Ngày 1/5/2012, Nghị định số 31 về tăng lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 /tháng, bằng 26,5%); mức phụ cấp công vụ tăng 25% so với 10% trước đây, là một trong những nỗ lực của Chính phủ nhằm cải thiện đời sống của người lao động (NLĐ).
Người hưởng lương phấn khởi vì lương tăng.
Ngày 1/5/2012, Nghị định số 31 về tăng lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 /tháng, bằng 26,5%); mức phụ cấp công vụ tăng 25% so với 10% trước đây, là một trong những nỗ lực của Chính phủ nhằm cải thiện đời sống của người lao động (NLĐ).
Song, để thật sự sống được bằng lương vẫn là niềm mơ ước của NLĐ trước nỗi lo “tăng giá” của thị trường.
Cũng mừng!
Nhìn chung, tâm lý nhiều người khi được tăng lương đều rất phấn khởi. Tùy theo hệ số lương, phụ cấp theo chức danh, nghề nghiệp, mức tăng thu nhập hàng tháng của các đối tượng hưởng lương có thể từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Một giáo viên mới ra trường hệ số lương 1,86 nếu là tốt nghiệp trung học và hệ số lương là 2,1 nếu tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Như vậy, với lương tối thiểu là 1.050 ngàn đồng/tháng, giáo viên mới hệ trung học sẽ được hơn 1,5 triệu đồng, cộng với phụ cấp giảng dạy là 35% sẽ được khoảng 2 triệu đồng/ tháng. Tương tự, giáo viên mới ra trường hệ cao đẳng và đại học sẽ được khoảng 2,3 triệu đồng/ tháng. Không chỉ cán bộ- công chức nhà nước, quân nhân đang làm việc mà người nghỉ hưu cũng được tăng lương, trợ cấp. Cô Từ Tâm- giáo viên về hưu (xã Trường An- TP Vĩnh Long) cho biết: “Nghe lương tăng, cô mừng lắm, về hưu rồi đâu làm gì chỉ trông vào lương thôi. Con gái ra trường tìm được việc làm rồi, cô cũng nhẹ lo. Giờ hàng tháng, cô phải trích ra 1 triệu đồng để trả nợ vay sinh viên lúc con đi học”.
Ông Nguyễn Trung Thành- Trưởng Phòng Quản lý ngân sách Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Long cho biết: 8 tháng đầu năm Vĩnh Long cần 200 tỷ đồng để chi trả lương. Trong đó, tỉnh huy động 50% tăng thu thực hiện so với dự toán 2011 là 12 tỷ đồng; 50% tăng thu dự toán năm 2012 so với năm 2011 Chính phủ giao khoảng 100 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 40% thu học phí, 35% thu viện phí, 40% nguồn thu sự nghiệp; tổng số tiền là 20 tỷ đồng. Phần còn lại ngân sách Trung ương bổ sung.
Lương tăng, người hưởng lương nhẹ bớt một phần gánh nặng áo cơm.
Nhưng vẫn lo
Đợt này, cả nước có gần 6,1 triệu người được tăng lương. Nhưng từ đầu năm đến nay, người dân phải đối mặt với việc “giá cả tăng vèo vèo”, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Đặc biệt, chỉ trong 2 tháng, giá xăng tăng 3.000 đ/lít, kéo theo giá dịch vụ vận chuyển, hàng hóa, dịch vụ tăng theo; giá sữa cũng tăng 5- 10%,…
Gặp chị H. Như (nhân viên một cơ quan nhà nước) ở siêu thị, hỏi thăm về lương chị cười buồn: “Vợ chồng đều làm công chức nhà nước nên lương chan chát hà. Đi làm 5 năm mà lương 2 người cộng lại chưa tới 4,5 triệu. Giờ được tăng lương cũng đỡ, có thêm tiền sữa cho con. Chớ tiền nhà trọ, điện, nước, tiền học,… nhiều khoản nên dù đã ra riêng nhưng thỉnh thoảng cha mẹ hai bên ở quê đều phụ cấp thêm. Nghĩ cũng buồn, lương đó đủ xài đã khó làm sao để dành mua nhà?”
Chị Trịnh Thị Thủy- Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi xanh 1 (xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long) tâm sự: “Hiện lương chị trên 3,7 triệu đồng, tăng lương đợt này chị thêm được hơn 1 triệu đồng. Chị có 2 đứa con nhỏ nên thêm lương tài xế của ông xã, gói ghém lắm mới đủ. Do vậy, cần nhất là giá cả ít biến động, nếu không, lương chạy theo không kịp”. Đồng nghiệp với chị Thủy, em Trần Thị Thanh Thủy chất phác: “Em còn thời gian tập sự nên chỉ hưởng lương 85% thôi. Là con gái mà, cũng thích sắm sửa cho bản thân nhưng muốn mua gì em đều đắn đo lắm. Dù vậy, có tháng đi đám tiệc nhiều cũng phải xin thêm tiền nhà”.
Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 4 Đỗ Hữu Quang cho biết, đợt tăng lương năm nay, tình hình giá cả ổn định so với những lần tăng lương trước, do người dân đã quen với chu kỳ tăng lương, sức mua giảm. Những tháng đầu năm, Chi cục Quản lý thị trường có kế hoạch thường xuyên nắm tình hình diễn biến cung- cầu và giá cả hàng hóa. Thường xuyên duy trì công tác kiểm tra về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với những mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về lĩnh vực giá, góp phần ổn định thị trường trên địa bàn tỉnh.
Một khảo sát về tiền lương của cán bộ, công chức (CB,CC) cho thấy, thu nhập từ lương mới chỉ đáp ứng 65- 70% mức sống tối thiểu. Mặc dù tiền lương CB,CC đã liên tục được điều chỉnh tăng cao, song mức điều chỉnh tiền lương thực tế bình quân hàng năm giai đoạn 2003-2011 cũng chỉ bằng 1/2 đến 1/4 mức điều chỉnh bình quân hàng năm giai đoạn 1993-2002. Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung mới thực hiện chủ yếu trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng và khả năng ngân sách chứ chưa bảo đảm được mức sống tối thiểu của CB,CC, viên chức và lực lượng vũ trang. Mức lương tối thiểu chung của năm 2011 chỉ bằng 59,3% mức lương tối thiểu vùng thấp nhất; bằng 41,5% mức lương tối thiểu cao nhất của DN và chỉ bằng 58,1% mức chi tiêu bình quân một nhân khẩu năm 2011.
Ngày 15/4/2012 Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2012/NĐ-CP về chế độ phụ cấp công vụ. Mức phụ cấp là 25% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung hoặc quân hàm. Phụ cấp công vụ được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Chế độ quy định tại nghị định này được tính từ ngày 1/5/2012.
Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định 35/2012/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc. Theo đó, từ ngày 1/5/2012, tăng thêm 26,5% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm, trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.
|
Bài, ảnh: BÌNH QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin