Cứ vào giai đoạn lúa thu hoạch rộ là nông dân ĐBSCL lại lâm vào cảnh khổ sở vì thiếu máy móc, phương tiện thu hoạch. Dù được nhà nước hỗ trợ vay vốn để trang bị máy móc phục vụ cho sản xuất, nhưng nông dân lại không mặn mà với máy nội, trong khi mua máy ngoại thì không nhận được những chính sách hỗ trợ.
Cứ vào giai đoạn lúa thu hoạch rộ là nông dân ĐBSCL lại lâm vào cảnh khổ sở vì thiếu máy móc, phương tiện thu hoạch. Dù được nhà nước hỗ trợ vay vốn để trang bị máy móc phục vụ cho sản xuất, nhưng nông dân lại không mặn mà với máy nội, trong khi mua máy ngoại thì không nhận được những chính sách hỗ trợ.
Những chính sách “xé rào” đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân ĐBSCL mua sắm máy móc, trang thiết bị, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nghịch lý nội - ngoại
Từ con số chỉ có vài chục vào năm 2006, đến nay ĐBSCL đã có khoảng 7.000 máy gặt đập liên hợp (GĐLH). Với loại máy này, khi thu hoạch, nông dân chỉ thất thoát sản phẩm từ 2 - 3%. Nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp và khuyến khích nông dân sử dụng máy GĐLH, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 65/2011/QĐ-TTg ngày 2.12.2011 (sửa đổi Quyết định 63/2010/QĐ-TTg đã ban hành trước đó), về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, thủy sản.
Theo đó, tổ chức hộ gia đình, cá nhân được vay vốn và hỗ trợ lãi suất khi mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, nông dân sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất trong hai năm đầu và 50% lãi suất trong năm thứ ba.
Thế nhưng, để được hưởng những chính sách ưu đãi đó, nông dân phải mua các loại máy có giá trị nội địa hóa không được thấp hơn 60%. Trong khi đó, nông dân lại rất sợ máy nội, vì phụ tùng không chuẩn, khó sửa chữa. Toàn TP.Cần Thơ hiện có khoảng 347 máy GĐLH, hầu hết đều là máy ngoại. Nông dân Trần Văn Năm (huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) phân trần: “Tụi tôi sợ máy nội lắm, đang vào mùa thu hoạch, nó mà trở chứng, nằm chết vài ngày là coi như tiêu tùng”. Chính vì vậy, bà con chỉ thích sử dụng máy ngoại (thường là máy Nhật) vì chất lượng cao, dễ vận hành, ít hư hỏng...
Tuy nhiên, theo ông Năm, không phải hộ nào cũng có đủ điều kiện để mua máy ngoại, và họ rất cần sự hỗ trợ của nhà nước. “Muốn ngân hàng gật đầu cho vay vốn thì phải mua máy nội, nhưng...” - ông Năm thở dài.
Địa phương “xé rào”
Trước nghịch lý trên, nhiều địa phương ĐBSCL đã quyết định “xé rào” để cứu nông dân. Ông Phạm Văn Quỳnh - Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ - cho biết, vừa qua sở đã kiến nghị HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 03 hỗ trợ nông dân mua máy GĐLH thí điểm năm 2012. Nghị quyết này đã được UBND thành phố cụ thể hóa bằng Quyết định số 29, về việc hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy GĐLH và máy kéo lớn trên địa bàn.
Theo đó, thành phố đã cho nông dân vay vốn 320 triệu đồng/máy GĐLH và 230 triệu đồng/máy kéo (hỗ trợ 100% lãi suất trong năm đầu và 50% lãi suất trong hai năm tiếp theo), đặc biệt, nông dân có thể mua bất kỳ loại máy nào theo nguyện vọng của mình. “Từ khi có quyết định trên, thành phố đã hỗ trợ cho nông dân mua được 54 máy GĐLH ngoại. Các Cty cũng cam kết sẽ giảm 5% giá bán khi nông dân mua máy”, ông Quỳnh nói.
Tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2011, đã hỗ trợ nông dân mua khoảng 100 máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Với máy ngoại nhập, nông dân vẫn được vay tối đa 60% tổng số tiền mua và vẫn được hưởng những ưu đãi về lãi suất theo Quyết định 65/2011/QĐ-TTg.
Tại tỉnh An Giang, với mức hỗ trợ 20% tổng giá trị máy (nhưng không quá 30 triệu đồng/máy), ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ cho nông dân mua nhiều loại máy ngoại nhập. Ngoài ra, cũng với mức hỗ trợ ấy, nông dân còn có thể mua các loại máy đoạt giải trong các cuộc thi máy nông nghiệp trong nước (dù tỉ lệ nội địa dưới 60%). Tính đến hết năm 2011, nông dân đã mua được 250 máy các loại.
“Nhờ có những chính sách xé rào của địa phương, chúng tôi mới có điều kiện mua máy móc phục vụ sản xuất. Nếu nhà nước có thêm nhiều chính sách hỗ trợ như thế, nông dân chúng tôi sẽ mừng lắm”, nông dân Lý Hoàng Chiến (huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) hồ hởi khoe.
Theo LĐO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin