Câu chuyện thể thao:
Chiến lược, tầm nhìn thể thao Việt Nam

07:26, 23/11/2024

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đặt ra 2 vấn đề lớn, mục tiêu lớn cho riêng lĩnh vực thể thao đó là hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật và đặt ra mục tiêu thành tích cao cho ngành thể thao.


Quy hoạch nêu cụ thể: “Xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống trung tâm huấn luyện quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu của đào tạo, huấn luyện và nâng cao thành tích các đại hội thể thao châu lục và thế giới. Nghiên cứu, đầu tư xây dựng trung tâm huấn luyện quốc gia trọng điểm thuộc Khu liên hợp quốc gia Mỹ Đình (nếu phù hợp) để phục vụ huấn luyện cho VĐV các môn thể thao trọng điểm, xác định mục tiêu HC tại đại hội thể thao châu Á và đại hội thể thao thế giới. 


Tổ chức phân bố mạng lưới các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và trung tâm vệ tinh tại các khu vực, địa phương phù hợp với điều kiện tự nhiên, cơ sở vật chất… đáp ứng yêu cầu huấn luyện chuyên sâu và tổ chức thi đấu các môn thể thao thế mạnh, trọng điểm được sắp xếp hợp lý về tổ chức quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu quả”.


Đối chiếu với thực tế, hệ thống các trung tâm huấn luyện thể thao thành tích cao, hệ thống các sân bãi, nhà thi đấu của Việt Nam còn yếu và thiếu so với các nước trong khu vực, vừa mất cân đối về địa lý, chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức những sự kiện thể thao mang tầm châu lục.


Trong quy hoạch đặt mục tiêu hướng đến khả năng đáp ứng yêu cầu tổ chức đại hội thể thao châu Á và đại hội thể thao thế giới. Đồng thời đặt mục tiêu HC ở các môn thể thao thế mạnh ở tầm châu lục và thế giới. Cho đến giờ Việt Nam đã tập trung nguồn lực tổ chức 2 kỳ SEA Games và thể thao Việt Nam luôn nằm trong top đầu tại các kỳ đại hội thể thao khu vực này. Thậm chí, có một số môn thể thao Việt Nam thống trị về thành tích, HC ở các kỳ SEA Games; nhưng Việt Nam lại bị các nước trong khu vực Đông Nam Á “vượt mặt” tại các đấu trường thể thao chính thống của châu lục và thế giới, họ đã bỏ chúng ta khá xa.


Có phải Việt Nam thiếu nhân tài hay do tầm nhìn, công tác quản lý và huấn luyện, đào tạo? Tại Olympic vừa qua, Việt Nam trắng tay sau nhiều kỳ đại hội này được tổ chức, kể cả ở một vài môn được xem là thế mạnh truyền thống; trong khi các nước trong khu vực Đông Nam Á đã chứng tỏ thực lực ở tầm thế giới.


Chúng ta đang loay hoay với các kỳ SEA Games và mới đây là những vấn đề mang tính “truyền thống” của các nước chủ nhà tổ chức, nhằm tối ưu hóa thế mạnh của nước chủ nhà để giành vị trí đứng đầu. Đã đến lúc cần xem SEA Games là “ngày hội vui vẻ” trong khu vực, cuộc hội ngộ rèn luyện hơn là cuộc thi đấu đỉnh cao công bằng thực sự. Cần hướng đến mục tiêu thể thao đỉnh cao, tập trung mạnh mẽ, có định hướng chiến lược cho những môn thế mạnh hướng tới đấu trường châu lục, đấu trường thế giới và hướng đến mục tiêu khả năng tổ chức những sự kiện thể thao lớn của châu lục và thế giới.
•    NGỌC TRẢNG
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh