Đó sẽ là điều nhiều NHM bóng đá Việt Nam đang chờ đợi nhất. Nhưng cho dù có theo lối chơi nào, triết lý bóng đá gì, thì sự thành công của một đội bóng luôn đòi hỏi sự “trùng khớp” giữa năng lực, chất lượng cầu thủ và năng lực xây dựng chiến thuật của HLV.
Điều thường thấy trong bóng đá, nhất là bóng đá hiện đại, thì một đội bóng “đầy sao” chưa chắc thành công với một HLV nào đó; nhưng một đội bóng trung bình vẫn có thể làm nên chuyện với một HLV vừa giỏi vừa phải phù hợp. HLV Hector Cuper của ĐT Syria khẳng định: “Không lối chơi nào là lỗi thời, quan trọng là lối chơi ấy có phù hợp với cầu thủ hay không”.
Với hai vị HLV tiền nhiệm của ông Kim Sang-sik tại ĐT Việt Nam đã phần nào chứng minh những điều trên. Tuy nhiên, bên cạnh sự thành công và thất bại của một HLV còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố chuyên môn và ngoài chuyên môn nữa. Nhưng nếu chỉ nhìn vào khía cạnh chuyên môn, rõ ràng ĐT Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo và HLV Philippe Troussier đã đi theo 2 trường phái hoàn toàn khác nhau. Còn giờ đây, điều quan trọng là sự chờ đợi một ĐT Việt Nam sẽ “mới” như thế nào dưới triều đại HLV Kim Sang-sik.
Cuộc cách mạng chiến thuật bất thành của HLV Troussier đặt ra câu hỏi cho ĐT Việt Nam: nên trở về triết lý phòng ngự phản công thời HLV Park Hang-seo, hay tiếp tục những gì ông Troussier làm, đó là xây dựng lối chơi chủ động và áp đặt, nhưng theo cách hợp lý hơn. Bình luận viên Vũ Quang Huy khẳng định: “Nếu muốn tiến bộ, hay xa hơn là dự World Cup, ĐT Việt Nam không nên trở về lối cũ phòng ngự phản công, mà phải đá chủ động hơn”.
Tuy nhiên, khi còn huấn luyện CLB Jeonbuk Hyundai Motors, ông Kim Sang-sik theo chủ nghĩa an toàn và thực dụng. Trang K-League United phân tích: HLV Kim áp dụng lối chơi kiểm soát bóng an toàn cho Jeonbuk sau khi ghi bàn, thay vì tiếp tục tìm kiếm thêm bàn thắng. Quá nửa số chiến thắng ở mùa 2022 của thầy trò ông Kim chỉ có cách biệt 1 bàn. Dưới thời HLV người Hàn Quốc, Jeonbuk luôn đứng trong nhóm phòng ngự tốt nhất giải.
Bởi vậy, khi HLV Kim Sang-sik gọi lại nhiều nhân tố chủ chốt dưới thời ông Park Hang-seo, dễ hình dung ông Kim sẽ đi con đường giống người tiền nhiệm đồng hương, nhưng sẽ là một “phiên bản nâng cấp”. Với lối chơi không nhất thiết phải chuyển hẳn sang tấn công, mà vẫn có thể ưu tiên phòng ngự chắc chắn, nhưng cần đẩy hàng thủ dâng cao thêm từ 10-15m, hay tràn đội hình lên gây áp lực lớn hơn, có nhiều mảng miếng triển khai hơn.
Đó là những gì ĐT Việt Nam chơi những trận đầu tiên cùng HLV Kim Sang-sik, khi gặp Philippines và Iraq: vẫn ưu tiên phòng ngự, nhưng chủ động lựa chọn thời cơ tấn công. Hình ảnh các cầu thủ tràn lên áp sát quyết liệt để ngăn đối thủ triển khai bóng, phối hợp đập nhả ngẫu hứng cùng nhau có thể là đặc trưng lối chơi mà ông Kim sẽ xây dựng trong thời gian tới.
Điều quan trọng là cầu thủ phải có nền tảng thể lực và tâm lý tốt, biết điều tiết trận đấu, chọn thời điểm để bung sức, kiểm soát được nhịp chơi. Mọi thứ càng sáng tỏ hơn khi thầy trò ông Kim có 2 trận đấu giao hữu tới đây với Nga và Thái Lan.
- NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin