(VLO) Thông qua 2 trận đấu tháng 3, trong điều kiện thiếu chân sút đẳng cấp Xuân Son, chúng ta thử “soi” bộ khung và định hình lối chơi của ĐT Việt Nam theo ý đồ của HLV Kim Sang-sik ra sao? Dựa vào thực tế trận đấu và các thông số có được, NHM phát hiện khá nhiều điều thú vị.
Trong 2 trận đấu với ĐT Campuchia và ĐT Lào, chỉ có 3 cầu thủ là chơi trọn vẹn 180 phút, gồm: thủ môn Đình Triệu, trung vệ Thành Chung và Duy Mạnh. Có thể kể thêm Bùi Tiến Dũng, khi anh chỉ được thay ra ở phút 89 trận gặp Lào, tổng cộng Tiến Dũng góp mặt 179 phút.
Đây được xem là bộ khung không thay đổi, ít xáo trộn nhất ở khâu phòng ngự của ĐT Việt Nam. Thời điểm này, khó lòng có sự thay thế vị trí của thủ môn Đình Triệu; do đó, 3 thủ môn còn lại tập trung lần này là: Trung Kiên, Văn Việt và Xuân Hoàng không được ra sân phút nào, đây cũng là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, các cầu thủ còn lại không được ra sân là: Thái Sơn, Bảo Toàn và Phạm Lý Đức. Thái Sơn dù đã quen mặt ở cấp độ ĐTQG, nhưng nếu không cải thiện được sức vóc, khả năng tranh chấp mạnh mẽ thu hồi bóng, thì tương lai sẽ khó lòng cạnh tranh vị trí để được đá cặp bên cạnh Hoàng Đức.
Vị trí này chúng ta đã có Doãn Ngọc Tân chơi khá tốt, nhưng không thuộc về tương lai. Tuy nhiên, có một nhân tố mới toanh, cũng mới được ra trận lần đầu nhưng cho thấy tiềm năng rất lớn, đó là Võ Hoàng Minh Khoa, chơi rất tốt bên cạnh Hoàng Đức trong trận gặp ĐT Lào, được HLV Kim Sang-sik đánh giá cao.
Với thể hình, thể lực tốt, lối chơi khá toàn diện, Minh Khoa hứa hẹn điểm sáng ở tuyến giữa của ĐT Việt Nam trong tương lai.
Còn Bảo Toàn sẽ khó có thể chiếm được vị trí trong giai đoạn này bởi hiện tại trong tay HLV Kim Sang-sik đang khá đông đúc các tiền đạo cánh đang chơi quá hay. Với riêng hậu vệ trẻ Phạm Lý Đức có thể xem là “của để dành”, tương tự một xuất lên tuyển “học việc” cho đội hình U.22 là khả dĩ.
Sau 4 cầu thủ chơi gần như trọn vẹn ở 2 trận đấu vừa qua, người có thời gian chơi nhiều thứ 5 là Hoàng Đức, đây là vị trí không cần bàn cãi, khi Hoàng Đức là nhân tố cực kỳ quan trọng trong mọi sơ đồ chiến thuật của ông Kim.
Mẫu cầu thủ chơi bản lĩnh, sáng tạo, là nhân tố tạo nên sự vững chãi, cân đối ở tuyến giữa và mở ra không gian sáng tạo cho phía trên.
Khi không có tiền đạo cắm giỏi và đạt phong độ tốt, HLV Kim Sang-sik đã tạo nên những “cú đấm thép” từ tuyến tiền vệ. Bằng chứng cho thấy trong 7 bàn thắng vừa qua, có 3 bàn thắng từ hậu vệ Văn Vĩ, nhưng Văn Vĩ cũng được 2 kiến tạo từ hàng tiền vệ.
Còn lại 4 bàn thắng là của Hai Long (2 bàn) và Châu Ngọc Quang, Quang Hải mỗi người 1 bàn. Với vị trí chơi của Hai Long và Ngọc Quang, chúng ta có thể gọi là tiền đạo cánh, tiền đạo ảo cũng được mà là tiền vệ hỗ công cũng chẳng sai, với vai trò hơi lùi lại phía sau tiền đạo Tiến Linh, nhưng sẵn sàng làm bóng hoặc trực tiếp săn bàn khi có cơ hội.
Trong khi các tiền đạo đúng nghĩa là Tiến Linh, Tuấn Hải và Thanh Bình đều chưa đạt phong độ cao, thì tuyến hai đã được HLV Kim Sang-sik sử dụng như những miếng đánh đa diện, phong phú và khó đoán định cho đối phương. Đó là thành công lớn của ĐT Việt Nam trong khoảng thời gian “sống thiếu Xuân Son”.
NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin