Hôm qua, chúng tôi tranh luận nhau về “ngày của bé”. Anh bạn tôi bảo ngày của bé thật ra chỉ có ở thành phố thôi, còn ở thôn quê… than ôi, vô cùng ảm đạm, chỉ vẫn có bùn sình, tắm sông và đá dế.
Hôm qua, chúng tôi tranh luận nhau về “ngày của bé”. Anh bạn tôi bảo ngày của bé thật ra chỉ có ở thành phố thôi, còn ở thôn quê… than ôi, vô cùng ảm đạm, chỉ vẫn có bùn sình, tắm sông và đá dế. Chị bạn cũng “đế vô”, ngày của bé là để cho bé… nhà giàu. Nhìn xem, đâu đâu cũng thấy quà cáp, đồ chơi, càng đắt tiền càng tốt. Thị trường càng xôm tụ, càng được xem là ngày của bé năm nay “được quan tâm” nhiều hơn năm trước.
Xem chừng không khí “ngày của bé” càng lúc càng nóng hổi, khi mà mọi người nhận ra rằng vẫn còn nhiều cách biệt giữa trẻ nghèo và trẻ giàu, trẻ thành thị và trẻ nông thôn.
Tôi thì nghĩ thầm nhưng không chắc nên cũng không dám nói ra. Thật ra bé chỉ là… bé thôi. Những nhu cầu của bé đôi khi đơn giản hơn nhiều so với những gì mà người lớn “tưởng tượng”.
Chẳng hạn, bé chỉ cần cha mẹ nói câu trìu mến lẫn cái nhìn nghiêm khắc. Bé cần thầy cô quan tâm, đôi mắt “ngó nhìn” học sinh đầy cảm thông và thân thiện đủ làm trẻ an lòng. Đôi mắt ấy có thể sẽ theo bé suốt cuộc đời, đưa bé vào tương lai. Tấm gương sáng của thầy cô, cha mẹ, những người sống xung quanh là những gì mà bé rất cần. Những “hình mẫu”- từng chút một ăn sâu vào tâm thức, sẽ giúp bé trưởng thành.
Bé ở đô thị, tuy quà nhiều, nhưng lại thiếu thiên nhiên. Mà đối với con người, thiên nhiên là món quà vô giá, không chỉ cho sức khỏe mà còn cả tâm hồn. Một sớm mai thức dậy, tiếng chim ríu rít quanh nhà hay một hoàng hôn lặng lẽ, đàn gà líu tíu tìm về tổ ấm… tất cả sẽ tạo cho bé tình yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu quê hương, đất nước. Và đó là hành trang để bé trở thành “Người” theo nghĩa đầy đủ nhất của từ này. Cho nên, điều quan trọng là làm sao giúp bé hiểu được những gì bé đang có là thật sự quý giá, dẫu nó không thể tính thành tiền.
Giữ cho con sông xanh, dòng nước mát; giữ cho không khí trong lành, môi trường thân thiện… là những món quà vô giá cho bé hôm nay và cả mai sau. Và như Bác Hồ đã dặn “… Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết giữ gìn vệ sinh, giữ gìn kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra già cả”.
PHƯƠNG NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin