Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh tăng huyết áp được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong. Điều đáng lưu ý ở đây là 90% những trường hợp bệnh tăng huyết áp không có bất cứ biểu hiện ban đầu (vô căn) và di chứng của bệnh để lại rất nặng nề. Người bệnh có thể bị tàn phế và trở thành gánh nặng về tinh thần cũng như vật chất cho gia đình và cả xã hội.
Bệnh tăng huyết áp thường để lại di chứng nặng nề và trở thành gánh nặng
về tinh thần cũng như vật chất cho gia đình bệnh nhân.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh tăng huyết áp được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong. Điều đáng lưu ý ở đây là 90% những trường hợp bệnh tăng huyết áp không có bất cứ biểu hiện ban đầu (vô căn) và di chứng của bệnh để lại rất nặng nề. Người bệnh có thể bị tàn phế và trở thành gánh nặng về tinh thần cũng như vật chất cho gia đình và cả xã hội.
90% trường hợp bệnh là vô căn
Đang sống khỏe mạnh, đi lại, ăn uống bình thường bà Nguyễn Thị Nga (Phường 4- TP Vĩnh Long) đột nhiên té ngã. “Một ngày sau khi mẹ tôi té, sức khỏe yếu dần và hôn mê luôn. Vô bệnh viện mới biết bà bị nhồi máu não do tăng huyết áp”- chị Nguyễn Thị Sáu (con bà Nga) kể. Cũng theo chị Sáu, bà bị cao huyết áp nhưng hàng ngày vẫn thấy sinh hoạt bình thường nên gia đình cũng chủ quan không đưa đi khám bệnh thường xuyên. Cũng may khi nhập viện, bà được điều trị và kịp hồi phục, mặc dù còn rất yếu nhưng bà còn nói được.
Không may mắn như vậy, ông Nguyễn Văn Ngoan (Trung Hiệp- Vũng Liêm) nhập viện trong tình trạng hôn mê và bị liệt nửa người sau một cơn đột quỵ. Chị Nguyễn Thị Mai cho biết: “Bác sĩ nói ba tôi bị xuất huyết não do tăng huyết áp. Đến nay đã 15 ngày rồi nhưng ông vẫn còn hôn mê, hỏi bác sĩ cũng không biết được khi nào tỉnh. Bình thường ở nhà, mặc dù có hơi lẫn nhưng ông vẫn còn khỏe lắm, ai ngờ khi phát bệnh lại như thế này”.
Bác sĩ Lê Thị Yến- Trưởng Khoa Tim mạch lão khoa Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trường hợp như bà Nga và ông Ngoan là không cá biệt. Bởi lẽ, có đến 90% các bệnh nhân tăng huyết áp là vô căn, nghĩa là những dấu hiệu thể hiện bệnh thường không đặc hiệu và người bệnh thường không thấy có gì khác biệt với người bình thường. Chỉ có 10% là có nguyên nhân, thường là do các bệnh khác: khó thở khi ngủ, thường hay đau đầu, mất ngủ, trí nhớ giảm, bệnh thận mạn tính, hẹp eo động mạch chủ, bệnh tắc nghẽn đường niệu, bệnh tuyến giáp hay cận giáp... Ở những trường hợp này, khi bệnh chính được chữa khỏi thì huyết áp thường trở về bình thường.
Những nguy cơ và cách phòng ngừa
Cũng theo bác sĩ Yến, tăng huyết áp thường không gây triệu chứng gì. Ngay cả khi nó gây ra một triệu chứng nào đó thì các triệu chứng này cũng thường là nhẹ và không đặc hiệu (mơ hồ và có thể có trong nhiều loại bệnh khác nhau).
Do vậy, tăng huyết áp thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Bệnh nhân thường không biết mình bị cao huyết áp cho đến khi được đo huyết áp. Có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tăng huyết áp trong cộng đồng như: tuổi cao, hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, khẩu phần ăn không hợp lý (ăn mặn, ăn nhiều chất béo), ít hoạt động thể lực, béo phì, căng thẳng trong cuộc sống, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp… Phần lớn những yếu tố nguy cơ này có thể kiểm soát được khi người dân hiểu biết đúng và biết được cách phòng tránh. Tuy nhiên, theo điều tra của Viện Tim mạch, đa số người dân (khoảng 77%) hiểu sai về bệnh tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ của bệnh. Đây cũng là một trong các nguyên nhân để tỷ lệ bệnh tăng huyết áp ngày càng gia tăng ở nước ta.
Bệnh tăng huyết áp thường dẫn đến nguy cơ gì? Bác sĩ Yến cho biết, các biến chứng là rất nặng nề như: tai biến mạch máu não gây nhồi máu não, xuất huyết não; ảnh hưởng đến tim gây nhồi máu cơ tim, suy tim; ảnh hưởng đến thận gây suy thận; ảnh hưởng đến mắt gây mù lòa và các bệnh động mạch ngoại vi… ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh, gây tàn phế thậm chí là tử vong và trở thành gánh nặng về tinh thần cũng như vật chất cho gia đình bệnh nhân cũng như toàn xã hội. Theo thống kê, bệnh tăng huyết áp là nguyên nhân chính (chiếm 59,3%) gây ra tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim… Như vậy, hàng năm chúng ta phải bỏ một khoản chi phí rất lớn (cả ngàn tỷ đồng) để trực tiếp điều trị bệnh và phục vụ những người bị liệt, tàn phế, mất sức lao động do bệnh này gây ra.
Để tránh bệnh tăng huyết áp, các nhà khoa học đã nghiên cứu và chứng minh cần thực hiện lối sống lành mạnh, khoa học cũng như tránh những nguy cơ nêu trên là các biện pháp chính để phòng ngừa tăng huyết áp cũng như góp phần điều trị bệnh tăng huyết áp hiệu quả nhất.
Năm nay, chủ đề của Ngày Phòng chống tăng huyết áp thế giới là: “Lối sống lành mạnh, huyết áp khỏe mạnh”. Mục đích mà Liên đoàn Tăng huyết áp thế giới phát động ngày này nhằm giúp cộng đồng nâng cao nhận thức và khuyến khích mọi người thực hiện các biện pháp phòng ngừa tăng huyết áp, cũng như kiểm soát tốt huyết áp của bản thân. Hiện, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,5 tỷ người bị tăng huyết áp và 7 triệu người chết do chứng bệnh này. Tại Việt Nam, số người từ 25 tuổi trở lên chiếm 25% tổng số người bị tăng huyết áp. Và theo điều tra của Viện Tim mạch, ở nước ta cứ 4 người thì có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp. Trước nguy cơ bệnh tăng huyết áp ngày càng gia tăng nên từ năm 2011, chương trình phòng chống bệnh tăng huyết áp được đưa vào chương trình y tế quốc gia. |
Bài, ảnh: THANH TÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin