Phát triển phong trào TDTT ở giai đoạn mới

05:05, 07/05/2021

Phong trào TDTT trong những năm qua được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực.

(VLO) Phong trào TDTT trong những năm qua được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực.

Ngày càng có nhiều giải thể thao quần chúng có chất lượng, thu hút nhiều người tham gia.
Ngày càng có nhiều giải thể thao quần chúng có chất lượng, thu hút nhiều người tham gia.

Nhiều kết quả tích cực

Sau 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển TDTT tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015- 2020, phong trào có bước phát triển vượt bậc. Hiện toàn tỉnh có 32 loại hình TDTT thu hút nhiều người tham gia tập luyện và thi đấu.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 33% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, hơn 1.200 CLB TDTT cơ sở được thành lập và hoạt động tại các cơ quan, trung tâm văn hóa, thể thao
các cấp.

Hiện 100% số trường học thực hiện chương trình giáo dục thể chất nội khóa, 95% trường tổ chức tốt chương trình thể thao ngoại khóa, thể thao tự chọn cho học sinh. Hàng năm duy trì tổ chức hàng trăm giải, hội thi, hội thao 3 cấp.

Nổi bật là duy trì tổ chức tốt Đại hội TDTT và Hội khỏe Phù Đổng các cấp của tỉnh ngày càng chất lượng và thu hút nhiều lượt người tham gia. Qua đó, góp phần làm nền tảng phát triển thể thao thành tích cao, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới và đô thị văn minh…

Là cán bộ quản lý vừa về hưu, cô Trần Thị Tiến (Phường 2- TP Vĩnh Long) lựa chọn môn Yoga để tập luyện mỗi ngày “Vừa về hưu, có thời gian rảnh rỗi nhiều nên mình lựa chọn môn phù hợp này để tập luyện. Tham gia tập luyện TDTT chủ yếu là có sức khỏe để sống tốt, làm việc tốt…”- cô chia sẻ.

Tinh thần TDTT của quần chúng nhân dân đã được nâng cao rõ rệt và tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021- 2030.

“Mỗi cá nhân hãy tự lựa chọn cho mình một môn thể thao thích hợp, điều kiện sống và làm việc để nâng cao sức khỏe bản thân.

Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động mọi người, trước tiên là những người trong gia đình và người thân hàng ngày tham gia tập luyện TDTT; xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Quyên Thanh kêu gọi.

Phát triển TDTT trong thời kỳ mới

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, trong thời kỳ đổi mới, hội nhập sâu rộng và phát triển như hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển của đất nước.

Do đó TDTT càng có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; tạo môi trường sống lành mạnh; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc để cùng nhau phát triển và tiến bộ.

Phong trào TDTT tuy có những bước phát triển vượt bậc, song cũng tồn tại nhiều khó khăn.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoạt động TDTT còn gặp một số hạn chế như điều kiện sống của người dân, nhất là vùng nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, tác động khách quan đến việc tham gia vào các hoạt động TDTT; hệ thống tổ chức quản lý TDTT chưa hoàn chỉnh và chưa đồng bộ, như: cơ sở vật chất còn nghèo nàn, sân bãi, trang thiết bị, dụng cụ chưa đáp ứng được nhu cầu…

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng đề án phát triển TDTT tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án được cho rằng hết sức cần thiết và cấp bách để đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp thực hiện thắng lợi cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Đây cũng là tiền đề thu hút hiệu quả mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh phát triển phong trào TDTT cho mọi người và nâng cao thành tích thể thao của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

Theo đề án, phấn đấu đưa tỷ lệ dân số của tỉnh tham gia tập luyện TDTT thường xuyên từ 33% (năm 2020) lên 38% (năm 2025) và 42% (năm 2030); số gia đình tập luyện thể thao đạt 28% năm 2020 (tăng bình quân 1,5%) cho đến năm 2025 đạt 35,5%/tổng số hộ toàn tỉnh. Số CLB thể thao năm 2020 đạt 1.200 CLB (tăng bình quân 8%/năm), phấn đấu đến năm 2025 có 1.500 CLB và đến năm 2030 có 2.000 CLB trong tỉnh… Đồng thời phát triển các loại hình thể thao quần chúng, thể thao giải trí, thể thao sức khoẻ, thể thao dân tộc song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Trong khi đó, theo đề án, nhu cầu sử dụng kinh phí phát triển TDTT cho mọi người trong năm 2021 là 10,7 tỷ đồng; năm 2022 là trên 8,2 tỷ đồng.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh