Bề dày lịch sử văn hóa 280 năm

07:05, 13/05/2012

Với gần 200 hiện vật, tư liệu quý hiếm, có những hiện vật lần đầu tiên được trưng bày, cuộc triển lãm đã tái hiện khá trọn vẹn diện mạo lịch sử- văn hóa theo chiều dài xuyên suốt gần 3 thế kỷ khởi nguồn từ Long Hồ dinh cho đến Vĩnh Long ngày nay.

Với gần 200 hiện vật, tư liệu quý hiếm, có những hiện vật lần đầu tiên được trưng bày, cuộc triển lãm đã tái hiện khá trọn vẹn diện mạo lịch sử- văn hóa theo chiều dài xuyên suốt gần 3 thế kỷ khởi nguồn từ Long Hồ dinh cho đến Vĩnh Long ngày nay.

Ông Nguyễn Xuân Hoanh- Trưởng Ban Quản lý Di sản tỉnh Vĩnh Long nhận định: “Tại cuộc trưng bày lần này có nhiều hiện vật thuộc loại cực hiếm, vì chỉ duy nhất có ở Vĩnh Long, như: 85 sắc thần của Công Thần miếu, bộ sưu tập Hán Nôm độc nhất vô nhị của chùa Ông, 15 sắc văn ở Thanh Đức, hệ thống hoành phi câu đối…”. Tất cả đều gắn liền với quá trình hoàn thành công cuộc khai phá vùng đất phương Nam, mà khởi điểm là mốc lịch sử năm 1732 khi chúa Nguyễn lập Long Hồ dinh.

Sự kiện lịch sử trọng đại này đánh dấu một bước ngoặt mới trong quá trình phát triển kinh tế- văn hóa địa phương và là tiền đề cho sự hình thành của hệ thống tài liệu Hán Nôm ở Vĩnh Long.

Hệ thống di sản Hán Nôm hiện có ở Vĩnh Long được chia làm 3 loại chính: các tài liệu lịch sử bao gồm công văn thần sắc, bi ký gia phả, văn khế văn tự; các tài liệu văn chương nghệ thuật bao gồm thơ văn, câu đối… và các tài liệu khác bao gồm kinh điển Nho học và kinh sách tôn giáo, sách bói sách thuốc… ngày nay chúng ta gọi chung là di sản văn hóa. Ông Nguyễn Xuân Hoanh cho rằng: “Đây là bộ sưu tập Hán Nôm khá hoàn chỉnh, thể hiện công phu sưu tầm kéo dài trong khoảng thời gian hàng trăm năm”.

Đông đảo khách tham quan triển lãm di sản Vĩnh Long xưa và nay.

Một niềm tự hào lớn của “đất học” Vĩnh Long, được gói gọn trong tấm hoành phi “Đại nhi hóa chi” (Việc giáo hóa là việc lớn lao thay). Tấm hoành phi này, năm 1904 văn nhân Ba Tri (Bến Tre) tặng cho Văn Thánh miếu Vĩnh Long- trung tâm đào tạo nhân tài của Nam kỳ lục tỉnh vào cuối thế kỷ XIX.

Kèm theo là những câu liễn đối gắn với tên tuổi của những bậc thức giả nổi tiếng đương thời:

“Xuân Thu hà đẳng càn khôn, đạo tại Ngũ kinh song nhật nguyệt

Thù Tứ biệt thành vũ trụ, đồ qua Lục tỉnh nhất cung tường”

(Xuân Thu trời đất bậc nào, đạo tại Năm kinh đôi dòng nhật nguyệt

Thù Tứ cõi bờ riêng đó, đường qua Lục tỉnh nhất cung tường)

Câu đối đề cao đạo Nho, ca ngợi Văn Thánh miếu Vĩnh Long là nơi thờ tự trang nghiêm vào bậc nhất của đất Nam Kỳ. Câu đối do Thượng thư Cao Xuân Dục tặng Văn Thánh miếu Vĩnh Long, được văn nhân, trí thức xưa nay hết lời ca tụng.

Đặc biệt, những thế hệ sau này thật khó có cơ hội chiêm ngưỡng 4 đạo sắc phong như: sắc Nguyễn Hữu Cảnh (1650- 1700), sắc Tống Phước Hiệp (?-1776), sắc Bà Thiên Y A Na hay bà Chúa Ngọc, Sắc phong của đình làng Mỹ Tường, thuộc Phường 5- TP Vĩnh Long ngày nay.

Chân dung cụ bà Trương Thị Loan được làm bằng ốc xà cừ, một chân dung hết sức độc đáo, quý hiếm.


Mỗi đạo sắc phong khổ 60 x 120cm, viết trên giấy dó, chế biến bằng thủ công, độ bền cao. Sắc phong là báu vật của cộng đồng nên từ xưa đến nay mỗi khi mở sắc phải làm lễ “khán sắc” nghiêm cẩn và chỉ những người cao niên mới được chiêm ngưỡng.

Cho đến nay, Công Thần miếu Vĩnh Long là nơi duy nhất trong cả nước còn giữ được 85 đạo sắc phong của nhà Nguyễn cấp thời Thiệu Trị và Tự Đức; 85 đạo sắc này phong cho 34 thần hiệu. Có thần hiệu phong cho một vị thần, nhưng cũng có thần hiệu phong cho 2 hoặc 3 vị thần. Đây là hệ thống thần linh ở địa phương, gồm có những biểu tượng văn hóa, những biểu tượng khí thiêng sông núi. Nếu là nhân thần thì cũng là những danh nhân sinh tiền có công với dân tộc, có công với địa phương. Các biểu tượng văn hóa (Nhiên Thần) cũng được chia 3 bậc: Thượng, Trung và Hạ. Các biểu tượng này đủ màu sắc: Việt, Hoa, Chăm.

Bên cạnh đó là một bộ 15 sắc văn ở Thanh Đức (Long Hồ), qua đó hậu thế hiểu được “cơ chế” bổ nhiệm quan lại một cách nghiêm minh của người xưa. Sưu tập 15 sắc văn này triều đình Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cấp cho đồn điền Long Nghĩa, Phó Quản cơ Hồ Khắc Trung, con là Hồ Văn Kiên và ông Hồ Văn Thiều quê quán ở tỉnh Vĩnh Long, phủ Định Viễn, huyện Vĩnh Bình, tổng Bình Thành, thôn Sơn Đông (nay là Thanh Đức- Long Hồ). Trong sưu tập này thể hiện rõ tính nghiêm minh người xưa trong việc dùng người qua việc bổ nhiệm, thăng chức, giáng chức, khen thưởng, kỷ luật.

Từ Thần tích quan Tiền hiền Phan Công An, sẽ giúp chúng ta mở rộng tầm mắt, ngưỡng mộ một con người đã có nhiều cống hiến to lớn cho vùng đất Vĩnh Long này.

Tương truyền Quan Tiền hiền người Quảng Đức, họ Phan húy Công An. Thời Gia Long, ông được phong Khâm sai Tiền chi Cai cơ, nhưng sau đó ông tìm cách cáo lão từ quan, và đệ đơn xin khai khẩn đất hoang lập ấp. Ông chiêu mộ nông dân phá rừng lập thôn xóm, ruộng đồng, việc khai khẩn, mở rộng từ Ba Xuyên Giang Đạo đến Long Hồ dinh. Khi một xứ đã thành khoảnh thì ông chọn người đủ tài trí giao cho cai quản, ông lại tiếp tục đến nơi khác để mở mang. Việc làm của ông tạo ra nhiều của cải cho đất nước, dân cư yên ổn, sức mạnh quy tụ lại nhưng không giữ riêng cho mình.

Về sau, ông ra sức chiêu mộ lương dân lập làng Mỹ Thạnh Trung; phá rừng hoang, đuổi thú dữ cải tạo thành ruộng đồng trù phú. Sau đó ông giao lại cho người làng làm chủ. Người các nơi tụ về rất đông, thôn xóm trù mật. Khi ông mất, dân làng lập miếu thờ ở làng Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình.

Tại di tích Minh Hương hội quán ở Phường 5- TP Vĩnh Long hiện nay lưu giữ hơn 3.000 trang tài liệu, phản ánh nhiều mặt không những của riêng người Minh Hương, mà còn của dân cư cả vùng Nam Bộ. Khối tư liệu đặc biệt này được lưu giữ cẩn thận từ thời Gia Long- Minh Mạng- Thiệu Trị- Tự Đức- thời Pháp thuộc cho mãi đến những năm gần đây. Nguồn tài liệu hết sức quý giá, đáng tin cậy này có thể dùng để nghiên cứu về kinh tế- văn hóa- xã hội của Vĩnh Long và vùng đất Nam Bộ từ thế kỷ thứ XIX đến nay. Sưu tập hơn 3.000 trang tư liệu này thật sự là bảo vật vô giá, chưa có nơi nào ở ĐBSCL còn lưu giữ được.

Còn rất nhiều hoành phi, câu đối mang trong mình nó một câu chuyện, một lịch sử thú vị thuộc các hệ thống đình, miếu và gia đình của người dân Vĩnh Long.

Mỗi hiện vật, một sưu tập hiện vật đều mang trong mình một câu chuyện riêng hòa hợp thành câu chuyện chung về lịch sử- văn hóa của vùng đất có bề dày 280 năm lịch sử. Vì nhiều lý do, di sản văn hóa ở Vĩnh Long đang mất dần đi theo thời gian. Nhưng ở những nơi mà di sản văn hóa mang tính hội tụ và có nhiều nét độc đáo như Vĩnh Long, thì đây là những bằng chứng vô giá về tiến trình lịch sử- văn hóa không chỉ của Vĩnh Long mà của toàn Nam Bộ.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh