Hai đoàn thể thao đặc biệt ở Olympic Tokyo

05:07, 19/07/2021

Đó là đoàn thể thao trung lập gồm 333 vận động viên (VĐV) người Nga và đoàn thể thao người tị nạn 29 VĐV. Cả hai 2 đoàn đều phải đứng ngoài cuộc đua huy chương.

Đó là đoàn thể thao trung lập gồm 333 vận động viên (VĐV) người Nga và đoàn thể thao người tị nạn 29 VĐV. Cả hai 2 đoàn đều phải đứng ngoài cuộc đua huy chương.

Đoàn thể thao người tị nạn từng nhận được rất nhiều sự ủng hộ ở Olympic 2016 - Ảnh: Olympic
Đoàn thể thao người tị nạn từng nhận được rất nhiều sự ủng hộ ở Olympic 2016 - Ảnh: Olympic

Sau khi bê bối doping bị phanh phui, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) áp đặt lệnh trừng phạt cấm thể thao Nga tham dự các sự kiện thể thao quốc tế trong 4 năm kể từ năm 2018.

Án phạt này sau đó được giảm xuống 2 năm và IOC cũng cho phép các VĐV trong sạch của Nga được thi đấu ở Olympic Tokyo dưới màu cờ trung lập.

Khát vọng vực dậy của thể thao Nga

Tại Olympic Tokyo 2020, tuy các VĐV Nga sẽ tiếp tục thi đấu dưới danh nghĩa của Ủy ban Olympic Nga (ROC) nhưng họ không được phép sử dụng quốc kỳ của Nga. Thay vào đó, lá cờ của họ sẽ mang biểu tượng 5 vòng tròn truyền thống của Olympic.

Các VĐV Nga mặc trang phục in biểu tượng hình ngọn lửa được nối liền bởi sọc đỏ và xanh (gần giống quốc kỳ Nga) và quốc ca Nga được thay bằng một bản nhạc của nhạc sĩ huyền thoại Pyotr Tchaikovsky.

Dù không được tham dự cuộc đua huy chương ở Olympic Tokyo nhưng các VĐV Nga sẽ nỗ lực hết sức vì thành tích cá nhân và cũng để chứng tỏ thể thao Nga đã vực dậy sau vụ bê bối. Thật vậy, chỉ tính ở Olympic 2012, Nga đã bị tước 15 huy chương, gồm 5 HCV, 8 HCB và 2 HCĐ.

Vấn đề là thể thao thế giới vẫn hoài nghi rằng hệ thống doping của Nga vẫn chưa bị đưa ra ánh sáng. Điều này thể hiện qua sự sa sút của thể thao Nga kể từ khi họ bị siết chặt quản lý trong vấn đề doping.

Ở Olympic 2000, Nga vươn đến đỉnh cao với 32 HCV nhưng sau đó giảm dần và đến Olympic 2016 chỉ còn 19 HCV, 17 HCB và 20 HCĐ.

Phải chăng khi không còn doping, thể thao Nga đã sa sút thảm hại? Đó là câu hỏi liên quan đến danh dự mà những VĐV Nga thi đấu dưới màu cờ trung lập cần phải trả lời ở Olympic Tokyo.

Đoàn thể thao giàu cảm xúc nhất

Với đoàn thể thao người tị nạn, được có mặt tại Olympic đã là một chiến tích vĩ đại của 29 VĐV đến từ nhiều quốc gia như Syria, Congo, Nam Sudan, Iran, Afghanistan...

5 năm trước, Olympic 2016 đã đánh dấu sự ra đời của đoàn thể thao người tị nạn với tổng cộng 10 thành viên. Dù ít ỏi và không đạt được thành tích đáng kể gì nhưng sức hút của đoàn này chẳng kém gì so với các ngôi sao hàng đầu thế giới.

Khoảnh khắc các nữ kình ngư Yursa Mardini hay Rami Anis bước xuống hồ bơi hoặc phòng họp báo, hàng trăm ống kính đã chĩa về họ.

Sau 5 năm, Mardini vẫn tiếp tục có mặt ở Olympic Toyo bằng suất vé mời dành cho đoàn thể thao tị nạn. 10 năm trước, Mardini là tay bơi trẻ hàng đầu của Syria. Nhưng rồi cuộc nội chiến khốc liệt đã khiến nhiều gia đình như Mardini mất tất cả.

Năm 2015, Mardini cùng em gái trốn khỏi Syria để sang Lebanon rồi Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp. Trải qua nhiều ngày lênh đênh trên biển rồi đi bộ, hai chị em Mardini cuối cùng cũng đến được Đức. Sau đó, cô được tập luyện tại một CLB ở Berlin.

Và sáng kiến thành lập đoàn thể thao người tị nạn của IOC đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của những người như Mardini. Các VĐV tị nạn xuất sắc trên khắp thế giới được IOC tập hợp và trao cho họ cơ hội trong mơ: tham dự Olympic.

Trong số đó có Lokonyen - một cô gái người Nam Sudan đã bắt đầu chạy điền kinh từ khi còn sống trong trại tị nạn ở Kenya, Keletela - nam VĐV chạy tốc độ từng chạy trốn khỏi Congo sau khi cha mẹ chết trong chiến tranh...

Các VĐV tị nạn có thể không giành được huy chương, nhưng sự hiện diện của họ tại Olympic đã là những câu chuyện truyền cảm hứng.

Theo TTO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh