Trên sân Mỹ Đình có khán giả, ĐT Việt Nam thua sát nút ĐT Nhật Bản 0-1. Chẳng thể nói rằng vui mừng khi thua, nhưng trong một trận đấu cụ thể cách triển khai lối chơi và cách thua không quá cách biệt là điều chấp nhận được.
Thủ môn Tấn Trường khống chế thành công những pha tấn công đánh đầu của những cầu thủ đắt giá ở Ngoại hạng Anh như Minamino của Liverpool (1) và Tomiyasư của Arsenal (2). |
(VLO) Trên sân Mỹ Đình có khán giả, ĐT Việt Nam thua sát nút ĐT Nhật Bản 0-1. Chẳng thể nói rằng vui mừng khi thua, nhưng trong một trận đấu cụ thể cách triển khai lối chơi và cách thua không quá cách biệt là điều chấp nhận được.
Chẳng thể nào đi so sánh hai đội bóng của hai nền bóng đá có khoảng cách quá chênh lệch và từng con người cụ thể trên sân nó hoàn toàn ở hai đẳng cấp quá khác biệt. NHM chỉ “mơ” có sự may mắn vào những khoảnh khắc tỏa sáng của các cầu thủ chúng ta, cộng với sai lầm nào đó từ đối phương để mong có được bàn thắng. Và trong một trận cầu cụ thể, thì phong độ và sự hưng phấn có thể tạo ra điều kỳ diệu. Nhưng điều đó đã không xảy ra, chúng ta nên chấp nhận và công nhận ĐT Việt Nam đã chơi rất tốt trước Nhật Bản, đặc biệt là hàng phòng ngự.
Như vậy là chúng ta đã kết thúc lượt trận thứ 1 và đối đầu cả 5 đội bóng cùng bảng mà chưa có điểm nào. Từ “giấc mơ Wolrd Cup” chúng ta dần hạ xuống có được một trận thắng và giờ thì nhìn thẳng vào thực tế, thầy Park than rằng: “Giờ thì tôi mới biết kiếm 1 điểm khó quá”. Đó là thực tế mà NHM phải chấp nhận nó.
Thay đổi thái độ, tâm thế tiếp cận sân chơi “quá tầm” này để bớt mộng mơ và mạnh dạn cởi bỏ áp lực cho BHL và từng cầu thủ ĐT Việt Nam.
Như vậy, 10 trận đấu ở bảng B chạm trán với những đội bóng hàng đầu châu Á và họ đã tiếp cận đẳng cấp bóng đá thế giới, hãy biến nó là “cơ hội vàng” mà bóng đá Việt Nam có được. Khoan hãy đặt những giấc mơ “Wolrd Cup 2026”, những giấc mơ của “nhiệm kỳ” và những kế hoạch “bàn giấy”.
Mà hãy đặt câu hỏi rằng: “Liệu sau đây bao nhiêu năm nữa, Việt Nam sẽ được chạm trán những đội bóng mạnh một cách thực sự sòng phẳng như thế này lần nữa?”.
Khoan nói đến những hệ thống đào tạo trẻ, chưa nói đến giải vô địch quốc gia đạt sự chuyên nghiệp hay sự tiếp sức từ những tập đoàn kinh tế có tình yêu bóng đá thực sự, chỉ cần nhìn ngay “sau lưng” ĐT quốc gia, sẽ thấy lớp kế cận U22 là… tỉnh mộng ngay.
Như vậy, hãy cởi bỏ mọi áp lực thành tích, cởi bỏ tâm thế nhập cuộc còn nặng nề để ĐT chúng ta có những trận đấu sắp tới một cách tích cực hơn, sòng phẳng hơn và hy vọng sẽ có thể ghi điểm ở lượt đấu thứ hai, khi chúng ta có được đầy đủ quân số mạnh khỏe nhất.
Nhìn vào trận đấu trước ĐT Nhật Bản, chính họ mới là đội bị áp lực khủng khiếp nếu không có được trọn vẹn 3 điểm khi rời sân Mỹ Đình.
Năng lực cầu thủ và đẳng cấp của nền bóng đá quốc gia chỉ tới đó, cho nên mọi ý đồ chiến thuật của BHL Việt Nam đưa trận đấu đến kết quả như thế, cách thua và tỷ số thua sát nút như thế đáng nhận được lời khen ngợi. Chỉ cần xem cái tốc độ của các cầu thủ Nhật Bản thôi, chưa cần bàn nhiều đến những yếu tố khác, phải còn rất lâu cầu thủ Việt Nam mới có thể… chạy được như họ.
Hy vọng ở 5 trận đấu còn lại ĐT Việt Nam sẽ có được điểm số, mà trước mắt là trận đấu trên sân nhà ngày 16/11 tới đây chúng ta tiếp đội Saudi Arabia đáng đứng đầu bảng B.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin