Nỗi lo bão lũ bất thường

07:05, 22/05/2012

Ngành chuyên môn đánh giá, bão số 1 là cơn bão bất thường nhất trong vòng 40 năm qua. Điều này báo hiệu cho một mùa mưa bão đầy bất trắc cho đồng bằng mà Vĩnh Long cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng.


Chống ngập cho các thị tứ: yêu cầu cấp thiết! Trong ảnh: Kè sông Cổ Chiên hoàn
thành góp phần bảo vệ cho TP Vĩnh Long trước nguy cơ ngập nước.

Ngành chuyên môn đánh giá, bão số 1 là cơn bão bất thường nhất trong vòng 40 năm qua. Điều này báo hiệu cho một mùa mưa bão đầy bất trắc cho đồng bằng mà Vĩnh Long cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng.

Còn nhớ, bão số 1 xuất hiện ngay từ đầu năm và gây ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam Bộ. Tuy không đổ bộ trực tiếp vào Vĩnh Long nhưng trên địa bàn đã xảy ra lốc xoáy, làm sập 27 căn nhà, tốc mái 365 căn, gãy đổ 5 trụ điện, hư hỏng 21ha rau màu, ngập 585ha lúa, khoảng 200ha vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng năng suất,… ước tổng thiệt hại trên 2 tỷ đồng.

Nhận diện “điểm nóng” bão, lũ

Đánh giá của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB- TKCN) tỉnh Vĩnh Long, hiện đê bao kiên cố của tỉnh còn ít, hệ thống thủy lợi chưa đảm bảo ngăn lũ, tình trạng ngập ở mức báo động 3 lên đến 70% diện tích. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của lũ, triều cường năm 2011 đã tác động đáng kể đến hệ thống thủy lợi nội đồng, đường dân sinh, giao thông nông thôn và nội ô các thị trấn, thị tứ.

Nhận thức rõ sự bất thường trong mùa bão, lũ năm nay, tỉnh Vĩnh Long đã nhận diện những “điểm nóng” thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai. Trong đó, vùng ngập lụt là vùng Bắc QL1, có độ ngập lên đến 1m, sâu nhất toàn tỉnh với thời gian ngập lụt lâu hơn những vùng khác, gồm các xã: Thuận An (Bình Minh), Thành Lợi, Mỹ Thuận, Nguyễn Văn Thảnh, Thành Trung, Tân Thành, Tân Hưng, Tân Lược, Tân An Thạnh, Tân Bình, Thành Đông (Bình Tân), Phú Thịnh (Tam Bình), Tân Ngãi, Tân Hòa, Tân Hội, Trường An, Phường 8 (TP Vĩnh Long). Vùng trũng nội đồng từ QL1 đến bờ Bắc sông Mang Thít, độ ngập dao động từ 0,5- 1m và có thời gian ngập cũng khá lâu gồm các xã: Đông Bình, Đông Thành, Mỹ Hòa (Bình Minh), Hòa Thạnh, Hòa Hiệp, Hòa Lộc, Tường Lộc, Loan Mỹ, Bình Ninh (Tam Bình), Long Phước, Phước Hậu, Lộc Hòa, Hòa Phú, Phú Đức, Long An (Long Hồ); vùng từ Nam sông Mang Thít đến giáp ranh tỉnh Trà Vinh, gồm các xã: Tân Quới Trung, Tân An Luông, Hiếu Phụng (Vũng Liêm), Hòa Bình, Xuân Hiệp, Nhơn Bình, Trà Côn (Trà Ôn) và 8 xã cù lao trên sông Tiền và sông Hậu tại 3 huyện Long Hồ, Trà Ôn và Vũng Liêm.

Vùng thường xuyên xảy ra bão, lốc xoáy cũng được nhận diện tại các huyện ven sông lớn. Tuy nhiên do địa bàn tỉnh nhỏ, phân bố tập trung nên bão có khả năng gây ảnh hưởng toàn địa bàn. Riêng lốc xoáy hoạt động không theo quy luật và địa bàn nào. Theo ghi nhận hàng năm, lốc xoáy thường xảy ra ở các huyện Bình Tân, Bình Minh (phía sông Hậu) và Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ (phía sông Cổ Chiên) với mức độ ảnh hưởng ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, trên địa bàn còn có các khu vực đối mặt với nguy cơ sạt lở ven sông cổ Chiên, sông Tiền, sông Hậu và các cù lao trên sông. Đặc biệt, những khu vực có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng thường tập trung ở các đô thị.

Thị tứ với nỗi lo ngập nước

Báo cáo của Ban chỉ huy PCLB- TKCN tỉnh Vĩnh Long cho thấy, nội ô TP Vĩnh Long, cũng như các thị trấn tại các huyện như Mang Thít, Long Hồ, Bình Minh,… cũng chịu sự tác động đáng kể do lũ, với độ ngập từ 15- 30cm, ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình giao thông, cơ quan, công sở, trường học, nhà dân,…


Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng tránh thiên tai giúp giảm nhẹ thiệt hại. Trong ảnh: Người dân xã Thanh Bình (Vũng Liêm) gia cố bờ bao trong đợt lũ năm ngoái.

Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của BCĐ PCLB Trung ương mới đây, giải pháp chống ngập cho các thị tứ một lần nữa được Vĩnh Long kiến nghị với Trung ương. Bởi đây là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, giúp Vĩnh Long ứng phó hiệu quả, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dưới tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét.

Ông Nguyễn Văn Nhân- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCLB- TKCN tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Hầu hết các thị tứ trong tỉnh đều nằm kề các tuyến sông lớn. Trong khi nền đất thấp, bờ sông sạt lở, cộng thêm nước lũ dâng cao đã khiến nhiều nội ô bị ngập. Do đó, bên cạnh việc kiên cố hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, việc đầu tư hệ thống kè chống sạt lở bờ sông được xem là giải pháp tối ưu để chống ngập cho các thị tứ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Phan Anh Vũ, Trưởng Ban chỉ huy PCLB- TKCN tỉnh, nếu như trước đây nước tràn vào các thị tứ thông qua hệ thống cống ngầm thì nay nước đã tràn lên cả đường lộ khi lũ ngoài sông dâng cao, khiến không ít cư dân thành thị không kịp trở tay. Để chống lũ, công tác chuẩn bị là rất quan trọng, một khi “nước đến chân mới nhảy” thì việc chống lũ sẽ không mang lại hiệu quả cao.

Trong một lần làm việc với đoàn kiểm tra của BCĐ PCLB Trung ương trước đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Phan Anh Vũ đã từng kiến nghị Trung ương sớm triển khai dự án ứng phó nước biển dâng ở ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long. Bởi đây mới là giải pháp lâu dài để đối phó với tình trạng ngập lũ tại các thị tứ hiện nay. Mặc dù các địa phương đã và đang cố gắng chống ngập nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, không đảm bảo an toàn và mang tính bền vững. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Xây dựng cần tính toán lại cao trình tại các công trình xây dựng cơ bản ở Vĩnh Long cho phù hợp hơn, bởi với cao trình hiện tại, các công trình không phát huy được hiệu quả ngăn lũ.

Qua kiểm tra thực tế tại Vĩnh Long, ông Trần Quang Quý- Thứ trưởng Bộ GD- ĐT, Ủy viên BCĐ PCLB Trung ương- ghi nhận những kiến nghị hỗ trợ quy hoạch chống ngập của địa phương. Ông Quý cũng cho rằng, ngoài việc khoanh vùng trọng điểm xung yếu thì địa phương cần xây dựng phương án khắc phục hiệu quả và các địa bàn này cần được rà soát, kiểm tra thường xuyên. Trước mắt, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng chống thiên tai trong cộng đồng dân cư cần được đẩy mạnh hơn nữa. Bởi một khi mỗi người dân ý thức rõ việc tự bảo vệ tài sản và tính mạng của chính mình thì hiệu quả phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai sẽ được cải thiện.

Bài, ảnh: LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh