều năm nay, người dân ở xóm Đáy (Khóm 6, Phường 5- TP Vĩnh Long) phải sống cảnh chạy lở- sông lấn tới đâu, người dân lại dời nhà “xích vô” tới đó. Và nay, khi sông đã lấn sát mép phần đất còn lại, người dân lại đối mặt với nỗi lo bị thủy thần nuốt chửng bất cứ lúc nào.

Vết nứt kiến bò và nỗi đau mất đất

Xóm Đáy nằm bên bờ Cổ Chiên, mấy chục năm nay người dân gắn bó nghề làm đáy. Vất vả mưu sinh theo con nước, vậy mà sau mấy mươi năm, đường sá, đất vườn lần lượt bị… trôi tuột xuống sông. Tiếp chuyện với chúng tôi, nhiều người cứ hướng mắt ra sông, tiếc rẻ: “Nhà cửa của tôi trước nằm tuốt ngoài bụi lục bình đang trôi đó, rộng mênh mông chớ đâu chỉ chơ huơ một nền nhà sát mép nước vầy đâu”.

Sống ở bến lở này hơn 30 năm, cô Trần Thị Sáu, 53 tuổi, nói: “Lúc trước, nhà đất của tui chừng 2 công, phía trước còn có đường sá đàng hoàng. Lở riết. Phải dời nhà tới 3 lần rồi, giờ chỉ còn nền nhà nhỏ cheo queo này, lở nữa là… mất hết, không còn dời được nữa”. Cạnh đó, nhà 8 hộ khác đều bị lở rất nặng: tới mép nhà– thuộc diện phải di dời khẩn cấp. Những người có kinh nghiệm ở đây cho biết, chỉ cần xuất hiện vết nứt nhỏ cỡ… kiến bò, rồi to dần cỡ cái chén thì ngay sau đó đất sẽ “sạt” xuống sông rất nhanh, có khi “đi đứt” mấy mét chỉ trong một ngày.

Bước chân qua thềm ba căn nhà nằm chơi vơi cặp mé sông- cũng là lối đi bộ còn lại duy nhất của người dân xóm đáy, chúng tôi không tránh khỏi sợ hãi bởi phía dưới chân, phần gạch lót nhà và bờ đất lở đã tạo thành hàm ếch trống hoác. Chủ căn nhà này, dì Ngô Thị Đâu, 61 tuổi, chua xót nói: “Tui mới tốn hơn hai chục triệu đồng sửa lại nhà đó, định lót gạch xong thì tấn mé để giữ đất, giữ nhà… nhưng chỉ trong 1 ngày con sông “ngoạm” vô tới cả chục mét, đứt tới hàng ba luôn. Giờ cả nhà 8 người phải dọn hết đồ đạc ra ở tạm chái bếp sau nhà”. Tuy vậy, dì Đâu vẫn chưa hết lo lắng: “Không chỉ lo tài sản mà còn lo cho an toàn của cả nhà nữa. Ba đứa cháu nhỏ rất sợ, suốt ngày ở miết trong nhà. Bởi vậy, nóc nhà, tường nhà cũng đã được dỡ, đập ra cho nhẹ bớt tránh bị kéo theo khi… lở nữa”. Vừa nói, dì vừa chỉ tay lên vách nứt mới toanh trên vách tường, rầu rĩ: “Đó, lại xuất hiện thêm một vết nứt cỡ kiến bò nữa rồi nè…”

Anh Trung thì thở dài: Mình ở đây rất sợ vì rất dễ bị nước “soi” vô nhà. Đang bình yên, chỉ cần thấy một vết nứt kiến bò thì chỉ trong vòng một ngày, mọi thứ có thể rơi ùm xuống sông nên hồi hộp lắm!

Nhìn ra bến nước trước nhà chỉ còn vài cây bần thưa thớt, cô Sáu tặc lưỡi: “Mấy cây trước chắn lở, bị nước cuốn đi, không sống nổi. Cũng như xóm này, trước có hàng chục hộ, lở riết nhiều hộ mất hết đất, phải dời đi nơi khác làm ăn nên xóm vắng hơn”.


Ngôi nhà mới sửa của dì Đâu bị “ngoạm” vô sâu như thế này.

Nghìn cân treo sợi tóc?

Chúng tôi men theo con đường “độc đạo” của xóm Đáy, thỉnh thoảng lại có những khúc quanh ngặt nghèo vì đất lở, trơ những thân tràm (dùng để tấn mé) mỏng manh của xóm Đáy, thỉnh thoảng, lại được người dân nhắc: “Đi không quen coi chừng đó nghe!” Đến nhà anh Đỗ Thọ Trung, chúng tôi được cho hay: “Đi qua thêm vài cái nhà nữa là hết đường rồi đó. Hồi trước, đường liền tới miễu Ông Thần nhưng giờ lở, đứt hết rồi, muốn qua phải đi đường khác”. Cạnh đó, anh Đỗ Hùng Sơn chen vào: Không chỉ đằng đó đâu, cả con đường duy nhất tới lui của xóm này (mà chúng tôi vừa đi qua) vài bữa nữa là lở đứt luôn”.

Ông Trần Văn Bảy trầm ngâm: “Mỗi khi nước cạn, nhìn xuống mé bờ là thấy một cái bực sâu, hẳm đứng”. “Hình như đất này là đất không chân nên cứ lở hoài. Bởi vậy, trước đây xóm này còn có tên là xóm Cầu Dài bởi nhiều chiếc cầu nối tiếp nhau từ đầu đến cuối xóm. Nhưng qua nhiều lần đất lở, đất cũng không còn nên đâu còn cầu dài nữa”. Anh Trung băn khoăn: “Chừng một năm nay, thấy đất lở nhiều và rất nhanh. Với tình hình này, chừng một năm nữa là mất nhà luôn”.

Nhiều người cho biết, sợ nhất là tình trạng lở đất xảy ra vào buổi tối. “Đêm hôm khuya khoắt, lỡ có chuyện xảy ra thì đâu xoay xở kịp. Lo lắng nhất là những hộ nhà có nhiều trẻ nhỏ. Chưa kể, “mùa nước nổi càng vất vả hơn: nước ngập qua gối, tới lui phải đi ghe xuồng, mọi sinh hoạt như bị đảo lộn, lại còn sợ gió giông...”- chị Nguyễn Thị Hằng nói.

Ông Võ Trí Thống– Phó Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long cho biết: Dự án kè sông Cổ Chiên ở Khóm 6 (Phường 5) thuộc giai đoạn 2, để thực hiện dự án này cần khoảng 100 tỷ đồng. Cũng theo Phòng Kinh tế, xóm Đáy hiện là “điểm nóng” có nguy cơ sạt lở cao, nhất là mùa mưa lũ sắp tới. Trước mắt, UBND tỉnh đã hỗ trợ 24 triệu đồng tiền trọ cho 8 hộ (3 triệu đồng/hộ) bị sạt lở nhiều để thuê nhà ở tạm những tháng đầu năm. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều hộ dân thuộc diện được hỗ trợ này vẫn còn trụ lại khu sạt lở nguy hiểm. Theo giải thích của các hộ: do nhà có đông người, phải mất nhiều tiền thuê trọ nên… ngán, lại phải đi làm đáy sớm, kịp ra chợ bán.

Ông Đảm Phạm Quang- cán bộ thủy lợi Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long nói: Dự kiến đến cuối năm sẽ di dời 13 hộ dân ở đây vào cụm tuyến dân cư Phường 9 (hỗ trợ di dời 10 triệu đồng/hộ từ nguồn vốn của Chi cục Di dân). Còn đối với kè Cổ Chiên đoạn qua Khóm 6 (Phường 5), phòng đã làm kế hoạch đề nghị gửi Sở Nông nghiệp và PTNT.

Đất lở có nhân nhượng ai bao giờ nên nhiều hộ mong dự án kè giai đoạn 2 được khởi động để có chỗ ở ổn định hơn. Thiết nghĩ, đã có rất nhiều vụ sạt lở gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản, tính mạng của người dân. Gần đây là vụ sạt nghiêm trọng ở An Giang khiến hàng trăm hộ phải di dời, nhiều tuyến đường bị tê liệt… Vì thế, trước khi mùa mưa lũ về, địa phương cần kiên quyết hơn trong phương án di dời. Quan trọng hơn, các hộ không nên chủ quan mà cần tuân thủ nghiêm các phương án di dời, vì sự an toàn cho chính mình và gia đình vẫn là trên hết.

Theo ông Đảm Phạm Quang, ngoài xóm Đáy (Phường 5), TP Vĩnh Long còn một số điểm có nguy cơ sạt lở như: đường Hoàng Hoa Thám (Phường 2)- ảnh hưởng giao thông; một số điểm ở Phường 5, Phường 8 và Phường 3 với khoảng 42 hộ chịu ảnh hưởng bởi nguy cơ sạt lở…

(Còn tiếp)

 
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh