Ngày 10/2/2012, UBND tỉnh Vĩnh Long đã công bố dịch chổi rồng trên nhãn phạm vi toàn tỉnh, nhưng đến nay công tác dập dịch cũng như hỗ trợ nhà vườn bị thiệt hại lại chậm được triển khai.
Ngày 10/2/2012, UBND tỉnh Vĩnh Long đã công bố dịch chổi rồng trên nhãn phạm vi toàn tỉnh, nhưng đến nay công tác dập dịch cũng như hỗ trợ nhà vườn bị thiệt hại lại chậm được triển khai.
Nhiều vườn nhãn ra hoa khá ít.
Cơ sở nào xác định tỷ lệ bệnh, mức độ được hỗ trợ? Nhãn trồng lẻ tẻ nếu xuất hiện bệnh có được hỗ trợ không?… Đó là những câu hỏi được nhiều địa phương băn khoăn tại hội thảo triển khai kế hoạch dập dịch chổi rồng trên nhãn vừa được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long tổ chức.
Nhiều băn khoăn…
Ông Lê Văn Biên- Phó Phòng Kinh tế huyện Bình Minh mở đầu phần ý kiến với khá nhiều câu hỏi, đồng thời đặt vấn đề: Đối với cây lúa khi bị vàng lùn- lùn xoắn lá nếu dựa vào tổng diện tích có thể biết bao nhiêu phần trăm bị bệnh, còn trên nhãn thì hầu hết đều mắc bệnh nhưng mức hỗ trợ thì khác nhau nên không biết dựa trên cơ sở nào để xác định tỷ lệ bệnh cho phù hợp? Ông Biên cho rằng, nếu chỉ hỗ trợ những vườn nhãn có tỷ lệ bệnh từ 30% trở lên, còn dưới mức đó không được hỗ trợ nên dịch bệnh rất dễ lây lan trở lại. “Nên chăng, chúng ta cần hỗ trợ toàn bộ và triển khai dập dịch đồng loạt để tránh lây lan và tái dịch”- ông Biên đề xuất.
Thêm 2 tỉnh công bố dịch chổi rồng
UBND tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ vừa công bố dịch chổi rồng phạm vi toàn tỉnh. Như vậy, đến nay ở ĐBSCL có tổng cộng 7 tỉnh công bố dịch chổi rồng trên nhãn là: Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang và TP Cần Thơ.
|
Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long cho rằng, đối với vườn nhãn trong các cụm- tuyến dân cư nếu mức độ nhiễm bệnh nặng vẫn được hỗ trợ theo quy định. Riêng những vườn nhãn nông dân tự xử lý khi phát hiện chổi rồng là rất đáng trân trọng nhưng theo quy định sẽ không được hỗ trợ. “Chúng tôi đang xem xét, kiến nghị hỗ trợ khoảng 2 triệu đồng/ha cho những vườn đã đốn nhãn mua cây giống trồng lại”- Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm cho biết thêm.
Việc triển khai dập dịch, bà Võ Thị Xuân Mỹ- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Long Hồ cho rằng, từ tháng 5 đến tháng 6 là thời điểm nhiều nhà vườn xử lý nhãn ra hoa, nếu tiến hành cắt, tỉa thời điểm này e rằng nhiều nhà vườn không đồng ý, ảnh hưởng đến kế hoạch đề ra. Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm cho biết, sẽ triển khai theo đúng kế hoạch không thể kéo dài. “Nếu nhà vườn không đồng ý thì triển khai thời gian sau, nhưng nếu dời lại rơi vào thời điểm nước lên cắt cành cây dễ chết. Ngoài ra, nếu tiến hành tập trung, nhà vườn xử lý trái đồng loạt sẽ rơi vào cảnh dội chợ”- Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm nhấn mạnh.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT Bình Tân nêu: Hiện có nhiều vườn nhãn không trồng chuyên mà trồng xen canh với cây trồng khác, tính bằng cách nào? Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm hướng dẫn, sẽ tính theo quy định, số lượng là 200 cây/ha. Ngoài ra, để tránh sử dụng sai mục đích, tiền hỗ trợ sẽ được quy bằng số lượng phân, thuốc qua các lần phun xịt dập dịch.
Dập dịch là phương châm!
Ngoài việc giải thích những băn khoăn, kế hoạch triển khai dập dịch, Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm còn lưu ý các địa phương cần tuyên truyền cho nhà vườn hiểu rõ mục đích của chính sách hỗ trợ. “Dập dịch chổi rồng không để lây lan và tái dịch giúp nhà vườn ổn định sản xuất là phương châm chứ không nên xem hỗ trợ là chính”.
Bên cạnh, Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm cũng đề nghị UBND các xã cần tổ chức thống kê, đánh giá mức độ trên cơ sở khai báo của nhà vườn về diện tích, tỷ lệ nhiễm bệnh đối với diện tích trồng chuyên và xen canh; thành lập hội đồng, tổ chức thẩm định báo cáo về sở, ngành liên quan đúng quy định.
Nhiều nơi nhà vườn đang bỏ phế vườn nhãn.
Theo BCĐ Phòng chống dịch chổi rồng trên nhãn, thời gian thực hiện triển khai dập dịch dự kiến trong khoảng từ tháng 5- 6/2012. Phương pháp thực hiện: tùy theo điều kiện từng địa phương có thể tiến hành đồng loạt hoặc theo phương pháp “cuốn chiếu” và sẽ sử dụng nguồn kinh phí phòng chống dịch từ ngân sách huyện. Từng địa phương sẽ dựa vào diện tích và mức độ nhiễm bệnh trên nhãn, xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí.
“Các địa phương cần thực hiện nghiêm công tác dập dịch, xác định chính xác tỷ lệ bệnh, hỗ trợ đúng đối tượng, tránh phân bì, gây khiếu kiện về sau”- Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm lưu ý.
Khoảng 550 triệu đồng
Đó là nguồn kinh phí sẽ thực hiện chiến dịch phòng chống dịch chổi rồng phạm vi toàn tỉnh. Cụ thể, sẽ thực hiện trên 160 cuộc tuyên truyền tại 7 huyện, thành phố và in ấn biên soạn tài liệu hướng dẫn…
|
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin