Chở nụ cười vào miền yêu thương

07:06, 27/06/2012

“Mổ xong con ráng chịu đau không khóc đó cô. Bác sĩ nói vài bữa nữa mắt con sẽ đẹp giống mấy bạn. Giờ con đói bụng quá hà!” Dù một bên mắt được băng kín do vừa phẫu thuật treo mi phải, nhưng bé Trần Vy Thùy Linh (6 tuổi, xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) vẫn tươi tắn hồn nhiên, hút một hơi ly trà đường mẹ đút để xoa dịu cơn đói.

“Mổ xong con ráng chịu đau không khóc đó cô. Bác sĩ nói vài bữa nữa mắt con sẽ đẹp giống mấy bạn. Giờ con đói bụng quá hà!” Dù một bên mắt được băng kín do vừa phẫu thuật treo mi phải, nhưng bé Trần Vy Thùy Linh (6 tuổi, xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) vẫn tươi tắn hồn nhiên, hút một hơi ly trà đường mẹ đút để xoa dịu cơn đói.


Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Huy Thọ thăm khám, động viên bệnh nhi vừa được phẫu thuật.

Điều kỳ diệu có thật!

Chị Nguyễn Thị Tâm- mẹ bé Linh xúc động: “Hôm khám, bác sĩ nói con mình được mổ, tui mừng rơn. Lúc sinh con ra, một bên mắt phải con chỉ mở he hé, bà ngoại tưởng bị bụi định lấy sữa mẹ nhỏ cho cháu. Ai dè, bác sĩ khám nói con tui bị tật sụp mi bẩm sinh. Con mình là gái lại bị tật vậy, xót lắm. Cũng may, lần này con được mổ hết tật. Tui và bà ngoại đội ơn các bác sĩ hết lòng”.

Nằm ngang giường bé Linh, bé Nguyễn Võ Minh Tiến (4 tuổi- thị trấn Tam Bình) “ư… ư” nhõng nhẽo với ba mẹ. Bé Tiến vừa trải qua cuộc phẫu thuật treo mi cả hai mắt. Chú Nguyễn Văn Thy- cha bé dỗ dành đưa ly sữa cho bé, bé lắc đầu rên ư… ư. “Thương lắm đó, lúc vô phòng mổ, con còn chạy ra kéo tui lại để ôm hun tui nữa. Vợ chồng lớn tuổi rồi mới có con. Tuy con bị tật nhưng đó là cục vàng, cục cưng của cả nhà. Các bác sĩ ở đây thân thiện, nhiệt tình lắm, dỗ dành thằng bé để con tui ngoan ngoãn nghe lời. Giờ chắc con đau nên hổng chịu uống sữa, chứ hết đau là chạy giỡn suốt luôn”.

Hai mẹ con chị Nguyễn Thị Kiều Oanh và con gái là Nguyễn Thanh Hằng (xã Bình Ninh- Tam Bình) cùng được phẫu thuật cắt Novi sắc tố sườn mũi đợt này. Chị Kiều Oanh mừng rỡ: “Hai mẹ con em đều được mổ, gia đình em đơn chiếc nên hy vọng mổ xong sức khỏe mẹ con em tốt để còn chăm sóc lẫn nhau”.

Ôm con vào lòng sau ca phẫu thuật hở hàm ếch, chị Bích Ngọc (Vũng Liêm) rớt nước mắt: “Các bác sĩ đã tặng miệng lành lặn cho con tui rồi”. Chị cũng kể thêm: “Bác sĩ cũng tâm lý lắm, để cho cháu đỡ sợ, trước khi mổ họ chọc cười, cho đồ chơi rồi dụ ngọt nên con bé bớt sợ”.

Mừng và lo là tâm trạng của hầu hết những người nhà bệnh nhân. Trong những ca khó phải kể đến trường hợp của bé Qua Ngọc Bình. Tay bé Bình bị ngoéo lại như càng cua, rất khó sửa, nếu tháo khớp thì sẽ kém thẩm mỹ, nên các bác sĩ phải cố gắng nắn lại xương cho em. Dì Thanh- bà nội của Bình tâm sự: “Thấy cháu mình đi học hay mặc cảm về đôi tay của mình. Mỗi lần đưa bảng lên nó thường giấu đi cái tay bị tật, tui cũng khổ tâm lắm, nhưng đợt này, thấy bé được mổ lại giống người bình thường tui cũng yên tâm phần nào”. Phẫu thuật được hơn một ngày bé Bình đã có thể chạy chơi như bình thường. Từ đây, bé Bình sẽ có một cuộc đời mới, tươi sáng hơn, bởi bé cũng sẽ phát triển bình thường như những người bạn cùng trang lứa và những mặc cảm cũng sẽ được xóa bỏ.

Chương trình đầy nhân văn

“Em Ngân đỡ đau chưa mẹ?”- em Lê Quỳnh Như (24 tuổi, xã Trà Côn- Trà Ôn) hỏi mẹ- chị Lê Thị Hạnh- khi chị lấy áo kê đôi chân vừa được phẫu thuật cắt ngón thừa tứ chi của em. Nằm cách giường em của Như- bé Lê Văn Ngân (8 tuổi) đang nằm rên đau bởi bé vừa được phẫu thuật cắt thừa ngón ở 2 tay và 2 chân. Nhìn tay chân 2 con băng chi chít, chị Hạnh không khỏi xót xa: “Lên đây có 3 mẹ con, nãy 2 đứa đều mổ, tui ngồi chờ ngoài mà sốt ruột, cầu trời phật cho ca mổ thành công. Con chị lớn đỡ lo, chứ thằng nhỏ bị cả tay chân nên đau nhức cỡ nào. Tui chỉ biết nói con ráng, tựu trường đi học khỏi bị bạn chọc rồi”. Nhà nghèo, có hơn công ruộng nên vợ chồng chị phải làm lụng vất vả mới đủ ăn. Em Như bị khuyết tật ở chân lại thêm mắt mờ, không thấy rõ mọi vật xung quanh nên chỉ biết quanh quẩn ở nhà nội trợ chăm em để mẹ yên tâm đi làm công cho trại cá ở Sóc Trăng. Còn cha thì làm “thợ đụng” ai kêu gì mần đó. “Nghèo khó vậy, tui chỉ mong có tiền để trị bệnh cho con, giờ 2 con được mổ lành lặn nên tui mừng hết sức”- chị Thanh cho biết.

Tuy có phần xót xa khi nghe tiếng rên khóc vì đau của con nhưng chúng tôi thấy được những ánh mắt lấp lánh niềm hạnh phúc của các đấng sinh thành, vì từ nay những đứa con khuyết tật của họ đã được lành lặn như lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Tài (xã Hòa Bình- Trà Ôn): “Anh Thư 16 tuổi, con gái lớn rồi cũng biết mặc cảm khi bị chọc là Thư lé. Con mình được mổ, tui hạnh phúc lắm!”

Qua đợt khám sàng lọc vào ngày 22/6/2012, có 128 người bị dị tật như sứt môi, hở hàm ếch, sụp mi mắt bẩm sinh, các sẹo xấu biến dạng môi, mũi sau mổ cũ, thừa hoặc dính ngón tay chân đã được phẫu thuật miễn phí.


Niềm vui của các bé khi các bác sĩ giúp xóa đi những khiếm khuyết trên đôi mắt của mình.


Tiến sĩ, Đại tá Nguyễn Huy Thọ- Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình Bệnh viện Trung ương Quân đội 108- cho biết: “Những ca mổ thành công không chỉ đem lại niềm vui cho gia đình các em, mà cả bác sĩ như chúng tôi cũng rất hạnh phúc. Song không phải trường hợp khuyết nào cũng được chỉ định phẫu thuật. Do có em bị khuyết tật chưa nhất thiết phải mổ, cũng có em chưa hoặc chưa thể mổ được do sức khỏe không đảm bảo (nhỏ quá, sức khỏe yếu)”.

Đón xe buýt từ Bình Minh lên Vĩnh Long từ 6 giờ sáng, chị Lê Thị Ngọc Trinh cùng chồng và đứa con nhỏ lên đây. Con chị mới được 14 tháng nhưng đã sớm bị dị tật. Chị Trinh kể: “Lúc đầu, gia đình đút cháu ăn thì thấy thức ăn ra lỗ mũi, đi khám mới biết bé bị hở hàm ếch ở trong”. Chị Trinh nói tiếp: “Tôi cũng đi lên thành phố khám rồi, mà cháu chưa đủ điều kiện để mổ nên phải về, lần này tôi lo quá không biết cháu có mổ được không”. Chồng chị ẵm bé Ngọc Hà đi khám sức khỏe xong, nét mặt buồn bã nói: “Bác sĩ nói không đủ ký, không mổ được rồi...” Nhìn vẻ thất vọng của anh chị, chúng tôi không khỏi xót xa. Hy vọng những lần phẫu thuật sắp tới con anh chị sẽ đủ điều kiện mổ, để nụ cười bé tròn vành trên môi.

Chương trình từ thiện nhân đạo hướng về cộng đồng do Hội Phẫu thuật vì nụ cười trẻ thơ Hàn Quốc (do tổ chức SK Telecom tài trợ), Hội Phẫu thuật nụ cười Việt Nam, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long tổ chức phẫu thuật miễn phí cho người khuyết tật tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long. Chương trình mang đầy ý nghĩa nhân văn này mang đến niềm vui cho gia đình và “chắp thêm đôi cánh” ước mơ cho những người nghèo khuyết tật vốn chịu nhiều thiệt thòi sẽ tự tin hoà nhập vào cộng đồng.

Bài, ảnh: QUYÊN PHỐ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh