Vươn xa cụ thể là tiến ra đấu trường châu lục và… thiệt xa hơn nữa là World Cup. Với tình yêu nồng nhiệt dành cho bóng đá nước nhà, cũng nhiều lần chúng ta tự hỏi rằng giấc mơ đó đến bao giờ?
Cũng đã có lúc chúng ta nghĩ rằng mình đã là “số 1 Đông Nam Á”, cần bỏ qua cái mục tiêu… ngự trị “ao làng” bóng đá khu vực mà… tiến thẳng lên tầm thế giới, rồi cũng sớm vỡ lẽ ra là ôi cái mục tiêu xa vời lắm lắm luôn.
Ngay thời điểm ĐT Việt Nam cùng thầy Park gặt hái vô số thành công và rất ổn định trong thời gian dài và ngay như lúc này đây, dù ĐT Việt Nam cùng HLV Kim Sang-sik vừa đá bại Thái Lan cả 2 lượt đi và về để lên ngôi vô địch ASEAN Cup 2024, thì xin thưa nền bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể so bì với người Thái. Hãy nhìn nhận một cách khách quan để thấy rõ sự thật đó, chúng ta đừng… sĩ diện hão.
Sự thành công của ĐTQG chưa thể chứng minh đó là thành công của cả một nền bóng đá. Hệ thống sân bãi, hệ thống giải đấu quốc gia, khâu đào tạo trẻ… của bóng đá Việt Nam vẫn còn thua xa người Thái. Nhiều cầu thủ Thái Lan đã xuất ngoại thường xuyên, họ trụ lại được ở những giải đấu của các quốc gia có nền bóng đá tiên tiến. Cụ thể như Nhật Bản, thậm chí có cầu thủ Thái Lan còn trở thành trụ cột nhiều năm ở CLB thuộc giải đấu hàng đầu Nhật Bản.
Còn nhìn lại mà xem tất cả những ngôi sao lớn của bóng đá Việt Nam có thể nói chưa có ai trụ được thành công khi xuất ngoại, trong khi đây mới chính là một trong những con đường quan trọng nâng tầm ĐTQG, nâng tầm nền bóng đá quốc gia. Thái Lan cũng là quốc gia ngự trị bóng đá Đông Nam Á với thời gian lâu nhất, nhiều thành tích nhất, nhưng cho tới nay họ cũng chưa thể hiện thực hóa giấc mơ “bơi ra biển lớn”.
Các nước Đông Nam Á dường như… phát sốt với phong trào nhập tịch, có nước còn nhập tịch… điên cuồng, chắc chắn rồi cũng sẽ chẳng đi tới đâu giả dụ may mắn có được dự Wolrd Cup đi chăng nữa thì đó cũng là thỏa mãn lòng sĩ diện hảo trong giai đoạn nhất thời mà thôi, sau đó mọi thứ sẽ như “quả bóng xì hơi” khi mà nền tảng quan trọng nhất, căn cơ nhất của nền bóng đá nước nhà chưa thực sự phát triển.
Bởi nhập tịch cũng chỉ là động lực, khơi dậy tiềm lực; nhưng công tác đào tạo trẻ, công tác đưa cầu thủ xuất ngoại đến những nền bóng đá tiên tiến, cùng với giải đấu chuyên nghiệp trong nước phát triển mới thực sự làm cho nền bóng đá quốc gia phát triển bền vững, thực sự lên tầm cao mới. Và đó là lúc chúng ta có thể… bơi ra đấu trường châu lục.
NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin