Nhìn khán đài đầy ắp, đỏ rực màu cờ sao dù U.22 Việt Nam thi đấu trên đất Campuchia, đủ thấy tình yêu và sự kỳ vọng lớn lao thế nào của NHM đối với bóng đá nước nhà.
Tình huống U.22 Việt Nam gỡ hòa 2-2 trước U.22 Indonesia.Ảnh: Chụp màn hình |
(VLO) Nhìn khán đài đầy ắp, đỏ rực màu cờ sao dù U.22 Việt Nam thi đấu trên đất Campuchia, đủ thấy tình yêu và sự kỳ vọng lớn lao thế nào của NHM đối với bóng đá nước nhà.
Vậy nên, một thất bại có phần cay đắng, nó như… xát muối vào lòng và mỗi người có cách nghĩ, cách đánh giá khác nhau. Nhưng chắc chắn một điều, những CĐV chân chính sẽ không bao giờ ngừng yêu, ngừng ủng hộ đối với các ĐT bóng đá nước nhà.
Dù có giải thích thế nào cũng khó mà “tiêu hóa” nỗi trận đấu vòng bán kết trước U.22 Indonesia. Nhưng cũng cần bình tĩnh nhận diện bản chất của thất bại- không phải là sự ngụy biện, để dần hoàn thiện đội bóng non trẻ trên một hành trình mới.
Sự non nớt, thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh là điều quá rõ ràng và để khắc phục không gì hơn là thực chiến, thực đấu trên nhiều mặt trận, đấu trường từ trong nước đến các giải đấu quốc tế.
Nhìn riêng ở SEA Games 32, đội bóng trong tay ông Philippe Troussier đang tốt dần lên, nhưng tử huyệt chính là tâm lý.
Trận đấu hay nhất cho tới giờ này chính là trận gặp U.22 Thái Lan, cũng bởi vì các cầu thủ không bị áp lực của thắng thua, nên lối chơi trở nên cực bốc, thăng hoa và thanh thoát trong những đường chuyền phối hợp.
Nhưng khi gặp Indonesia đây cũng là trận đấu chúng ta hoàn toàn đạt những chỉ số hơn đối thủ qua các thống kê, chính U.22 Việt Nam mới là người nắm giữ “số phận” trận đấu, nhưng cũng chính tâm lý và sự non nớt đã dẫn đến những sai sót cá nhân và ảnh hưởng lớn đến những tình huống quyết định có thể kết liễu đối thủ.
Vì thế cho nên, nếu nhìn nhận thất bại dưới góc độ tích cực thì đây là bài học cần thiết đối với các cầu thủ trẻ chưa nếm trải nhiều trận chiến.
Đó cũng chỉ là thất bại của những tình huống, trong một trận đấu cụ thể, mọi chuyện thắng thua là bình thường. Điều đáng nói là chúng ta cũng nhận thấy những tín hiệu tích cực ngay khi kết quả trận đấu quá cay đắng.
Còn vấn đề sâu xa hơn, những giải pháp, những liệu pháp tinh thần và cuộc đối đầu còn lại với U.22 Myanmar tất cả đó là chuyện của HLV Philippe Troussier và đội ngũ trợ lý của mình.
Chính ông là người hiểu rõ nhất cầu thủ của mình, chính ông là người chịu trách nhiệm cao nhất đối với đội bóng trong cả một hành trình dài phía trước chớ không riêng gì giải đấu này.
Chẳng có NHM bóng đá nào muốn nhìn thấy đội bóng của mình thất bại, nhưng chẳng có thành công nào không va vấp, nếm trải những khó khăn. Làm sao để cầu thủ trẻ cứng cáp hơn, trưởng thành hơn từ những sai lầm, thì những thất bại trở nên giá trị biết bao.
Một hành trình mới bắt đầu, lớp cầu thủ mới chưa có nhiều điều kiện tham gia thi đấu đỉnh cao và một triết lý bóng đá mới để nâng tầm các ĐTQG, cần phải có thời gian, đó là điều chắc chắn.
Chưa thể quên những hình ảnh đáng buồn ở trận bán kết, nhưng vẫn không hề suy giảm tình yêu và niềm tin với đội bóng của ông thầy người Pháp.
Và chúng ta tin chắc rằng, U.22 Việt Nam sẽ vượt qua mọi thách thức để tiếp tục trình diễn thứ bóng đá hay nhất, đẹp nhất và hiệu quả nhất vào chiều nay (16/5) trước U.22 Myanmar để ít ra có chiếc HCĐ tại SEA Games 32, như chút vốn “lận lưng” an ủi phần nào sự ủng hộ và tình yêu mến quá lớn lao của NHM Việt Nam.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin