Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp. Người dân Vĩnh Long phần lớn sinh sống ở các vùng quê. Các tin tức, thời sự chủ yếu đến được với nông thôn qua phát thanh, truyền hình. Internet thì họa hoằn lắm mới có. Còn báo in thì… chỉ mới đến các cơ quan nhà nước.
Cần đưa báo về nông thôn để nông dân thêm một kênh thông tin nữa.
Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp. Người dân Vĩnh Long phần lớn sinh sống ở các vùng quê. Các tin tức, thời sự chủ yếu đến được với nông thôn qua phát thanh, truyền hình. Internet thì họa hoằn lắm mới có. Còn báo in thì… chỉ mới đến các cơ quan nhà nước.
Trong đa dạng cách thức cập nhật tin tức thời công nghệ thì nhiều người vẫn giữ thói quen (sở thích) đọc báo in. Tuy nhiên, một thực tế là đến nay, khi khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng được rút ngắn thì tin tức “nóng hổi” từ các tờ báo in đa số chỉ đến được với người ở phố. Vì thế, có thể nói chuyện đọc báo ở nông thôn trở nên hiếm, không chỉ vì bận rộn hay “kinh tế eo hẹp” mà còn vì nông thôn… thiếu báo.
Nhiều người cho biết, ở nông thôn mà muốn tìm mua một tờ báo thì tìm mỏi mắt cũng… chưa chắc có. Thật vậy, chỉ cần “phụp” sâu vào nông thôn một tí (cấp xã) thì khó lòng tìm được một nơi bán báo. Vì thế, muốn đọc báo, người dân phải mua ở thị trấn hoặc lên tận trung tâm thành phố.
Một người quen ở huyện Tam Bình cho biết, ngoài bưu điện huyện nhận đặt báo dài hạn thì chỉ có 1 sạp báo bán đến khoảng 9 giờ và một bà lão bán báo dạo khoảng 10 tờ/ngày. Chị Thùy Lam (xã Hòa Phú– Long Hồ) kể, có lần đi ngang chợ Long Phú (Tam Bình), chị ghé một quán cà phê bên đường và tìm mua một tờ báo nhưng tìm mãi mà không thấy điểm bán báo nào. Hỏi người dân thì được trả lời: ở đây không có ai bán báo. Chị cứ thắc mắc: Sao một nơi đông đúc thế này, có chợ, có trường cấp 3 mà không có lấy một sạp báo? Còn chị Phan Thị Út (xã Ngãi Tứ) nói: Ở xã này không có chỗ bán báo. Bưu điện xã cũng chỉ nhận đặt báo chớ không bán lẻ nên mỗi lần muốn đọc báo, phải ra thị trấn Trà Ôn mua. Tui rất thích đọc báo, quanh đây cũng có nhiều người thích đọc như tui vậy. Phải chi có chỗ bán báo gần nhà, sẽ có nhiều người mua. Còn ông Lưu Vĩnh Tri (xã Tường Lộc) có thói quen đọc báo mỗi ngày cho biết: “Ở thị trấn Tam Bình đến trưa thì hết báo nên hàng ngày tôi thường mua báo ở TP Vĩnh Long– trên đường đi giao hàng về”.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh– buôn bán ở xã Mỹ Thạnh Trung cười khà: “Hồi đó giờ muốn đọc báo toàn chờ mấy đứa em trên TP Vĩnh Long đem về đọc ké chớ trong xã đâu có chỗ nào bán báo?” Cũng vậy, dọc đường đi về xã Mỹ Phước (Mang Thít), tìm mờ mắt cũng không thấy một điểm bán báo nào. Chị Phan Thị Minh Lan, giáo viên (xã Mỹ Phước) cho biết: “Bưu điện xã cũng chỉ nhận đặt báo. Ngoài ra thì không có điểm bán báo nào khác”.
Ngay cả nơi tập trung đông dân như xã Phú Quới, Hòa Phú (Long Hồ)– nơi có đến hàng ngàn sinh viên, công nhân, chưa kể dân địa phương nhưng cũng có rất ít điểm bán báo. Thái Thị Hiền– sinh viên năm cuối Trường Đại học Cửu Long nói: “Sinh viên tụi em cũng rất thích đọc báo nhưng xung quanh trường chỉ có một nhóm sinh viên bán báo vào buổi sáng”. Còn anh Lê Hoàng Nam– một người dân ở xã Hòa Phú cho biết: “Tôi đi làm ở Cần Thơ, cuối tuần về nhà thường đọc báo nhưng xung quanh đây rất ít chỗ bán. Chỉ có một chú bán báo ở dốc cầu Phú Quới– bán Báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thể Thao… mỗi thứ vài tờ. Vì thế, ai muốn mua phải tranh thủ, không thì… hết hàng”.
Nông thôn cũng cần có những điểm bán báo nho nhỏ như thế này.
Theo ông Lưu Vĩnh Tri, người dân không đọc báo vì nhiều lý do khác nhau, như: lao động chân tay bận rộn nên không còn thời gian, tâm trí để đọc báo. Bên cạnh, nhiều người không đọc báo vì kinh tế khó khăn “3- 4 ngàn dù nhỏ nhưng phải chi mua báo đọc mỗi ngày đối với nhiều người là chuyện… xa xỉ”. Thêm nữa, trình độ dân trí cũng là một rào cản vì “đọc mà không hiểu thì đọc chỉ… mất công”- ông Tri trầm ngâm. Nhưng cũng theo ông, nông thôn vẫn có không ít người thích đọc báo. Vì dù có phát thanh, truyền hình nhưng do nhiều nguyên nhân, không phải lúc nào cũng xem, nghe được chương trình thời sự trên đài phát thanh, truyền hình. Mặt khác, “nhiều người nông thôn xem truyền hình vẫn chủ yếu là xem phim, ít mặn mà với các chương trình thời sự”. Vì thế, cần tăng các điểm bán báo ở nông thôn để thêm một kênh thông tin nữa cho người dân, đặc biệt là các thông tin thị trường, giáo dục đạo đức, pháp luật, lối sống… hạn chế tình trạng nông dân bị ép giá, thanh thiếu vi phạm pháp luật vì kém hiểu biết…
Người viết chợt nghĩ, đã có chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” rất hiệu quả: không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt tăng doanh số từ thị trường lớn từ lâu bị bỏ quên, mà còn giúp người tiêu dùng tin yêu sử dụng hàng nội. Vậy thì các báo in cũng nên tăng cường đưa báo về nông thôn để không chỉ làm tăng lượng báo bán ra mà còn nâng cao hiệu quả tuyên truyền các chủ trương, chính sách đến với người dân. Một mặt là góp phần nâng cao hiểu biết, kiến thức của người dân trong thời đại mới. Muốn vậy, cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực như những khảo sát nhu cầu đọc báo, bán báo thử nghiệm ở nông thôn…
Bài, ảnh: T. HIỀN- C. HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin