Vấn đề nhập tịch cầu thủ Việt kiều

06:05, 03/05/2024

Cầu thủ nhập tịch chưa phải là ưu tiên số một của bóng đá Việt Nam; nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta nên tận dụng nguồn lực này như thế nào, với những bước đi nghiêm túc nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cũng như bù đắp cho những điểm yếu về tố chất con người Việt Nam trong khoảng thời gian ngắn trước mắt. Tuy nhiên, đây có phải là bài toán lâu dài, bền gốc của một nền bóng đá?

Cầu thủ nhập tịch chưa phải là ưu tiên số một của bóng đá Việt Nam; nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta nên tận dụng nguồn lực này như thế nào, với những bước đi nghiêm túc nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cũng như bù đắp cho những điểm yếu về tố chất con người Việt Nam trong khoảng thời gian ngắn trước mắt. Tuy nhiên, đây có phải là bài toán lâu dài, bền gốc của một nền bóng đá?

Bình luận viên Ngô Quang Tùng cho rằng: “Việt Nam có 6 triệu kiều bào nhưng phần đông tập trung ở Mỹ- quốc gia chưa có hào hứng mạnh mẽ với bóng đá. Điều này rất khác với nguồn kiều bào của Indonesia tập trung ở Hà Lan, nơi có truyền thống bóng đá mạnh hàng đầu thế giới. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn cần đầu tư nghiêm túc hơn để tận dụng nguồn tài nguyên Việt kiều tại châu Âu và Mỹ.

VFF phải coi đó là chiến lược nghiêm túc, với những chuyên gia “săn đầu người” rộng khắp, với tiêu chí rõ ràng. Câu chuyện của Nguyễn Filip cho thấy vẫn còn rất nhiều rào cản ngăn bước chân cống hiến cho quê hương của những VĐV Việt kiều. Chúng ta sẽ cần xử lý theo chiến lược mới của điều chỉnh chính sách, với sự hỗ trợ đồng bộ của các bộ, ban, ngành khác. Tất nhiên, về cơ bản thì Việt Nam phải chú tâm cải thiện hơn nữa chất lượng đào tạo trẻ trong nước vẫn đang chưa thực sự tốt”.

Trong khi đó, bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng: “Về lâu dài thì Việt Nam vẫn cần khai thác tốt hơn nguồn cầu thủ Việt kiều. Những thông tin trên mạng cho thấy hiện có một lực lượng các cầu thủ trẻ đang chơi bóng và mong muốn khẳng định mình ở châu Âu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn gặp rào cản về chính sách, chưa có ưu tiên đặc biệt tiền lệ cho VĐV đặc biệt xuất sắc như Indonesia, Thái Lan.

Có thể thấy Thái Lan và Indonesia đang tiến bộ nhanh nhờ những tỷ phú làm chủ tịch LĐBĐ, giúp có được những quyết sách và cách làm mạnh mẽ. Nhưng nếu VFF thực sự quyết tâm vẫn có thể khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn lực Việt kiều đang chơi bóng trên thế giới”.

Nhập tịch chỉ nên là một giải pháp bổ sung thứ yếu, nó không nên là một chiến dịch ồ ạt nhằm tạo nên thành tích cho một giai đoạn trước mắt. Bài toán quan trọng đào tạo trẻ cùng với đó là vấn đề “xuất khẩu” hơn là “nhập khẩu” cầu thủ. Nhiều ý kiến đặt ra vấn đề nhập tịch cầu thủ, có lẽ cũng là đang “sốt” với thành tích và sự thăng tiến… chóng mặt của Indonesia.

Bóng đá Indonesia đang thăng tiến mạnh mẽ nhờ chính sách nhập tịch. ĐTQG Indonesia đã vượt mặt Việt Nam để cầm chắc tấm vé vào vòng loại thứ 3 World Cup đầu tiên trong lịch sử, trong khi ĐT U.23 Indonesia vào đến bán kết Giải U.23 châu Á, tranh suất dự Olympic Paris. Sự lột xác nhanh chóng ấy là kết quả từ chiến lược nhập tịch mạnh mẽ của LĐBĐ Indonesia (PSSI) dưới thời Chủ tịch Erick Thohir.

Mới nhất, PSSI đã hoàn thành nhập tịch thủ môn Maarten Paes, 26 tuổi, sinh ra lớn lên ở Hà Lan nhưng có bà ngoại là người Indonesia. Thủ thành cao 1,91m này từng khoác áo các ĐT U.19, U.20 và U.21 Hà Lan, hiện đang khoác áo CLB Dallas tại MLS (Giải Nhà nghề Mỹ). Với Maarten Paes, PSSI đã hoàn thiện được một đội hình 11 cầu thủ nhập tịch cho ĐT Indonesia.

Những ngôi sao khác đã được PSSI bổ sung gồm: Elkan Baggott, Marc Klok, Jordi Amat, Sandy Walsh, Shayne Pattynama, Ivar Jenner, Rafael Struick, Justin Hubner, Jay Idzes và Nathan Tjoe-A-On.

Theo truyền thông Indonesia, tỷ phú Erick Thohir chưa dừng lại ở đó mà vẫn tiếp tục săn tìm những ngôi sao đang chơi bóng ở châu Âu để hướng ĐT xứ vạn đảo chen vào tốp đầu châu Á.

Chắc chắn, chính sách nhập tịch ồ ạt không phải là cách làm hay, dù nó “thỏa mãn” trước mắt số đông NHM và làm… đẹp thành tích của các quan chức bóng đá trong một nhiệm kỳ nào đó.

NGỌC TRẢNG

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh