Gia đình và việc giáo dục đạo đức, lối sống trẻ vị thành niên

07:06, 28/06/2012

Gia đình là xã hội thu nhỏ, là tế bào của xã hội. Gia đình có vai trò to lớn mang tính đặc thù trong việc duy trì nòi giống và là môi trường nuôi dưỡng nhân cách của con người, không một thiết chế xã hội nào có thể thay thế được.



Được sự quan tâm chăm sóc của gia đình, nhà trường và cộng đồng, trẻ vị thành niên sẽ phát triển toàn diện. Ảnh: VINH HIỂN

Gia đình là xã hội thu nhỏ, là tế bào của xã hội. Gia đình có vai trò to lớn mang tính đặc thù trong việc duy trì nòi giống và là môi trường nuôi dưỡng nhân cách của con người, không một thiết chế xã hội nào có thể thay thế được. Để hình thành nhân cách con người Việt Nam hôm nay, cùng với việc phát huy vai trò của xã hội, chúng ta cần phát huy vai trò của gia đình. Nói như thế để thấy được vai trò của gia đình trong xã hội ngày nay, đặc biệt là trong vấn đề giáo dục đạo đức cho con cái.

Nhỏ không uốn, lớn gãy cành

Truyền thống đạo đức của gia đình có ảnh hưởng sâu sắc và trực tiếp đến con cái. Ngay từ khi lọt lòng, trẻ đã được chăm sóc, nuôi dạy cùng với những người thân yêu trong gia đình. Số thời gian trẻ sống ở gia đình cũng nhiều hơn ở trường, do vậy, mối quan hệ ông bà, cha mẹ, anh chị em có ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm của trẻ. Đặc biệt với tuổi vị thành niên, các em dần hình thành thái độ nhận xét, đánh giá về sự quan tâm, mối tương quan giữa các thành viên trong gia đình… Chính điều này sẽ xây dựng nên tình cảm của các em với các thành viên trong gia đình. Khi trẻ được sống trong một gia đình nề nếp, tôn trọng những giá trị đạo đức của xã hội thì sẽ tác động trực tiếp, thường xuyên, lâu dài và mạnh mẽ đến các em. Do vậy, các em dễ dàng tiếp nhận và thực hiện một cách tự nguyện.

Trẻ vị thành niên là những người phát triển rất mạnh mẽ về óc phê phán và nhận xét. Do vậy, sự định hướng của gia đình, kết hợp với truyền thống đạo đức của gia đình sẽ tác động rất tích cực tới đời sống và các hành vi đạo đức của các em. Còn khi gia đình không hòa thuận, ông bà, cha mẹ không sống đúng với vai trò của mình, cha mẹ không quan tâm đến con cái, chỉ biết làm giàu, coi việc giáo dục là của nhà trường, không biết con cái cần gì, suy nghĩ gì, ai cũng sống ích kỷ… thì sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống đạo đức của trẻ.

Gia đình rất quan trọng trong việc hình thành nề nếp đạo đức, lối sống cho con cái. Sự quan tâm chăm sóc, dạy dỗ, ân cần chỉ bảo của cha mẹ tác động rất nhiều đến con trẻ. Ví dụ như trước khi con cái đi học, cha mẹ quan tâm dạy dỗ, dặn dò kỹ lưỡng con em luôn ăn mặc chỉnh tề, đầu tóc gọn gàng, vào lớp học không được nói chuyện, cười giỡn… thì nhất định các em sẽ trở thành những con ngoan, trò giỏi, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt. Từ thuở ấu thơ, bài học đầu đời dành cho con trẻ chính là việc chào hỏi ông bà, cha mẹ, anh chị, bà con cô bác khi tiếp xúc gặp gỡ. Việc giáo dục cho con cái lễ phép đã dần hình thành nên nhân cách tốt nơi các em. Ở các vùng quê, hầu hết các em đều được thu nhận bài học này. Ra đường, đi học về, cứ gặp người lớn là vòng tay chào hỏi.

Tuy nhiên ngày nay, một số gia đình, đặc biệt là các gia đình thành phố lại “dễ dãi” trong chuyện này và cho là… không cần thiết. Vô tình cha mẹ đã dạy con cái lối sống không coi trọng lễ phép, thiếu sự tôn trọng người lớn và không quan tâm đến những người xung quanh… “Dạy con từ thuở còn thơ” – đó là điều mà các bậc cha mẹ luôn phải tâm niệm. Nhiều bậc phụ huynh không ý thức được vấn đề này, cứ để con cái sống tự do. Đến khi nhận thấy con hư, con khó bảo, không vâng lời, có muốn uốn nắn, muốn giáo dục thì cũng đã muộn, vì “nhỏ không uốn, lớn gãy cành”. Vậy nên, ngay khi còn uốn nắn được, các bậc cha mẹ nên dạy con những bài học tuy sơ đẳng nhưng lại tối quan trọng như chào hỏi, đi thưa về gửi, ăn nói văn minh lịch sự, không nói dối, không nói tục chửi thề… Với lứa tuổi vị thành niên- tuổi gần bạn xa mẹ- nếu cha mẹ cứ để con cái tự do, không giáo dục, cứ để con cái đi đâu thì đi, chơi với ai cũng không cần quan tâm… thì thật dễ xảy ra những rủi ro, những hậu quả đáng tiếc. 

Bác Hồ nói về gia đình

Tại Hội nghị cán bộ thảo luận Luật Hôn nhân và gia đình ngày 10/10/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Có người nghĩ rằng Bác không có gia đình, chắc không hiểu gì mấy về vấn đề này. Bác tuy không có gia đình riêng, nhưng Bác có một đại gia đình rất lớn, đó là giai cấp công nhân toàn thế giới, là nhân dân Việt Nam. Từ gia đình lớn đó, Bác có thể suy đoán được gia đình nhỏ”.

Bài nói của Bác còn có đoạn rất quan trọng: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng CNXH mà phải chú ý hạt nhân cho tốt. Tục ngữ ta có câu: “Thuận vợ thuận chồng, tác bể Đông cũng cạn”.

Muốn thuận vợ thuận chồng thì lấy nhau phải thực sự yêu thương nhau”.

(Theo HCM toàn tập, t9, tr 523, NXB CTQG HN năm 2000).

TẤN ĐỜI (Tiền Giang)

Gia đình- “để thuyền có bến, để chim có bầy”

Qua một vài phân tích trên đây có thể nhận thấy, vai trò của gia đình là rất quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho con cái. Trẻ vị thành niên là người dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi những lời nhận xét, đánh giá; những lối sống, trào lưu sống bên ngoài. Do vậy, giáo dục cho các em có một lối sống đạo đức vững vàng là cần thiết để các em có thể đứng vững và trưởng thành, trở thành một người con ngoan hiền, trò giỏi giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Môi trường giáo dục có ảnh hưởng rất lớn đến lối sống của các em. Một gia đình có nền nếp gia phong; cha mẹ yêu thương, quan tâm, lắng nghe và tôn trọng con cái; các thành viên trong gia đình yêu thương đùm bọc lẫn nhau… sẽ giúp các em có được nền tảng đạo đức vững chắc. Cha mẹ cũng nên chú ý để hình thành nên phong cách sinh hoạt trong gia đình, biểu hiện cụ thể như nề nếp, vệ sinh, gọn gàng, ăn nói hòa nhã, văn minh, lịch sự… “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, lẽ dĩ nhiên, sống trong một gia đình văn hóa, đạo đức, các em sẽ có môi trường tốt để ươm mầm nhân cách tốt của mình.

Tuổi vị thành niên có nhiều thay đổi trong đời sống tâm sinh lý, do vậy, cha mẹ cần nắm bắt và hiểu được những thay đổi này nơi con cái. Sự thiếu quan tâm, không hiểu về sự phát triển của con cái sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sai lệch trong việc tiếp cận và giáo dục con cái. Để việc giáo dục đạo đức cho con cái có hiệu quả, “Sao cho trong ấm ngoài êm/Để thuyền có bến, để chim có bầy” cha mẹ cũng cần thực hiện một số nguyên tắc sau trong giáo dục:

Một là, cha mẹ sẵn sàng lắng nghe ý kiến của con cái, giúp con có thói quen bộc bạch mọi chuyện, qua đó cha mẹ sẽ hiểu về con cái hơn. Cho trẻ được nói lên ý kiến của mình là một trong những việc làm cần thiết để phát huy tính độc lập, tự chủ nơi các em. Khi con có lỗi, đừng tỏ thái độ bức xúc mà nên đặt những câu hỏi gợi mở để con có thể bộc lộ lòng mình một cách rõ ràng, chính xác và minh bạch. Bức xúc và nóng giận sẽ tạo áp lực cho con cái, dễ dẫn đến việc các em sẽ nói dối cha mẹ.

Hai là, gia đình nên có những bữa cơm tối cùng nhau. Những bữa cơm tối có thể tránh được những nguy cơ như con cái tụ tập nhậu nhẹt, hút xách, xì ke ma túy… Nên phân công công việc cho con cùng tham gia. Qua đây, giáo dục con ý thức về lao động, về tinh thần trách nhiệm trong công việc. Ở tuổi các em, giao lưu bạn bè là hoạt động chủ đạo. Các em dễ tiếp nhận ý kiến từ bạn bè hơn là cha mẹ. Do vậy, để việc giáo dục đạt hiệu quả, cha mẹ còn như một người bạn của con. Cha mẹ cũng nên biết những mối quan hệ bạn bè của con, không phải để kiểm soát mà để định hướng, giúp con biết “chọn bạn mà chơi”. Bạn bè có tầm ảnh hưởng rất lớn đến các em trong giai đoạn này, nên cha mẹ cũng có thể giáo dục con cái thông qua nhóm bạn.


Tình cha. Ảnh: BÁCH THẢO (TP Vĩnh Long)

Ba là, gia đình nên kết hợp mật thiết với nhà trường trong công tác giáo dục đạo đức cho con. Vì gia đình là nơi hình thành nền tảng đạo đức cơ bản, còn nhà trường là nơi hình thành đạo đức của người công dân có tri thức. Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ vì lo làm ăn nên giao phó việc giáo dục, dạy dỗ cho thầy cô, trường học… Gia đình cần hiểu: giáo dục đạo đức cho con bắt đầu từ chính gia đình và phải từ gia đình, rồi mới đến nhà trường và cộng đồng. Do vậy, cha mẹ nên kết hợp mật thiết với nhà trường, đặc biệt là với thầy cô chủ nhiệm để nắm bắt tình hình của con, đồng thời cũng có những phản hồi kịp thời để công tác kết hợp giáo dục thực sự đạt hiệu quả.

Bốn là, cha mẹ cũng nên cập nhật những thông tin về lứa tuổi của trẻ vị thành niên (tuổi teen) trong thời đại ngày nay và nên nhìn nhận sự khác biệt mang tính chất “thời đại” và “thế hệ” trong lối sống và cách suy nghĩ của các em so với thế hệ của mình, để từ đó, cha mẹ dễ đồng cảm với các em trong quá trình giáo dục. Để con cái phát triển một cách toàn diện, cha mẹ nên tạo điều kiện giúp con cái học tập những kỹ năng trong cuộc sống (cho con cái học những lớp kỹ năng sống). Điều này sẽ giúp con cái tập lối sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, phòng ngừa những hành vi có hại cho bản thân và biết cách xử lý để đối phó với những thách thức trong cuộc sống.

Trước thực trạng đáng báo động tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, tội phạm và bạo lực trong một bộ phận học sinh hiện nay, giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ vị thành niên là một vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách. Để đảm bảo cho việc giáo dục cho trẻ vị thành niên đạt hiệu quả, thì việc kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, gia đình sẽ đóng vai trò quan trọng và quyết định đến việc hình thành đạo đức, lối sống cho các em, là nơi hình thành nên nền tảng đạo đức căn bản cho con cái.

NGUYỄN VĂN THANH (Hà Nội)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh