Những cơn mưa rào vừa qua đã làm dịu bớt tiết trời oi bức của những ngày hè gay gắt. Một mùa mưa mới lại về đồng bằng. Mùa mưa đem lại nguồn nước dồi dào cho sản xuất và có ý nghĩa đối với đời sống nhân dân trong vùng, đặc biệt ở vùng nông thôn.
Những cơn mưa rào vừa qua đã làm dịu bớt tiết trời oi bức của những ngày hè gay gắt. Một mùa mưa mới lại về đồng bằng. Mùa mưa đem lại nguồn nước dồi dào cho sản xuất và có ý nghĩa đối với đời sống nhân dân trong vùng, đặc biệt ở vùng nông thôn.
Mùa mưa năm nay đến sớm
Hàng năm, gió mùa Tây Nam thổi mang đến một mùa mưa phong phú cho vùng ĐBSCL. Tại Vĩnh Long, số liệu nhiều năm cho thấy: Mùa mưa kéo dài 7 tháng, bắt đầu từ đầu tháng 5 đến hết tháng 11, lượng mưa trung bình từ 1.300- 1.600mm, chiếm từ 94- 97% tổng lượng mưa năm và được xếp vào mức trung bình ở ĐBSCL. Năm có bão, có áp thấp nhiệt đới thì lượng mưa lớn hơn. Tháng 12 và tháng 4 là 2 tháng chuyển mùa, lượng mưa chỉ đạt từ 78- 92 mm/tháng. Mùa mưa bắt đầu và kết thúc thường không ổn định qua các năm. Hai tháng mưa lớn nhất (đỉnh) là tháng 10 (đỉnh chính) và tháng 7 (đỉnh phụ), lượng mưa chênh lệch nhau từ 60- 120mm. Trong mùa mưa, có nhiều trận mưa lớn xảy ra tập trung ở một số ngày, trung bình từ 2-5 ngày mưa có lượng mưa trên 50mm và từ 0,5- 1 ngày mưa trên 100mm gây ngập úng nhiều nơi, nhưng lại có 7- 10 đợt không mưa liên tục 5 ngày hoặc 4- 6 đợt không mưa liên tục 7 ngày gây hạn trên diện rộng, đặc biệt là vào tháng 7, tháng 8 mà dân thường gọi là “hạn Bà Chằn”. Hạn này tuy không nghiêm trọng như hạn vào mùa khô nhưng có nắng nóng kéo dài, gây hại cho lúa Hè Thu và cây trồng cạn.
Hứng, trữ nước mưa trong lu đúng cách giúp hộ dân nông thôn có nguồn nước sạch sử dụng.
|
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng- thủy văn tỉnh Vĩnh Long, mùa mưa năm nay ở các nơi trong tỉnh bắt đầu vào cuối tháng 4 đến 10 ngày đầu tháng 5, sớm hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Tổng lượng mưa toàn mùa mưa ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn TBNN, đạt bình quân từ 1.400-1.800mm. Mưa tập trung nhiều vào các tháng 6, 9 và 10, trong thời gian này có những đợt ít mưa có khả năng xảy ra vào giữa tháng 6, cuối tháng 7 và nửa đầu tháng 8. Thời điểm kết thúc mùa mưa trong khoảng giữa tháng 11 (xấp xỉ TBNN). Nhưng trước đó, vào cuối tháng 3 và cuối tháng 4, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều trận mưa lớn kèm theo giông, gió mạnh làm hư hỏng hàng trăm căn nhà ở các huyện: Bình Minh, Bình Tân, Long Hồ, Tam Bình và TP Vĩnh Long.
Mưa có ý nghĩa đối với sản xuất, đời sống nhân dân
Tuy tỉnh ta có mạng lưới sông, rạch chằng chịt, lượng nước mặt dồi dào nhưng nước mưa rất có ý nghĩa đối với sản xuất nông nghiệp (nhất là lúa Hè Thu đang tăng trưởng) và đời sống nhân dân, đặc biệt là đối với bà con vùng nông thôn, vùng bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng xa sông lớn và ngay cả đối với vùng thành thị. Mưa về làm mát đất, giảm nhiệt độ sau những ngày nắng nóng, cung cấp lượng nước tưới đáng kể cho cây trồng, vật nuôi. Do vậy ngay cả ở vùng ven sông rạch lớn, vùng có nước máy, bà con vẫn hứng nước mưa để dùng. Bạn có thể thấy những lu, khạp được đặt trước nhà hoặc bên hiên nhà để hứng nước mưa. Chị Lê Thị Mười Một, nhà ở Khóm 3, Phường 8 (TP Vĩnh Long) cho hay: Nhà có diện tích chưa đầy 100m2 nhưng khi xây nhà, anh chị cũng dành ít đất xây một hồ khoảng 1,5m3 để chứa nước mưa. Chị dùng nước để giặt giũ, lau nhà và tưới cây. Đã gần 10 năm nay, năm nào cũng vậy, từ tháng 8 đến tháng 11, nhờ hồ chứa nước mưa mà mỗi tháng chị có thêm từ 4-5m3 nước để xài và cũng giúp gia đình chị tiết kiệm từ 15.000- 20.000 đ/tháng chi phí nước máy sinh hoạt.
Cách hứng và chứa nước mưa
Nước mưa tuy trong lành, rất nhiều ưu điểm nhưng không sạch và không vô trùng bởi bị nhiễm bẩn vì chứa nhiều bụi bặm lơ lửng trong không khí, bụi từ mài nhà, máng xối, những dụng cụ hứng, chứa, múc nước mưa, vì tay người và vì lá cây, xác bã, chất phế thải của chim, chuột, côn trùng… trên mái nhà, trên máng xối. Đặc biệt ở vùng công nghiệp bụi khói thì nước mưa bị ô nhiễm nghiêm trọng. Do vậy, nếu cứ thấy nước mưa trong lành mà đem uống sống thì nguy. Tốt hơn hết là nên lọc, đun sôi, để nguội trước khi uống.
Nước mưa đầu mùa thường dơ hơn nước mưa ở giữa hoặc cuối mùa mưa. Có thể thấy nước mưa đầu mùa thường có màu vàng, màu đen hay nâu nhạt, nhất là ở mái nhà lá, do vậy không nên xài nước mưa đầu mùa. Nước mưa hứng từ mái nhà ở gần trục lộ có nhiều phương tiện giao thông qua lại, nhà ở gần khu công nghiệp, lò gạch, nhà máy thường có nhiều bụi hơn nhà ở trong đồng. Do vậy, trước mùa mưa, hộ có điều kiện nên vệ sinh mái nhà, máng xối và súc hồ, lu chứa nước mưa thật kỹ để hứng nước mưa.
Muốn hứng nước mưa từ mái nhà tốt nhất là không nuôi chim bồ câu vì chúng phóng uế, không vệ sinh. Hứng nước mưa mái nhà lá thì phải che vải lọc bụi. Mái tôn xi măng thì hứng nước mưa chỉ để dùng cho giặt giũ hoặc để tưới cây, không nên dùng nấu ăn, uống kể cả cho gia súc vì trong đó có chất thạch miên và Amiang là nguồn gây bệnh ung thư. Lu, khạp chứa nước mưa dù chưa đầy nhưng phải đậy kín để tránh côn trùng và động vật nhỏ chui vào, nhất là muỗi vằn lây truyền bệnh sốt xuất huyết vào đẻ trứng. Nếu lu, hồ chứa lớn quá, không che kín được thì có thể thả vài con cá bảy màu để chúng ăn cung quăng.
Do lượng mưa mỗi năm mỗi khác nên lượng mưa hứng được cũng tùy năm và tùy theo diện tích hứng nước của mỗi nhà. Với lượng mưa trung bình 1.300mm và diện tích hứng nước của mái nhà bạn là 5m x 20m (bằng 100m2) thì mỗi năm bạn có thể hứng được trên 100m3 nước mưa. Có điều là xây hồ và chuẩn bị lu, khạp chứa bao nhiêu là vừa cho mỗi gia đình. Chẳng hạn, bạn đang ở TP Vĩnh Long thì có thể căn cứ số liệu mưa của trạm khí tượng TP Vĩnh Long để tính. Số liệu mưa ở đây cho thấy, trong mùa mưa, trung bình có 2,2 ngày mưa lớn trên 50mm và 0,8 ngày mưa trên 100mm (lượng mưa tương đương từ 80- 110mm). Mái nhà rộng 100m2 của bạn có thể nhận được từ 8-10m3 nước mưa trong những ngày mưa lớn như vậy.
Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà quyết định cỡ hồ, lu chứa nước mưa. Tuy nhiên, có thể thấy là dù không có điều kiện xây hồ, lu chứa nước mưa, dù biết là nước mưa không sạch nhưng mỗi khi có trận mưa rào, bà con thường lấy những vật chứa đựng hiện có trong nhà như thau, thùng... hứng nước mưa để xài. Đây là nét quen thuộc của dân đồng bằng từ trước tới nay mỗi khi mùa mưa về.
Bài, ảnh: HÀ THÀNH THẶNG (TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin