Kỳ cuối: Cần lắm sự giải cứu kịp thời

08:05, 10/05/2012

Cũng như một câu nói dân gian “cưới vợ phải cưới liền tay…”, sự khó khăn của doanh nghiệp (DN) hiện nay rất cần các giải pháp để giải cứu từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhưng phải cứu liền tay, hỗ trợ ngay kẻo không kịp!

>> Kỳ 1: “Vương quốc” gạch, gốm- cầm cự được bao lâu?

>> Kỳ 2: Mắc kẹt trên đống tài sản


Cũng như một câu nói dân gian “cưới vợ phải cưới liền tay…”, sự khó khăn của doanh nghiệp (DN) hiện nay rất cần các giải pháp để giải cứu từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhưng phải cứu liền tay, hỗ trợ ngay kẻo không kịp!

“Đừng vớt hết váng”

Ông Võ Văn Thạch- Giám đốc Công ty TNHH Tư Thạch, dùng hình ảnh váng nước sôi để nói lên thực trạng của DN hiện nay. Bị vây quanh bởi chi phí đầu vào tăng cao, hàng hóa không tiêu thụ được, lại phải chịu lãi suất ngân hàng, nợ thuế. Bây giờ, “DN như nồi nước sôi, sôi bao nhiêu người ta ngồi vớt váng, vớt tới cạn đáy thì thôi”- ông Tư Thạch nói vậy, để minh họa một thực tế trong giai đoạn khó khăn này ngân hàng lại đòi rút vốn, thuế nộp chậm thì bị phạt. Trăm cái khó đổ lên DN, làm ăn không hiệu quả, lỗ lã thì tiền đâu ra?


Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cần tạo ra cơ chế nhằm làm tan băng bất động sản. Vì thế, ngoài việc hỗ trợ cho các DN bất động sản qua cơn khốn khó, điều này còn có ý nghĩa lan tỏa trong các DN khác, đặc biệt là các DN trong ngành xây dựng.

Theo báo cáo của Cục Thuế Vĩnh Long, đến cuối tháng 3/2012, toàn tỉnh số tiền nợ thuế và tiền phạt lên tới trên 335 tỷ đồng. Ngành thuế cũng cho biết trong năm nay, thu ngân sách sẽ rất khó hoàn thành chỉ tiêu do hoạt động của DN không hiệu quả. Trong khi đó, rất nhiều tiền phạt nộp thuế chậm lên tới 40- 50% so nợ gốc. Thậm chí, một số DN tiền phạt còn cao hơn tiền nợ thuế. Ông Nguyễn Văn Lượng- Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, cho rằng: “Nhiều DN hiện nay rất nguy kịch, nợ thuế không phải do chủ quan của họ. Họ kinh doanh đúng ngành nghề, nhưng thua lỗ thì lấy gì đóng thuế. Cần đánh giá cụ thể nguyên nhân để có giải pháp hỗ trợ kịp thời”.

Ông Đào Văn Tâm- chủ cơ sở Hòa Hiệp: “DN rất cần giãn nợ thuế, miễn thuế phạt nộp chậm. Bây giờ sản xuất doanh thu không có, tiền thuế không đóng nổi, lấy đâu tiền nộp phạt”. Vì thế, khoanh nợ, giãn giảm tiền thuế là điều DN mong chờ và rất cần thiết trong giai đoạn này.

Khi được hỏi làm gì để cứu DN, nhiều DN trả lời không đắn đo: “Khoanh giãn nợ và giảm ngay lãi suất, tạo điều kiện DN tái đầu tư, tăng sản xuất lên”. “Tui sản xuất rất tốt, làm rất giỏi nhưng lãi suất ăn hết”- ông Tư Thạch nói rất thật. Thực tế hiện nay, nhiều DN hoạt động cầm chừng, thậm chí ngưng sản xuất do lãi suất cao và nguồn tín dụng khó tiếp cận. Ông Tư Thạch kiến nghị: “Nên cho ngành nông nghiệp vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp, nhằm tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào giảm nhập khẩu. Ngân hàng cho đáo hạn vì nguồn vốn phần lớn đã đầu tư vào tài sản cố định, nguyên vật liệu, hàng hóa tồn kho mà khi đáo hạng phải trả tiền mặt, DN gặp rất nhiều khó khăn. Các khoản vay dài hạn nên cho khoanh, giãn nợ. Những dự án có hiệu quả cần được cho vay vốn dựa trên tài sản thế chấp”.

DN sống còn phụ thuộc rất lớn vào lãi suất ngân hàng, ông Nguyễn Văn Lượng cũng bày tỏ: “Lãi suất cao là bất hợp lý”. Bởi thực tế, lãi suất năm 2011 rất cao 21- 25% và từ đầu năm 2012 tuy có giảm nhưng DN không thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Chưa kể nhiều DN “bí đường” phải đi vay nóng lãi suất “trên trời” 5%/tháng. Đó cũng là một trong những nguyên do khiến nhiều DN lâm vào cảnh “hấp hối”. Chính vì thế, ông Trương Văn Vân- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thầu Vân, nói tha thiết: “Trong thời điểm khó khăn, DN rất cần ngân hàng đồng hành chia sẻ, đây cũng là cách cứu DN và nền kinh tế”.

Rất cần sự đồng hành, chia sẻ

Đây là tâm tư của rất nhiều DN. Nói như lãnh đạo một DN: “DN đang mắc kẹt trên đống tài sản của mình, nếu cơ chế chính sách nhà nước không kịp thời tháo gỡ thì tự thân DN muốn trỗi dậy cũng không nổi. Hơi thở DN sẽ yếu dần mà chết”.

Từ thực tế của DN mình, ông Tư Thạch chia sẻ: “Từ tháng 6/2009, tui chuyển từ gốm sang nông nghiệp. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp, DN mới mạnh dạn đầu tư trại gà ngon lành được vầy. Nhưng bây giờ, lãi suất cao, DN ráng cầm cự rồi cũng… ra đi thôi”. Thế nên, ông Tư Thạch quả quyết: “DN sống còn hay không là do lãi suất. Tôi đề nghị giảm xuống 7- 8%/năm. Với mức này, mới cứu DN vượt qua khó khăn hiện tại, DN sản xuất kinh doanh có lợi nhuận sẽ đảm bảo trả lãi và vốn vay ngân hàng. Nếu DN làm ăn có lãi, không giảm thuế cũng được. Làm ăn không được mà giảm thuế cũng không ăn thua”.

Thật ra, sau thời gian khá thuận lợi, DN phát triển nóng “làm gì lời cũng bắt ham”- nói như một giám đốc DN gốm, nhiều DN đã “thấm đòn” vì “thấy vậy mà không phải vậy”. Do đó, nhiều DN đã tự cơ cấu lại ngành nghề, cải tiến công nghệ, “bỏ bớt râu ria” và tập trung vào thế mạnh. Nhưng rất cần được trợ lực, đồng hành từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chia sẻ từ ngân hàng.

Ông La Văn Cắn- Chủ DN Hoa Viên, nói rất thật: “Vì kinh tế khó khăn nhưng tôi thuận lợi được là có điều kiện hoạt động. Đã cải tiến xây mới 5 lò lớn bằng 15 lò nhỏ trước đây, để tiết giảm chi phí, năng suất cao hơn. 2 trại gà hiệu quả lắm”. Nhưng ông trăn trở: “Tui mê gốm lắm. Nếu có đơn hàng 3 tỷ, tui dám vay nóng 1 tỷ lãi 5%/tháng để đảm bảo đơn hàng, nhưng hiện đầu ra meo quá. Nuôi gà hiệu quả cao, nhưng công ty không tăng tiền gia công. Nếu tui được vay 1,2 tỷ lãi suất ưu đãi, làm vốn đầu tư 2 trại gà thì sống khỏe”. Ông Bùi Hữu Mai- Giám đốc Công ty TNHH Tân Mai, cũng cho biết: “Nhu cầu DN cần 4- 5 tỷ đồng để cân đối hoạt động, làm vốn lưu động. Nếu tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, có chính sách giãn nợ hỗ trợ, hoạt động DN sẽ đi vào ổn định”.

“Mục tiêu của DN là cơ cấu lại sản xuất kinh doanh theo hướng thu hẹp kinh doanh bất động sản, tập trung kinh doanh vật liệu xây dựng, xây dựng các công trình dân dụng và hạ tầng kỹ thuật. Tạo doanh thu, lợi nhuận và ổn định việc làm cho hơn 300 công nhân lao động và trả dần nợ thuế, nợ ngân hàng”- ông Trương Văn Vân cho biết. Chính vì vậy, cũng như nhiều DN, ông Vân nói như ước: “Để giúp DN, tôi tha thiết đề nghị chính sách thuế, cũng như ngân hàng cùng chia sẻ, đồng hành với DN. Chính sách thuế, ngân hàng cần xem xét tình hình thực tế khốn khó của DN, để vận dụng phù hợp, giúp cho DN có cơ hội tồn tại, vượt qua thách thức”.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, một trong những nội dung được đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo thêm tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII khai mạc vào ngày 21/5 tới đây là các giải pháp tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ các DN, hộ gia đình, cá nhân ổn định, phát triển sản xuất. Quốc hội sẽ xem xét gói giải pháp hỗ trợ DN 29.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ công bố tại phiên họp tháng 4 vừa qua.

Gói giải pháp Chính phủ đưa ra gồm: các giải pháp về giãn thuế tác động khoảng 16.000 tỷ đồng (giãn thuế VAT khoảng 12.030 tỷ đồng, giãn thuế thu nhập DN khoảng 3.000 tỷ đồng). Giải pháp miễn giảm thuế thu nhập DN và thuế khoán đối với hộ và thuế môn bài 4.100 tỷ đồng. Giải pháp giảm 50% tiền thuế đất khoảng 1.500 tỷ đồng. Riêng giải pháp lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ (phí sử dụng đường bộ thu theo đầu phương tiện) có hiệu lực từ 1/6 đến 1/1/2013 cũng góp vào giảm nghĩa vụ đóng phí cho DN khoảng 3.000- 3.200 tỷ đồng. Cộng với các giải pháp liên quan đến chi tiêu khoảng 2.670 tỷ đồng.


Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh