SEA Games 31 lẽ ra được tổ chức vào năm 2021, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên được lùi sang năm 2022. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp thì việc Việt Nam quyết tâm, nỗ lực tổ chức SEA Games 31 mang rất nhiều ý nghĩa.
SEA Games 31 lẽ ra được tổ chức vào năm 2021, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên được lùi sang năm 2022. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp thì việc Việt Nam quyết tâm, nỗ lực tổ chức SEA Games 31 mang rất nhiều ý nghĩa.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều tới mọi mặt đời sống trên toàn xã hội kể từ khi nó bùng phát vào năm 2019. Nhiều giải đấu thể thao trên thế giới, châu lục và khu vực phải hủy bỏ vì sự tàn phá nặng nề của đại dịch này. Đại hội thể thao Đông Nam Á cũng chịu ảnh hưởng của đại dịch khi phải lùi tổ chức 1 năm so với kế hoạch ban đầu.
Việc Việt Nam quyết tâm tổ chức SEA Games 31 là nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban ngành đoàn thể và những người làm thể thao. Được tổ chức SEA Games đã là niềm vinh dự, nhưng tổ chức trong bối cảnh đại dịch vẫn đang tồn tại là điều đặc biệt hơn cả. Nó không những cho thấy vai trò, trách nhiệm của Việt Nam với khu vực Đông Nam Á mà còn là lời khẳng định, Việt Nam sẽ nỗ lực tất cả, làm hết sức có thể để “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”.
Các quan chức của Chính phủ và ngành Thể thao Việt Nam trong buổi lễ xuất quân của Đoàn Thể thao Việt Nam |
Đây là lần thứ 2 Việt Nam tổ chức SEA Games, chia sẻ với VOV.VN, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao cho biết: “Sau kỳ SEA Games 2003 thì hệ thống đào tạo vận động viên cấp cao và lực vận động viên của Việt Nam được duy trì tương đối ổn định ở các môn thể thao. 10 năm trở lại đây chúng ta bắt đầu chuyển hướng sang các môn Olympic.
Theo tôi đây là sự khác biệt lớn nhất của SEA Games 31 so với kỳ đại hội năm 2003 cũng tổ chức tại Việt Nam”.SEA Games 31 chính thức khai mạc vào ngày 12/5 và sự kiện sẽ diễn ra đến 23/5/2022 với 40 môn thể thao (526 nội dung thi đấu). SEA Games 31 được tổ chức tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố lân cận. Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31 với có số lượng thành viên là 1.341 người, trong đó có gần 1000 vận động viên.
Với nền tảng như vậy và lực lượng vận động viên hùng hậu, sự hỗ trợ của các huấn luyện viên và chuyên gia hàng đầu, mục tiêu của Đoàn Thể thao Việt Nam phấn đấu giành khoảng 140 HCV để xếp ở tốp đầu. Tuy nhiên, quan điểm của Việt Nam là tổ chức công bằng, trung thực không có chuyện tận dụng quyền chủ nhà để "vơ vét" huy chương bằng mọi giá để dẫn đầu đại hội.
Trả lời phỏng vấn VOV.VN, ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 cho biết: “Tổ chức SEA Games 31 khác hoàn toàn so với các kỳ đại hội trước đó. Bởi vì những lần tổ chức trước chưa lần nào Đông Nam Á tổ chức tất cả các môn Olympic, tổ chức hết nội dung, nhưng lần này Việt Nam tổ chức hết.
Do đó, sẽ không có chuyện nước chủ nhà mạnh nội dung nào thì đưa vào thi đấu và cắt bỏ thế mạnh của các đoàn thể thao khác. Ở kỳ đại hội này, các đoàn sẽ thi đấu sòng phẳng ở tất cả các nội dung. Việc cạnh tranh giành huy chương và thứ hạng trên bảng tổng sắp sẽ rất quyết liệt. Không có chuyện nước chủ nhà hơn các nước khác hơn tới 70-80 HCV”.
Bên cạnh việc tổ chức chuyên nghiệp, trung thực và hướng đến tinh thần cao thượng, Ban tổ chức SEA Games 31 cũng đề cao sự công bằng, không có chuyện chia huy chương như nhiều kỳ đại hội trước đó. Các nội dung thi đấu phải có ít nhất 3 đoàn đăng ký tranh tài và Ban tổ chức chỉ trao hai bộ huy chương, đó là HCV và HCB chứ không trao HCĐ.
Lễ thượng cờ 11 quốc gia tham dự Sea Games 31 |
Lễ thượng cờ 11 quốc gia tham dự Sea Games 31 |
SEA Games là đấu trường để các nước trong khu vực Đông Nam Á làm bàn đạp phát triển thể thao, hướng tới những sân chơi lớn hơn là ASIAD và Olympic. Tuy nhiên, có một nghịch lý vẫn luôn tồn tại bấy lâu ở Đại hội thể thao Đông Nam Á là nước nào làm chủ nhà thì phần lớn là nhất toàn đoàn. Thậm chí có những kỳ đại hội, số HCV của nước chủ nhà gần gấp đôi đội xếp phía sau.
Nguyên nhân sâu xa là các nước chủ nhà muốn quảng bá các môn thể thao bản địa, giới thiệu đến bạn bè trong khu vực nên đã đưa vào chương trình thi đấu. Do có ít thời gian làm quen, tập luyện nên khi vào thi đấu, các vận động viên trong khu vực không thể đánh bại được vận động viên của nước chủ nhà hoặc có thì cũng rất hiếm và nó cũng nằm trong thỏa thuận của các bên. Chính vì lẽ đó mà SEA Games dần đi xa khỏi tinh thần và mục đích ban đầu nên thường bị gắn mắc là giải đấu “ao làng”.
Những kiểu tổ chức để vơ vét huy chương như vậy khiến các kỳ SEA Games để lại ký ức không đẹp và nó không giúp ích được quá nhiều cho các nước trong khu vực khi tham gia tranh tài ở ASIAD cũng như Olympic. Bằng chứng là khi bơi ở “biển lớn” như ASIAD hay Olympic thành tích của các đại diện khu vực Đông Nam Á rất khiêm tốn, thậm chí còn thụt lùi trong thời gian gần đây.
SEA Games là đấu trường để các nước trong khu vực Đông Nam Á làm bàn đạp phát triển thể thao, hướng tới những sân chơi lớn hơn là ASIAD và Olympic |
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng, các nước chủ nhà bị áp lực giành huy chương và một phần do điều lệ giải: “Vấn đề này lỗ hổng và khiếm khuyết là ở điều lệ, nó tạo điều kiện cho việc thiếu lành mạnh trong thi đấu. Đến nước nào làm thì lợi dụng thế mạnh của mình để cải thiện thứ hạng trên bảng tổng sắp huy chương.
Trong điều lệ thì các môn điền kinh và thể thao dưới nước là bắt buộc ngoài ra tối thiếu là 14/28 môn thể thao Olympic hoặc 2 đến 8 môn thể thao khu vực. Do đó, người ta tăng thể thao khu vực giảm bớt các môn Olympic, có những đại hội chỉ có 10 môn thể thao Olympic và điều này là do điều lệ quy định nên người ta có thể phát huy. Khi Việt Nam tổ chức năm 2003 điều lệ vẫn tồn tại và đến bây giờ cũng vậy”.
Singapore có thể coi là nước đi tiên phong trong việc đổi mới để nâng cao chất lượng chuyên môn, hướng tới mục tiêu nâng tầm thể thao khu vực. Ở kỳ SEA Games 2015, quốc gia này đã cắt bỏ nhiều môn thể thao “truyền thống” để đưa vào đại hội các môn thể thao Olympic.
Đó cũng là kỳ SEA Games mà chủ nhà không dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương, khi Singapore chỉ đứng thứ 2 với 84 HCV, xếp sau Thái Lan (95 HCV) và Việt Nam đứng thứ 3 với 73 HCV.
Tuy nhiên, sau kỳ đại hội mà Singapore làm chủ nhà thì mọi chuyện lại đâu vào đấy ở các kỳ SEA Games sau. Chủ nhà Malaysia ở kỳ SEA Games 2017 đã giành tới 145 HCV hơn Thái Lan - cường quốc thể thao khu vực tới 73 HCV và hơn Việt Nam đoàn xếp thứ 3 tới 87 HCV. Thậm chí, nếu so sánh với Indonesia thì số HCV của quốc gia này đứng thứ 5 toàn đoàn (với 38 HCV) còn không bằng số lẻ của chủ nhà Malaysia.
Để công tác tổ chức trở nên chuyên nghiệp hơn, hướng tới sự phát triển bền vững của nền thể thao khu vực thì cần sự chung tay của các quốc gia, đặc biệt là những nước chủ nhà. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã tổ chức 40 môn thể thao với 526 nội dung thi đấu. Và đây là lần đầu tiên ở SEA Games tổ chức tất cả các môn Olympic.
Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 cho biết: “Việt Nam tổ chức hết các nội dung mà các kỳ SEA Games từ 30 trở về trước chưa lần nào tổ chức hết các nội dung này. Do đó, đây cũng là cơ hội để cho các vận động viên khu vực và Việt Nam tranh tài cũng như thể hiện mình”.
Theo ông Trần Đức Phấn: “SEA Games 31 là dịp Việt Nam rà soát lại toàn bộ lực lượng của các môn thể thao để đánh giá và chuẩn bị triển khai theo chiến lược mà ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua là chiến lược đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045. Đó là Việt Nam và Thể thao Việt Nam phải tấn công vào đấu trường cao hơn chính là ASIAD và Olympic”.
Đó là mục tiêu của Thể thao Việt Nam nói riêng, nhưng thông qua kỳ đại hội lần này chủ nhà Việt Nam cũng có mục tiêu chung và muốn gửi gắm đến các nước Đông Nam Á, đó là tổ chức SEA Games công bằng, trung thực, khách quan, gạt bỏ dần những môn thể thao truyền thống ra khỏi chương trình thi đấu, qua đó nâng tầm thể thao của khu vực, hướng tới những sân chơi cao hơn.
Khẩu hiệu “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” chính là thông điệp mà Việt Nam muốn gửi đến bạn bè khu vực ở kỳ đại hội này. Và để khẩu hiệu thành hiện thực như đúng ý nghĩa, để thể thao khu vực tiến bộ và phát triển bền vững hơn thì cần sự chung tay của tất cả 11 quốc gia.
Những tấm huy chương đầu tiên của đoàn Thể thao Việt Nam tại kỳ Sea Games 31 |
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng để SEA Games 31 cũng như các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á tổ chức theo đúng tinh thần “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” thì các nhà quản lý thể thao phải vào cuộc. Ông Hồng Minh góp ý: “Vấn đề phát triển, nâng tầm thể thao khu vực, đưa nhiều môn Olympic vào SEA Games thuộc trách nhiệm của các nhà quản lý thể thao. Trong những cuộc họp của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á cần nêu ý kiến và đấu tranh.
Thời chúng tôi còn làm thể thao cũng đã nêu ý kiến, nhưng không được ủng hộ. Trong tương lai nếu các nước khu vực Đông Nam Á muốn tham gia ASIAD, Olympic thì cần phải chuẩn bị và đưa vào đại hội thi đấu những môn như vậy. Nếu vẫn tổ chức dàn trải thì các vận động viên không vươn tới trình độ cao để tiến vào sân chơi Olympic được”./.
Theo VOV.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin