Trong khi nhà nhà tìm mọi cách cứu vườn nhãn bị dịch bệnh chổi rồng thì một số nhà vườn ở xã An Bình (Long Hồ) chuyển sang đào ao nuôi cá điêu hồng giống. Những người đã nuôi “thử nghiệm” cho biết, lợi nhuận gấp nhiều lần so với nhãn…
Nuôi cá điêu hồng giống mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ.
Trong khi nhà nhà tìm mọi cách cứu vườn nhãn bị dịch bệnh chổi rồng thì một số nhà vườn ở xã An Bình (Long Hồ) chuyển sang đào ao nuôi cá điêu hồng giống. Những người đã nuôi “thử nghiệm” cho biết, lợi nhuận gấp nhiều lần so với nhãn…
Phá vườn đào ao
Hơn 2 năm qua, 4 công nhãn da bò- nguồn thu nhập chính của gia đình ông Hà Văn Tôn (ấp An Thới, An Bình- Long Hồ) nhiễm bệnh chổi rồng nặng nên chẳng đem lại huê lợi. Trong khi đó, vợ chồng ông đã ngoài 60 tuổi, ông lại bị bệnh tiểu đường, phải uống thuốc thường xuyên, “nếu giữ mãi vườn nhãn thì… không biết lấy gì ăn”- ông Tôn nói.
Nỗi đắn đo đã được tháo gỡ khi cách nay hơn nửa năm, ông quyết định phá bỏ 700m2 vườn nhãn để đào ao nuôi cá điêu hồng giống, bán cho các lồng bè nuôi cá thương phẩm cặp sông Tiền. Cá con mua từ các trại cung cấp cá giống ở Tiền Giang, nuôi khoảng 2,5 tháng bằng chừng 3 ngón tay (khoảng 35 con/kg) thì xuất ao. Với 25 vạn cá giống, chỉ tốn khoảng 1,25 tấn thức ăn, cùng một ít thuốc phòng bệnh. Tổng chi phí khoảng 15 triệu đồng/đợt nuôi. Tính đến nay, ông đã thu hoạch 2 đợt, lợi nhuận có khi tới tới 22 triệu đồng/đợt. Theo ông, “nuôi cá đạt gấp 10 lần so với trồng nhãn: giỏi lắm chỉ lời được 6- 7 triệu đồng/công/năm”.
Nhẹ vốn, nhẹ công chăm sóc “mỗi ngày chỉ cần cầm thau rải thức ăn xuống ao là xong” đã khiến ông Tôn và một số hộ lân cận mạnh dạn “phá vườn đào ao”. Ông Nguyễn Văn Nhứt (ấp An Long) cũng chuyển 2 công nhãn da bò sang ao nuôi cá và nuôi thêm lồng bè khu vực sông Tiền để có giải pháp “chữa cháy” kịp thời, vượt qua giai đoạn khó khăn. “Vụ vừa rồi, 6 công nhãn thu hoạch chưa đến 100kg, nếu giữ mãi vườn nhãn thì chắc phải… mượn gạo ăn”- ông nói.
Theo ông Phan Văn Chính- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình: Nhãn chổi rồng khiến người dân gặp khó, nên nhiều hộ trồng nhãn cặp sông Tiền đang có xu hướng chuyển sang đào ao nuôi cá để đảm bảo cuộc sống. Dự kiến, sẽ thành lập tổ hợp tác nuôi cá giống điêu hồng do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hỗ trợ kỹ thuật.
Sẽ mở rộng diện tích
Ông Phan Văn Chính cho biết thêm: Toàn xã có 75 hộ nuôi cá điêu hồng với 454 lồng bè. Hiện có 12 hộ nuôi cá điêu hồng giống với 32 ao/13,26ha chủ yếu cung cấp cho các hộ nuôi cá thương phẩm lân cận. Trong đó, có 2ha đào ao mới do 6 hộ trồng nhãn chuyển đổi và con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới…
Từ hiệu quả bước đầu, ông Tôn dự kiến sắp tới sẽ đào thêm khoảng 900m2 mặt nước ao nuôi cá giống. Còn chị Đỗ Thị Hồng Yến (ấp An Thới) có 1.000m2 mặt nước ao tại nhà, nay cũng thuê thêm 4.000m2 mặt nước để mở rộng diện tích chăn nuôi.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề liệu nghề nuôi cá có thể “ổn định”? Ông Tôn cho biết, ông đã tính toán rất kỹ: Nếu sắp tới cá bột không được giá cao, ông sẽ chuyển sang nuôi cá thịt, có thể chọn những loại mang lại giá trị kinh tế cao như: thác lác, sặt rằn… Trước mắt, ông rất vui vì bước đầu, con cá giống đã giúp gia đình ông bớt khó khăn. Bên cạnh, ông vẫn “thủ” cho mình 2 công vườn để giữ cây nhãn, trồng màu và xen lần lượt xoài Đài Loan, chôm chôm Thái.
Ông Nguyễn Văn Hương- Phó Chủ tịch UBND xã An Bình nhận định: “Trước mắt, đào ao nuôi cá đã đem lại thu nhập khá cao cho nông hộ, nhưng xã chưa quy hoạch vùng nuôi, chủ yếu do người dân nuôi tự phát theo nhu cầu thị trường. Nuôi cá giống tuy chưa đến nỗi làm suy thoái môi trường, nhưng cũng là vấn đề đáng quan tâm. Hiện, địa phương vận động nông dân chỉ đốn nhãn khi cây chết và chọn nào cây ngắn ngày trồng trước, cây dài ngày thì trồng sau…”
Có thể nói, việc “đốn nhãn đào ao” hiện là một trong những giải pháp giúp một số nhà vườn vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, cũng có hộ tỏ ra băn khoăn. Ông Nhứt nói: Hiện tôi chưa mở rộng thêm diện tích nuôi cá vì đang chờ cây nhãn… hồi sinh. Thêm nữa, lỡ mai mốt phong trào đào ao nuôi cá lại ồ ạt, cung vượt cầu, lo lại rớt giá và lỗ thì… nguy!” Thiết nghĩ, điều người dân mong mỏi nhất là sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng để có thể an tâm canh tác trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình.
Toàn xã An Bình có hơn 810ha vườn cây ăn trái. Trong đó, nhãn chiếm gần 510ha. Theo điều tra, có 292ha nhãn nhiễm bệnh chổi rồng trên 70%, 162ha nhiễm trên từ 30- 70% và 53,5ha nhiễm dưới 30%.
|
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin