Trong 2 ngày (31/5 và 1/6/2012), tại tỉnh Bến Tre, Ban Tuyên giáo Trung ương- Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức hội nghị giao ban chuyên đề “Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Tây Nam Bộ trong cơ chế thị trường và hội nhập”. Đồng chí Chu Văn Đạt– Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị.
Trong 2 ngày (31/5 và 1/6/2012), tại tỉnh Bến Tre, Ban Tuyên giáo Trung ương- Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức hội nghị giao ban chuyên đề “Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Tây Nam Bộ trong cơ chế thị trường và hội nhập”. Đồng chí Chu Văn Đạt– Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Xuân Biên- Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cảnh báo tình hình chấp hành Luật Di sản văn hóa hiện nay không nghiêm, công tác bảo tồn di tích yếu kém, không kiểm soát được nạn mua bán cổ vật, nhiều di tích hoang phế, bị phá hủy, hư hại,… Để văn hóa nói chung, văn hóa Óc-eo nói riêng được công nhận là di sản văn hóa thế giới thì cần có những định hướng, dự án nghiên cứu mới, quy mô lớn hơn để văn hóa Óc-eo đọng lại sâu sắc trong lòng người dân Việt cũng như trên thế giới. Quan trọng hơn nữa là làm rõ nguồn gốc vùng đất Nam Bộ, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài– Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, việc sưu tầm hiện vật văn hóa hiện nay còn quá ít; thiếu các dự án bảo tồn, tôn tạo một cách bài bản, khoa học; đội ngũ quản lý di sản văn hóa cần phải được bổ sung, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời phải thúc đẩy xã hội hóa sự nghiệp giữ gìn và phát huy di sản văn hóa nhằm đáp ứng mới trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Xung quanh tình hình văn học nghệ thuật thời gian gần đây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh- Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nhận định, từ khi có Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, đội ngũ văn nghệ sĩ rất phấn khởi; tinh thần tự do sáng tạo, đa dạng phong cách sáng tác, biểu diễn được tôn trọng; xuất hiện đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ tài năng, tâm huyết, gắn bó với dân tộc, cho ra đời nhièu tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao vừa phản ánh đầy đủ tiến trình lịch sử dân tộc vừa chứa đựng hơi thở cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của công chúng và tự tin hội nhập văn hóa thế giới. Tuy nhiên, những hạn chế, lệch lạc, sai trái trên lĩnh vực văn học nghệ thuật vẫn còn xảy ra. Các thế lực thù địch đã và đang sử dụng văn học nghệ thuật để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Văn hóa ngoại lai, không phù hợp đang du nhập và tấn công văn hóa dân tộc,…Do đó, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy những giá trị văn học nghệ thuật, để văn học nghệ thuật thật sự là công cụ tinh tế nhất của văn hóa, góp phần giáo dục, định hướng, hình thành giá trị chân, thiện, mỹ cho cộng đồng.
Nhân dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tập huấn chuyên sâu về văn hóa, văn nghệ, như: Quan điểm mới của Đảng (khóa XI) về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; Tình hình thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng về văn hóa, văn nghệ những năm gần đây.
Đại biểu đã trao đổi, thông tin những thành tựu nổi bật trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ của địa phương mình, phân tích những mặt làm được, chưa được xoay quanh tình hình giữ gìn, phát huy di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và đề xuất các giải pháp thực hiện. Trong đó, có đáng quan tâm là tình hình lấn chiếm đất di tích ngày càng phức tạp; nhiều nơi tổ chức lễ hội chưa đúng mục đích ý nghĩa, lợi dụng để trục lợi,…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tiến sĩ Chu Văn Đạt– Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị: Cần chỉ đạo, tuyên truyền cho các ngành, các cấp, cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân chung tay giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Tây Nam Bộ. Phải làm cho mọi người, mọi tầng lớp nhân dân thấy rằng giá trị văn hóa là tài sản của toàn dân, mọi người cùng được hưởng và cùng có trách nhiệm bảo vệ, quản lý và phát triển. Hiện nay, kinh tế thị trường đã len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; việc giao thoa văn hóa, hội nhập văn hóa thế giới cũng đã ảnh hưởng đến văn hóa nhưng phải lưu giữ, bảo tồn nền văn hóa vật thể, phi vật thể đồ sộ, đa dạng và phong phú của miền Tây Nam Bộ. Song song đó, phải phát huy nét văn hóa, tính cách tốt đẹp, phong cách, nếp sống phóng khoáng, hào sảng, trọng nghĩa khinh tài không lẫn vào đâu được và là tài sản vô giá của người dân Tây Nam bộ. Đồng thời ra sức xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ngay từ cơ sở, hun đúc, vun bồi dày dặn thêm tài sản văn hóa tinh thần của vùng sông nước sông Cửu Long.
Nguyễn San (TP Vĩnh Long) |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin