Đã thống kê, đánh giá xong diện tích nhãn chổi rồng; cấp phát trên 5.000 sổ tay hướng dẫn và tổ chức 54 cuộc tập huấn với gần 3.000 người tham dự… và đã sẵn sàng ra quân dập dịch- theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long tại buổi họp bàn triển khai kế hoạch dập dịch chổi rồng trên nhãn vào ngày 22/6.
Bệnh chổi rồng đã gây thiệt hại lớn và làm giảm giá trị kinh tế của nhiều địa phương.
Đã thống kê, đánh giá xong diện tích nhãn chổi rồng; cấp phát trên 5.000 sổ tay hướng dẫn và tổ chức 54 cuộc tập huấn với gần 3.000 người tham dự… và đã sẵn sàng ra quân dập dịch- theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long tại buổi họp bàn triển khai kế hoạch dập dịch chổi rồng trên nhãn vào ngày 22/6.
Tuy nhiên, nhiều địa phương cho rằng để triển khai đại trà vào cuối tháng 6 này sẽ gặp không ít khó khăn…
Thiếu lực lượng cắt tỉa
Bà Võ Thị Xuân Mỹ- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Long Hồ cho biết: Địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc đánh giá tỷ lệ và diện tích nhiễm bệnh. Qua phát phiếu, nhiều hộ kê khai diện tích nhãn nhiễm bệnh còn sai lệch so với thực tế, nên gặp khó trong khâu thống kê diện tích. “Nhiều hộ trồng nhãn xen canh nhưng khai trồng chuyên canh, còn trồng chuyên canh thì lại kê khai trồng xen canh nên số liệu không chính xác”. Vì vậy, để tránh so bì, theo bà Võ Thị Xuân Mỹ cần phải tiến hành xác minh lại trước khi hỗ trợ. Những khó khăn khác như Long Hồ là địa phương có diện tích nhãn nhiễm chổi rồng lớn nhất tỉnh (4.441,4ha) nhưng hiện đang vào giai đoạn thu hoạch rộ vụ lúa Hè Thu nên khó có thể huy động lực lượng để tham gia cắt tỉa. “Nhiều xã cho biết sẵn sàng cử lực lượng tham gia nhưng cũng kiến nghị cần hỗ trợ một phần công tác phí, trong khi nguồn kinh phí dập dịch rất hạn hẹp”- bà Võ Thị Xuân Mỹ băn khoăn.
Bà Nguyễn Ngọc Tuyết- Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long cho rằng, đối với nhãn 10 năm tuổi trở lên, người nào cắt tỉa chuyên nghiệp lắm thì làm suốt ngày cũng chỉ xong khoảng 2 cây, nếu tính mức một công trồng 20 cây thì phải làm 10 ngày mới xong. Trong khi đó, chỉ tính riêng huyện Long Hồ đã có gần 4.500ha nhãn bị nhiễm bệnh, do đó nếu ra quân đồng loạt sẽ rất khó huy động lực lượng tham gia.
Còn Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long Phan Nhựt Ái thì lo ngại: “Theo kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật thì sau cắt, đọt non ra 5 ly thì phun thuốc nhưng nếu giao cho nông dân lỡ ra tới 10 ly mới phun xịt, chẳng những không dập dịch được mà khả năng tái dịch rất cao”. Vì vậy, các địa phương cần tập huấn kỹ lưỡng cho nông dân để dập dịch đạt hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long kiến nghị với UBND tỉnh cần xem xét hỗ trợ tiền cho nhà vườn tự đốn nhãn trước thời điểm công bố dịch mua cây giống trồng lại. Ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, sẽ xem xét lại để có hướng hỗ trợ phù hợp cho người nông dân kịp thời khôi phục diện tích.
Phải ra quân đồng loạt
Ngày 29/6/2012 tới đây, Chi cục Bảo vệ thực vật sẽ kết hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT Long Hồ, các ban ngành liên quan tổ chức ra quân thí điểm dập dịch chổi rồng trên nhãn với diện tích 5ha tại xã Bình Hòa Phước (Long Hồ). Sau đó, từ 1/7- 31/7, sẽ tổ chức dập dịch trên phạm vi toàn tỉnh.
Do bị nhiễm bệnh nặng nên việc xử lý ra hoa cho vườn nhãn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Hoàng Văn Sử- Trưởng Phòng Tài chính Hành chính sự nghiệp (Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Long) cho biết: Tổng kinh phí khoảng 71 tỷ đồng; trong đó, gồm 30% kinh phí dự phòng ngân sách tỉnh năm 2012 và 70% ứng trước ngân sách địa phương phần kinh phí Trung ương và đến nay đã được chuyển cho các huyện và thành phố hỗ trợ cho người dân.
Ông Phan Anh Vũ lưu ý: Công tác hỗ trợ phải chính xác, đúng đối tượng. Kinh phí mua thuốc phun xịt nên giao cho Chi cục Bảo vệ thực vật đảm nhiệm, còn kinh phí việc cắt tỉa cành, phun thuốc thì Phòng Nông nghiệp và PTNT từng địa phương phải hỗ trợ cho nông dân sau khi cắt tỉa xong. Đối với việc huy động lực lượng tham gia dập dịch, cần huy động cả hệ thống chính trị như: Đoàn Thanh niên, phụ nữ, dân quân tự vệ,… từng địa phương tham gia chứ không giao phó cho Chi cục Bảo vệ thực vật như kế hoạch trước đây. “Công tác dập dịch phải tiến hành đồng loạt, xác định rõ ràng ngày nào ra quân, làm bao nhiêu ngày, sau khi cắt tỉa xong thì nhanh chóng phun thuốc tiêu diệt nhện lông nhung, không để tái dịch”- ông Phan Anh Vũ lưu ý.
Tính đến ngày 19/6/2012, tổng diện tích bị nhiễm bệnh chổi rồng toàn tỉnh là 9.020,5ha. Trong đó, diện tích bị nhiễm dưới 30% là 119,4ha, từ 30- 70% là 2.249,1ha, trên 70% là 6.652ha. |
Bài, ảnh: N.THỊNH- H.MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin