VAR ở V-League: Mùa bóng 2020 cũng chưa chắc

02:11, 04/11/2019

Sau khi được FIFA cấp phép, VAR đã được LĐBĐ Thái Lan (FAT) áp dụng trong trận chung kết Cúp quốc gia hôm 2-11 trước khi áp dụng rộng rãi từ mùa giải mới Thai League 2020. Nhưng với bóng đá VN, VAR có lẽ lại còn phải chờ.

Sau khi được FIFA cấp phép, VAR đã được LĐBĐ Thái Lan (FAT) áp dụng trong trận chung kết Cúp quốc gia hôm 2-11 trước khi áp dụng rộng rãi từ mùa giải mới Thai League 2020. Nhưng với bóng đá VN, VAR có lẽ lại còn phải chờ.

Không có công nghệ VAR, trọng tài thường bị phản ứng ở V-League -Ảnh: ANH TUẤN
Không có công nghệ VAR, trọng tài thường bị phản ứng ở V-League -Ảnh: ANH TUẤN

Công nghệ trọng tài video (VAR) thực ra đã được FAT áp dụng từ trận tranh Siêu cúp quốc gia 2018 và sau đó là Thai League 2018. 

Tuy nhiên, FAT phải tạm dừng sử dụng VAR ở nửa đầu mùa giải 2019 do bị FIFA "tuýt còi" - do chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn. Mãi đến ngày 31/10, sau khi được FIFA và Hội đồng liên đoàn bóng đá quốc tế (IFAB) cấp phép, FAT chính thức vận hành trung tâm điều hành VAR.

VAR nhìn từ Thai League

Sự xuất hiện VAR ở Thai League đã đem đến cảm giác hài lòng cho không ít CLB khi giành lại được công bằng từ những quyết định tranh cãi của trọng tài.

Tuy nhiên, không ít CLB Thái Lan vẫn phàn nàn về hệ thống cũng như chất lượng của đội ngũ trọng tài VAR. Đó là lý do tại sao FIFA đã tuýt còi FAT để hoàn chỉnh hệ thống cũng như nhân sự tốt hơn.

Ở thời điểm tạm dừng, FAT không hội đủ các trọng tài có đủ chuyên môn sử dụng VAR cho tất cả các trận đấu Thai League. Chưa kể một số CLB của nước này cũng chưa có đủ cơ sở hạ tầng để bố trí hệ thống VAR.

Từ tháng 3, FAT và công ty tổ chức giải đã phối hợp với IFAB để cử đội ngũ chuyên gia sang Thái Lan giúp đào tạo các trọng tài VAR theo đúng tiêu chuẩn.

Các trọng tài được học lý thuyết, rồi chuyển sang thực hành ở ngoài sân cỏ lẫn trong phòng VAR nhằm có thể đưa ra quyết định chính xác cũng như phối hợp ăn ý giữa các thành viên với nhau.

Phát biểu tại buổi khánh thành Trung tâm điều hành VAR, ông David Eller chia sẻ: "IFAB đã cấp phép VAR tại hơn 90 quốc gia và có cùng quy trình làm việc.

Mỗi quốc gia cần 6-7 tháng để chuẩn bị trọng tài và nhân viên sử dụng VAR. Có 3 phần cần phải chuẩn bị là thiết bị, hệ thống và nhân sự...".

Bao giờ V-League có VAR?

Từ chỗ tuyên bố sẽ sử dụng VAR ở V-League 2019, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) đã liên tục thay đổi mốc thời gian áp dụng công nghệ này.

Đầu tiên là lượt về V-League 2019, tiếp đó là những trận cuối mùa giải và cuối cùng là ở V-League 2020 vì chưa được FIFA cấp phép.

Trên thực tế, lãnh đạo VPF rất quyết tâm áp dụng VAR vào V-League và đã có những bước đi cụ thể khi liên hệ với FIFA và IFAB trong thời gian qua.

Mới nhất, đại diện của IFAB đã có mặt tại VN trong hai ngày 29 và 30/10 để lắng nghe Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), VPF trình bày, khảo sát tình hình và hướng dẫn các thủ tục cần thiết.

Nhưng từ cuộc gặp gỡ này, VFF và VPF mới thấy là mọi thứ không hề đơn giản và không phải muốn sớm là được. "Họ đưa ra 5 bước tiến hành trước khi có thể xem xét và cấp phép sử dụng VAR ở V-League. Trong đó, mỗi bước lại có những yêu cầu khác nhau.

Trong đó, đào tạo trọng tài và đội ngũ áp dụng công nghệ VAR là yếu tố quyết định nhất" - một thành viên VPF tham gia cuộc họp chia sẻ.

Theo IFAB, để đào tạo các trọng tài và đội ngũ kỹ thuật VAR có thể làm việc tốt, nhanh nhất cũng mất 7 tháng.

Nhưng với VFF và VPF, điều đáng lo không chỉ là liệu chất lượng đội ngũ của mình liệu có thể đáp ứng được quy trình đào tạo VAR hay không, mà còn là chuyện kinh phí vì ước tính tiêu tốn rất nhiều tiền để đào tạo, rồi vận hành chứ chưa nói đến chuyện đầu tư máy móc thiết bị vốn khá đắt đỏ.

Với quyết tâm đưa VAR vào áp dụng, VFF và VPF phải theo đuổi lộ trình đến cùng chứ không được phép bỏ ngang.

Sau cuộc gặp với FIFA và IFAB, VPF cho biết sẽ ngồi lại với VFF để bàn thảo chi tiết trước khi làm thành đề án cụ thể trình lên lãnh đạo cao nhất phê duyệt.

Một thành viên VPF cho biết: "Chúng tôi phải làm đề án cụ thể để lãnh đạo xem xét là có khả thi hay không, sau đó chuyển tiếp sang cho FIFA xem xét theo quy định.

Điều quan trọng là FIFA yêu cầu nếu chúng tôi muốn áp dụng VAR thì phải theo suốt chứ không được bỏ ngang sau khi đã làm việc. Mà mọi thứ phải theo từng bước. Duyệt xong bước này mới làm bước tiếp theo chứ không được nhảy cóc".

Vì thế, áp dụng cho V-League 2020 ngay là điều không hề đơn giản. Tổng giám đốc Next Media - đối tác của VPF trong việc đầu tư xe VAR - Nguyễn Trung Kiên chia sẻ: "Theo tôi được biết thì lộ trình đưa VAR vào áp dụng ở V-League khá phức tạp. Vì FIFA và IFAB yêu cầu những điều kiện khá gắt gao.

Trong đó, đào tạo trọng tài VAR là không hề đơn giản. Về phần mình, chúng tôi luôn sẵn sàng để đầu tư xe VAR khi được FIFA và IFAB thông qua. Nhưng nhìn danh sách yêu cầu của VAR, tôi nghĩ sớm lắm phải đến lượt về V-League 2020 thì VAR mới có thể áp dụng".

Đau đầu chuyện đào tạo đội ngũ VAR

Theo chia sẻ của VPF, để đào tạo đội ngũ trọng tài và đội ngũ kỹ thuật VAR là khá khó khăn và tốn kém. Một thành viên VPF cho biết: "Chúng tôi cần khoảng 100 người để đào tạo trong ít nhất 6 tháng.

Mỗi người trong số này đều có công việc riêng ở xã hội, nên đâu phải ai cũng có thể đi đến một địa phương nào đó để được đào tạo trong suốt khóa học. Vì thế, chúng tôi buộc phải chia nhỏ ra thành từng nhóm để họ có thể theo học được. Nhưng phải nói rằng việc đào tạo như thế này rất tốn kém…".

Theo TTO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh