Olympic Tokyo: "Cùng nhau" xích lại tình người

06:07, 30/07/2021

Olympic Tokyo 2020 vẫn đang tiếp diễn, nhưng cho đến nay có thể tin rằng kỳ đại hội thể thao lớn nhất hành tinh đã đạt được những điều kỳ diệu trong thành tích thể thao, sự an toàn trước đại dịch COVID-19 và quan trọng nhất là thể hiện thông điệp "Cùng nhau".

(VLO) Olympic Tokyo 2020 vẫn đang tiếp diễn, nhưng cho đến nay có thể tin rằng kỳ đại hội thể thao lớn nhất hành tinh đã đạt được những điều kỳ diệu trong thành tích thể thao, sự an toàn trước đại dịch COVID-19 và quan trọng nhất là thể hiện thông điệp “Cùng nhau”.

Tinh thần Olympic truyền thống: “Nhanh hơn- Cao hơn- Mạnh hơn” đã được bổ sung từ “Cùng nhau” trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt này của thế giới.

Ảnh chụp qua màn hình ti vi
Ảnh chụp qua màn hình ti vi

Sáng 30/7, nội dung chung kết bơi 200m hỗn hợp nữ, chứng kiến nữ kình ngư Nam Phi Tatjana Schoenmaker chạm tay về đích với thành tích 2 phút 18 giây 95 và xác lập kỷ lục thế giới mới.

Hình ảnh xúc động thế giới chính là sự vui mừng và ôm chầm nhau từ các đối thủ trong hồ bơi, như kỳ tích của chính họ vậy.

Những kình ngư niềm hy vọng số 1 của Mỹ là: Lilly King và Annie Lazor luôn dẫn đầu các lượt bơi nhưng đã vuột chiến thắng ở những mét đua cuối và chỉ về thứ 2 và 3 sau VĐV Nam Phi, nhưng họ đã ngay lập tức đến ôm chầm, vỗ tay hoan hô, cười rạng rỡ trong khi Tatjana khóc mừng chiến thắng.

Còn người đồng đội của Tatjana về đích thứ 5 thì tỏ ra phấn khích, la hét như chính mình vừa giành chiến thắng vậy.

Đó là vẻ đẹp hiếm thấy của thể thao trong những cuộc thi đối kháng quyết liệt, đặc biệt ở đấu trường danh giá, lớn nhất hành tinh như thế này.

Tinh thần thể thao cao thượng, nhân văn và sự thể hiện thông điệp “Cùng nhau” của các ngôi sao thể thao thế giới sẽ có sức tác động mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng lời kêu gọi sự xích lại gần nhau, yêu thương, đoàn kết sẻ chia để cùng nhau chiến thắng.

Không chỉ chiến thắng những giới hạn thể thao mà chiến thắng những kẻ thù của nhân loại: chiến tranh, nghèo đói, thiên tai và dịch bệnh.

Hạnh phúc hơn, thuyết phục hơn đó không chỉ là hình ảnh đơn lẻ, rất nhiều hành động đẹp, thể hiện tình yêu thương, đoàn kết trong thể thao đã diễn ra rất nhiều trong những ngày qua.

Ngày 25/7 nhà vô địch Judo hạng cân 66kg nam của nước chủ nhà Abe Hifưmi sau khi giành HCV đã nhấc bổng võ sĩ Vazha Margvelashvili của Georgia thể hiện sự tôn trọng đối thủ.

Trước đó 20 phút, người em gái của anh là Abe Ưta cũng đã giành HCV trước nhà vô địch Châu Âu Buchard, tạo nên kỳ tích “kép” cho nhà Abe đồng thời là nhà vô địch Judo Olympic trẻ nhất ở tuổi 21.

Abe Ưta cũng đã bày tỏ: “Hơn 4 năm tôi miệt mài tập luyện để có chiến thắng hôm nay. Nhưng tôi giành sự tôn trọng cho Bachard, chị ấy mới là đối thủ mạnh nhất”.

Những giọt nước mắt vui sướng của người chiến thắng, những giọt nước mắt của người thất bại, tất cả bỗng trở nên lung linh hơn, đẹp đẽ và ngọt ngào hơn khi những cái ôm nhau, giành cho nhau sự tôn trọng, chia sẻ niềm vui của đối thủ ngay cả khi mình vừa thất bại trong cuộc đối đầu.

Chiến thắng ở đây hoàn toàn không có chỗ cho sự đối đầu triệt hạ, mà sự chiến thắng bản thân chứng minh vẻ đẹp toàn bích của thể thao nhằm gắn kết con người, một thế giới cần hòa bình, yêu thương để cùng nhau chiến thắng những khổ đau của nhân loại.

Điều đó có ý nghĩa lớn lao và cần thiết vô cùng ngay trong lúc này đây, nên một kỳ đại hội thể thao lớn nhất thế giới đã được Nhật Bản làm hết sức mình có thể vì sự an toàn và thành công to lớn nhất.

Những cuộc tranh tài không có khán giả, những quy định khẩu trang nghiêm khắc, hình thức trao HC giữ khoảng cách…

Tất cả những quy định nghiêm nhặt vì dịch COVID-19 đang bùng phát dữ dội, mà phải đảm bảo mọi khâu tổ chức chu đáo cho hơn 18.000 VĐV, đội ngũ HLV, các đoàn thể thao các nước.

Không vì thế mà mất đi tính cạnh tranh hấp dẫn, không vì thế mà trở nên nhạt nhòa ý nghĩa, trái lại thế giới đang chứng kiến một kỳ Olympic kỳ lạ nhất nhưng cũng thể hiện thành công nhất, mạnh mẽ nhất một thông điệp “Cùng nhau”.

NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh