Khủng hoảng kinh tế thế giới như một “cơn địa chấn” đổ ập lên đời sống của doanh nghiệp (DN), phải tìm mọi cách tháo chạy, vượt qua. DN gốm chạy qua cá tra, nuôi heo- gà, đóng tàu; DN thủy sản “trú ẩn” ở bất động sản; DN bất động sản lại rơi vào “đóng băng”… Nhiều DN đang mắc kẹt ngay trên đống tài sản của mình.
>> Bài 1: “Vương quốc” gạch, gốm- cầm cự được bao lâu?
Hiện nay, nhiều nhà xưởng bị bỏ trống, vắng vẻ như thế này.
Khủng hoảng kinh tế thế giới như một “cơn địa chấn” đổ ập lên đời sống của doanh nghiệp (DN), phải tìm mọi cách tháo chạy, vượt qua. DN gốm chạy qua cá tra, nuôi heo- gà, đóng tàu; DN thủy sản “trú ẩn” ở bất động sản; DN bất động sản lại rơi vào “đóng băng”… Nhiều DN đang mắc kẹt ngay trên đống tài sản của mình.
Những cú vượt qua ngoạn mục
Sự năng động, nhạy bén ứng phó trước những biến động của các DN làng gốm, đã từng tạo ra bước chuyển ngoạn mục ở tuyến công nghiệp Cổ Chiên. Trước và trong thời điểm xảy ra suy thoái kinh tế năm 2008, gốm xuất khẩu khó tiêu thụ, cạnh tranh giảm giá thiếu lành mạnh, sản lượng giảm mạnh. Nhiều DN gốm đã mở lối tiên phong vào những ngành nghề khác như đóng tàu, sản xuất và chế biến thủy sản, lập trang trại chăn nuôi,… Tuyến công nghiệp Cổ Chiên như “bùng nổ” với hàng loạt xưởng đóng tàu, xà lan vô cùng nhộn nhịp, với những tên tuổi vốn gắn với ngành gốm. Bên cạnh lò gốm nhiều nhà máy chế biến thủy sản đã mọc lên.
Thời gian này, tỷ lệ 50/50 chia đều cho sản xuất gốm và ngành nghề khác nhưng đồng thời cũng tạo nên dấu ấn mới cho làng gốm. Đó là những trang trại đầu tư bài bản, nuôi thủy sản theo quy trình đạt chuẩn như của Tư Thạch, Năm Vàng, Mười Mai,… góp phần đưa công nghiệp vào nông nghiệp thật sự có hiệu quả. Qua đó, tạo nguồn tích lũy cho DN tái đầu tư mở rộng.
Thế nhưng, cuộc vượt qua ngoạn mục đó cũng không thể giúp các DN trụ vững lâu dài trước những “cơn địa chấn” suy thoái âm ỉ, kéo dài.
Ông Võ Văn Thạch- Giám đốc Công ty TNHH Tư Thạch- cho biết những năm qua công ty không ngừng đầu tư đất đai nhà xưởng, mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh. Nhưng từ năm 2008, lạm phát dẫn đến rất nhiều khó khăn. Ngành chăn nuôi gia súc gia cầm (DN hiện có 9 trại gà, 4 trại heo) những năm đầu rất hiệu quả. Nhưng từ năm 2010- 2011, lãi suất ngân hàng, giá điện, xăng dầu, lương công nhân tăng, nhưng công ty không tăng tiền gia công nên hiệu quả không còn cao. Tương tự, ngành sản xuất nước đá luôn cạnh tranh quyết liệt. Và đến nay, ông Tư Thạch kết luận: “Doanh thu phần lớn để đóng lãi ngân hàng nên nguồn vốn để tái sản xuất ngày càng giảm, tạo nên áp lực ngày càng lớn cho DN”.
Cũng đi lên từ gạch ngói và mở rộng đầu tư kinh doanh xăng dầu, nuôi trồng thủy sản, ông Bùi Hữu Mai (Mười Mai)- Giám đốc Công ty TNHH Tân Mai đúc kết: “Bám thủy sản hơn 10 năm, tui thấy nuôi cá bấp bênh, rủi ro lớn”. Nhưng “sóng to không ngã tay chèo”, khi gạch- gốm- cá “đứng sựng”, DN chuyển sang may mặc. Ông Mười Mai cho biết: “Vì đã “lỡ” đầu tư vào tài sản cố định đất đai, nên sẽ tìm giải pháp tận dụng mặt bằng. DN đã có đối tác đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp những sản phẩm trong nhà kính cho thị trường”.
Trăm bề khó
Để đi vào ổn định sau 2 năm chuyển sang may mặc, theo ông Mười Mai, DN đã khắc phục yếu kém về kỹ thuật, tay nghề công nhân. Chấp nhận thuê người quản lý có chuyên môn cao theo giá thành phố. Hiện ngành may có 200 công nhân và có đủ khả năng mở rộng quy mô lớn hơn. Vài ngày nữa, DN sẽ đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất gốm công nghệ mới, cải tiến trên cơ sở lò nung truyền thống, với 30 miệng lò. Dự án đã triển khai, tài sản cố định đã đầu tư, nhưng “vay tiền không được, tài sản thế chấp hết ở ngân hàng, DN rất cần vốn duy trì sản xuất phải làm sao?” Ông Mười Mai không khỏi trăn trở.
Đây là hình ảnh khởi công một nhà máy thủy sản năm 2007, được kỳ vọng
tạo diện mạo mới cho làng nghề gạch gốm, trên tuyến công nghiệp Cổ Chiên .
Là một DN góp phần không nhỏ phát triển đô thị và nhà ở, cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ của tỉnh Vĩnh Long, không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu mở rộng, sản xuất kinh doanh, DNTN Ngọc Vân- Công ty CP Thầu Vân cũng không tránh khỏi ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế. “Mắc kẹt” ở một số dự án bất động sản như khu đất Đinh Tiên Hoàng, Khu thương mại dịch vụ B Vĩnh Long, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Thuận… DN lâm vào tình cảnh khốn đốn, thiếu vốn, hàng hóa không tiêu thụ được, nợ ngân hàng, nợ thuế chồng chất, thu nhập người lao động giảm sút.
Thị trường đóng băng, hàng hóa không bán được, nhiều DN mắc kẹt trên đống tài sản và đang gồng mình chịu nợ lãi suất, nợ thuế. Có DN “ôm” cả đống nhà, cả đống đất nhưng không thể “nhúc nhích” vì bán không ai mua. Có DN thủy sản nợ thuế tiền tỷ do nguyên liệu không bán được, bờ bao sạt lở “cá bơi hết ra sông”. Có DN hàng nông sản xuất khẩu không được, buộc phải tiêu hủy.
Đánh giá nguyên nhân tăng tiền nợ thuế và tiền phạt, Cục Thuế Vĩnh Long đã “điểm danh” các ngành: bất động sản, đóng tàu, gốm xuất khẩu, gạch ngói… Lãi suất ngân hàng “quá trời quá đất”, nhiều DN nói như tâm sự “thà chịu ngành thuế phạt tiền nộp chậm, còn hơn vay tiền để nộp thuế”. Một cán bộ thuế ở Mang Thít đã phân trần: “Các chủ cơ sở, DN thấy cán bộ thuế tới thăm chỉ muốn trốn”. Ngành thuế Mang Thít cũng cho biết năm nay thu ngân sách sẽ cực kỳ khó, do DN làm ăn không hiệu quả, nợ thuế đến nay đã lên tới gần 30 tỷ đồng.
Dù vậy, nhiều DN nói “không muốn chây ì, nợ thuế cũng áy náy lắm, vì làm ăn khó khăn, sản xuất cầm chừng, chứ ai muốn vậy”. Có người hỏi móc ngoéo: “Mần ăn hổng lời sao hổng đóng cửa nghỉ?” Một giám đốc DN từ tốn: “Tui còn uy tín, thương hiệu gầy dựng mấy chục năm. Còn công ăn việc làm cho công nhân. Còn giữ gìn nghề truyền thống…” Nhưng ông cũng “đầy tâm trạng”: “Tui đã cắt một phần đất bán nhưng người ta không mua, người muốn mua lại không có tiền. Tui vắt muốn khô máu rồi, nếu Nhà nước không cứu, tui và rất nhiều DN nữa sẽ chết”.
(Còn tiếp)
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin