Khối C buồn thỉu

07:05, 13/05/2012

Trước mỗi mùa thi đại học, cũng như nhiều người khác, tôi chăm chú dõi theo, xem “tỷ lệ chọi” ngành nào nhiều, khối gì ít. Phần vì năm nào cũng có em cháu đi thi, phần vì những mối quan tâm mang tính “xã hội”- xem sự “thất sủng” khối C đã đến đâu.

Trước mỗi mùa thi đại học, cũng như nhiều người khác, tôi chăm chú dõi theo, xem “tỷ lệ chọi” ngành nào nhiều, khối gì ít. Phần vì năm nào cũng có em cháu đi thi, phần vì những mối quan tâm mang tính “xã hội”- xem sự “thất sủng” khối C đã đến đâu.

Thực tế, khối C trong mùa thi này vẫn không được mấy sĩ tử dòm ngó. Theo một số trường và Sở GD- ĐT các tỉnh, thí sinh khối C chưa tới 5%. Một trường đại học lừng lẫy như Khoa học xã hội và nhân văn cũng chỉ nhận được gần 900 hồ sơ, kể cả khối D. Lo sợ không đủ chỉ tiêu đào tạo, phải “đóng cửa ngành”, một số trường còn tuyển ngành xã hội với đầu vào là… khối A. Một lớp 12 chuyên Văn chỉ có… 1 học sinh đăng ký thi khối C đã trở thành chuyện bình thường.

Hình ảnh một khối C buồn thỉu đặt ra câu hỏi: Tại sao? Do đâu? Lỗi người dạy, người học, chương trình hay “hoàn cảnh đẩy đưa”?

Điều dễ thấy nhất là khối C ra trường rất ít cơ hội việc làm, có việc làm cũng… không nhiều tiền, không thể nào “giàu thấy ham” và nhiều cơ hội thăng tiến như khối ngành kinh tế, kinh doanh… Học sinh không thích khối C, phụ huynh lại càng không. Không ít bậc cha mẹ cho con vào ngành sư phạm, nhưng dứt khoát “giáo viên Toán” mới chịu, vì có thể dạy thêm thu nhập gấp chục lần lương.

Biết trách ai đây? Trách giáo viên văn không tạo được sự say mê cho các em, trách các nhà làm phim bỏ quên môn sử Việt, hay trách các em chỉ lo “thị trường”… Tôi không hề “bênh khối nào bỏ khối nào”, chỉ nghĩ rằng, một xã hội cũng như một con người, vừa cần tiền, vừa cần thư giãn, vừa cần đọc sách, vừa cần sẻ chia… Nếu chỉ biết có tiền, chắc dễ thành… người ác!

Khi tôi định kết thúc ở đây, thì anh bạn tôi “nhắc khéo” đừng có trách tuổi trẻ bỏ rơi khối C. Mà hãy “quy trách nhiệm” cụ thể cho những ai có thể vực dậy lòng tin của học sinh đối với khối C. Chẳng hạn, như một chương trình giảng dạy không nặng tính giáo điều, “trích đoạn”, hãy để các em thỏa thích sáng tạo với môn Văn, làm giàu với môn Sử hoặc “du lịch” với môn Địa. Các bậc thầy về giáo dục, hãy truyền đạt cho các em lòng đam mê như lửa của mình. Và xã hội, hãy nhìn con người qua kiến thức, qua đạo đức,... chứ đừng chỉ nhìn vào “túi tiền” của họ. Và các nhà quản lý, hãy… Ôi, có đòi hỏi nhiều quá không, trong một câu chuyện cuối tuần?

PHƯƠNG NAM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh